Trẻ vào lớp 1: Cha mẹ không cần lo lắng chuyện học thêm

GD&TĐ - Giáo dục phải kết hợp 3 yếu tố: nhà trường - gia đình - xã hội mới tạo nên thành công. Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh lớp1 thì sự hiểu biết, phối hợp của cha mẹ cùng nhà trường, giáo viên vô cùng quan trọng.

Cha mẹ cần hiểu biết về chương trình để cùng con đồng hành.
Cha mẹ cần hiểu biết về chương trình để cùng con đồng hành.

Hiểu rõ mục tiêu chương trình

Theo ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng GD Tiểu học và GD Mầm non Sở GD&ĐT Lâm Đồng, để đồng hành với con vào lớp 1 và nhà trường, trước hết phụ huynh cần hiểu rõ về mục tiêu chương trình.

Trước hết, năm học 2022-2023 là năm thứ ba áp dụng chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) mới, trong đó học sinh được học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện. Việc học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, và chú trọng từ lớp 1.

Đối với các môn học ở lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018: Gồm có 7 môn học và Hoạt động giáo dục bắt buộc. So với Chương trình năm 2006 thì tên các môn học lớp 1 không thay đổi nhiều. Điểm mới của môn học ở lớp 1 CT GDPT 2018 là Giáo dục thể chất được coi trọng hơn nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển chiều cao, thể lực, trí tuệ.

CT GDPT 2018, các môn học đều đóng vai trò như nhau, mỗi môn học có tác dụng riêng góp phần hình thành nhân cách cho trẻ, do vậy cha mẹ cần quan tâm tới việc học đều tất cả các môn cho con. Nếu trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện phát huy thế mạnh môn học đó.

Giai đoạn con mới vào lớp 1 đối với môn học Tiếng Việt, điều cha mẹ cần quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết. Việc này này cần phối hợp giáo viên chủ nhiệm để được giúp đỡ và hướng dẫn.

Mặt khác, chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết. Như vậy, cha mẹ học sinh cần nắm vững thời gian để sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thuận tiện đưa đón con.

Đặc biệt khi trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp nên cha mẹ càng không phải lo lắng chuyện học thêm cho con ở nhà. Ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà hãy dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe.

Học sinh lớp 1 học từ cách cầm bút

Học sinh lớp 1 học từ cách cầm bút

Ông Hải nhấn mạnh, mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Như vậy, cha mẹ cần loại bỏ việc học thêm cho trẻ lớp 1, điều đó sẽ giúp giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong thực hiện chương trình. Đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

Phối hợp, đồng hành đúng cách

Từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Duy Hải lưu ý các bậc cha mẹ: Lớp 1 là nền móng của tiểu học, hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em phải làm quen từng bước nền nếp học tập, quy định của cô giáo (tư thế ngồi học, viết, cách cầm bút...). Những kĩ năng này cần sự phối hợp giữa cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh cùng chơi, cùng học lúc ở nhà qua hình thức học tập trải nghiệm và tạo môi trường gia đình ấm áp bên cạnh môi trường giáo dục nhà trường thân thiện. Từ đó đem đến niềm vui học tập cho trẻ…

Một vấn đề đã được các chuyên gia giáo dục, giáo viên lớp 1 nói nhiều tới nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu và thực hiện tốt đó là cho con học trước chương trình.

Ông Hải khẳng định, về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 không tốt cho học sinh. Trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước, điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học biết chữ trước và học sinh chưa biết sẽ gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.

Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp. Như vậy cha mẹ không cần lo lắng chuyện học thêm. Hãy dành thời gian cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý tại nhà hoặc bố mẹ vừa cùng con ôn luyện vừa trò chuyện, chơi vui tạo cảm giác học tập nhẹ nhàng, thoải mái.

Ví như để tăng cường kỹ năng đọc cho các em, bố mẹ có thể mua những cuốn truyện phù hợp lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc, đồng thời hình thành thói quen đọc sách.

Tạo niềm vui cho trẻ trong học tập

Tạo niềm vui cho trẻ trong học tập

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng khẳng định một trong những giải pháp giúp học sinh không sợ học, không áp lực với việc học là cha mẹ không được yêu cầu giáo viên giao thêm bài tập và ép con thực hiện quá nhiều nhiệm vụ học ở nhà.

Để trẻ đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội, càng không thể vì quá lo lắng mà ép trẻ học chữ trước. Cần để trẻ phát triển tự nhiên, tạo hứng thú học tập ngay từ khi vào lớp 1. Điều này quan trọng hơn cả để có thể hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ sau này.

“Đổi mới chương trình đi liền với đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Do vậy cha mẹ không nên hỏi: Hôm nay con được mấy điểm? Điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời những tiến bộ dù nhỏ nhất và giải thích những băn khoăn kịp thời…”, ông Hải lưu ý.

Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào học lớp 1 vững vàng nhất, mỗi gia đình, cha mẹ cần mang tới cho con sự cảm nhận đi học là hạnh phúc, tự hào về ngôi trường, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì luôn có thầy cô yêu thương che chở. Đặc biệt, mỗi cha mẹ cũng hãy luôn tin tưởng và đồng hành với nhà trường, thầy cô để có thể phối hợp, đồng hành tốt nhất với trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ