Trước khi trẻ vào lớp 1: Chuẩn bị tốt kỹ năng và tâm lý

GD&TĐ - Để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho trẻ vào lớp 1, không ít phụ huynh “lao tâm khổ tứ” tìm tòi những trung tâm dạy chữ, luyện viết với mong muốn con biết đọc, biết viết trước khi đi học.

Cần chú trọng rèn kỹ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ảnh minh họa: Thế Đại
Cần chú trọng rèn kỹ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ảnh minh họa: Thế Đại

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc làm này sẽ gây hậu quả tiêu cực không đáng có.

Loay hoay học “tiền lớp 1”

Có con trai thứ 2 đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, chị Nguyễn Thị Vân (35 tuổi, phường Quán Trữ, quận Kiến An, TP Hải Phòng) đã tìm hiểu lớp học “tiền tiểu học” ở một trung tâm để gửi con theo học.

Theo chia sẻ của chị Vân, 2 năm gần đây ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc theo học của con chị ở trường mầm non không ổn định. Hơn nữa, ở trường mầm non các cô giáo chỉ cho trẻ nhận diện mặt số, chữ cái, không dạy chữ, không cho trẻ tập đọc nên chị rất lo lắng. Nghe kinh nghiệm từ nhiều phụ huynh khác, chị Vân quyết định cho con đi học trung tâm với mong muốn con sẽ “cứng cáp” hơn khi vào lớp 1.

Chuẩn bị cho con vào lớp 1, anh Hoàng Đức Hiệp (phường An Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho con làm quen với môi trường mới bằng cách hàng ngày, sau giờ tan học 2 bố con anh thường đi bộ thể dục ra trường tiểu học.

“Cháu rất thoải mái và vui vẻ, thậm chí háo hức được ngồi học như các anh, chị. Để con đỡ vất vả với kiến thức lớp 1, tôi cũng gửi con ở nhà cô giáo đã về hưu để kèm cặp giúp”, anh Hiệp chia sẻ.

Trường Mầm non Quán Trữ, phường Quán Trữ, quận Kiến An có hơn 300 trẻ. Theo cô Nguyễn Thị Thuỷ - Hiệu trưởng nhà trường, trường có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý và sự đồng thuận của phụ huynh trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Trong thời gian các cháu dừng đến trường vì dịch bệnh, các cô giáo thường xuyên gửi video hoạt động qua Zalo cho phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục trẻ. Hơn 100 cháu lớp 5 tuổi được học theo chương trình tinh giản với những nội dung cốt lõi.

Đến tuần cuối tháng 3, học sinh đã đi học đông đủ vì thế các cô giáo tích cực đẩy mạnh các hoạt động giúp trẻ hình thành kỹ năng, đặc biệt chú ý kỹ năng tự phục vụ cá nhân. Ngoài ra, trẻ được nhận diện 29 chữ cái, các con số, phát triển tư duy qua các hình ảnh so sánh, tách gộp, thêm bớt.

Trường không thực hiện dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Điều này cũng được quán triệt đến tất cả giáo viên. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Thuỷ thông tin thêm: Để chuẩn bị điều kiện cho các con vào lớp 1, trường chú ý đến vấn đề thích ứng môi trường mới tạo tâm lý ổn định, lành mạnh, vui tươi…

Cụ thể, nhà trường đã liên hệ với Trường Tiểu học Quán Trữ hàng tuần đưa trò đến làm quen với môi trường tiểu học. Tại đây, trẻ được làm quen với các lớp học, nghe thầy cô nói về học tập và xem các anh chị học bài. Thông qua các hoạt động rèn trẻ kỹ năng mở sách mở, cầm bút.

Học sinh Trường Tiểu học Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trong giờ học.
 Học sinh Trường Tiểu học Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trong giờ học.

Không thể dồn trách nhiệm lên trẻ

Cô Vũ Thị Phương Vân, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Lê Chân, TP Hải Phòng có kinh nghiệm 14 năm dạy lớp 1. Theo cô Vân, 2 năm gần đây chất lượng học sinh lớp 1 có một số hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc học tập của cô và trò vất vả hơn nhiều.

Nhưng việc phụ huynh lo lắng cho con đi học chữ trước là phản khoa học. Bởi, trẻ trước 6 tuổi đã phải ngồi học bài dễ dẫn đến bệnh về cột sống, mắt. Đáng nói, trẻ được học trước khi vào lớp 1 sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chịu học. Vì vậy, cô Vân cho rằng: Phụ huynh nên chú ý đến việc rèn kỹ năng như dậy sớm, vệ sinh cá nhân, hợp tác… Bên cạnh đó, có thể chơi cùng trẻ qua trò chơi con số, đếm số để bước đầu có tư duy.

Chương trình SGK mới cũng như các chương trình trước, có mặt mạnh và hạn chế. Về kiến thức thì tương đồng nhau, nhưng chương trình mới đòi hỏi nhiều kỹ năng cao hơn nhất là đối với môn Tiếng Việt. Vì thế, phụ huynh không nên quá lo lắng về kiến thức mà cần phối hợp với nhà trường, giáo viên để rèn thêm nhiều kỹ năng cho con.

Cho rằng, việc dạy chữ trước khi vào lớp 1 sẽ vô tình khiến trẻ áp lực, mệt mỏi, mất hứng thú học tập khi cách dạy không đúng, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thông tin:

Khi chuyển môi trường từ chơi sang học, trẻ  cần những kỹ năng cơ bản như: Làm quen với sách, ngồi học, ăn ngủ đúng giờ. Tạo bầu không khí vui tươi khiến trẻ háo hức khi đến trường bằng những câu chuyện kể.

Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng khẳng định không cần thiết phải cho trẻ học tiền lớp 1. Lý do ông Giáp đưa ra là trong Chương trình GDMN cho trẻ 5 tuổi đã có những nội dung để chuẩn bị về tâm thế, kiến thức, kỹ năng cho trẻ vào lớp 1.

Đơn cử, trong Chương trình GDMN cho trẻ 5 tuổi có nội dung cho trẻ làm quen với Toán (nhận biết số lượng, chữ số trong phạm vi 10; chia tách nhóm đối tượng trong phạm vi 10; ứng dụng số lượng, số thứ tự vào cuộc sống…); Nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ (nghe, nói tiếng Việt; chuẩn bị cho trẻ kỹ năng tiền đọc - viết); nhận biết mối quan hệ giữa lời nói và chữ viết; đoán chữ; nhận biết các ký hiệu thông thường trong cuộc sống; nhận biết hình thức chữ viết: In - viết, hoa - thường; hình thành kỹ năng học tập cho trẻ (tư thế ngồi học, kỹ năng cầm bút); Nội dung cho trẻ làm quen và khám phá về trường tiểu học để trẻ sẵn sàng tâm thế bước vào môi trường mới.

“Bên cạnh đó, tiếp nhận trẻ vào lớp 1, các trường tiểu học công lập đều không yêu cầu đầu vào. Nhà trường sẽ có trách nhiệm tổ chức dạy học tiếp nối chương trình giáo dục mầm non, giúp trẻ hoàn thành chương trình lớp 1 mà không cần phải học tiền tiểu học”, ông Hà Huy Giáp nhận định.

Dù thực hiện theo chương trình nào, kiến thức cũng đi theo mạch hệ thống, quy trình chuẩn. Nhiều trung tâm dạy chữ chưa cập nhật kịp thời chương trình mới, hoặc có phương pháp dạy khác dẫn đến tình trạng mỗi trẻ có cách đọc, làm bài khác nhau khiến cho giáo viên tiếp nhận khó rèn dạy hơn. Phụ huynh có thể yên tâm, tuần đầu khi nhận lớp, các cô sẽ ổn định nền nếp, kiểm tra việc tiếp nhận của học sinh, phân loại, hướng dẫn các con cách cầm phấn, bút, nhận diện nét chữ cơ bản sau đó mới đến chương trình học. - Cô Nguyễn Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Trường Tiểu học Thuỷ Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ