Linh hoạt thích ứng
Thời điểm trẻ mầm non đi học trở lại cũng là lúc năm học sắp kết thúc. Nếu nhà trường và giáo viên không chủ động, nỗ lực, trẻ không thể đạt yêu cầu của chuẩn 5 tuổi cũng như kỹ năng cần thiết để vào lớp 1. Đây là lo lắng của các nhà trường và bậc phụ huynh.
Để lấp chỗ trống này cho trẻ, các trường cho trẻ tiếp xúc sách truyện, nhận dạng chữ cái; tập tô các nét chữ; làm quen với hướng đọc và hướng viết, đưa trẻ đến trường tiểu học làm quen với môi trường mới. Đặc biệt, các cô giáo tăng cường duy trì hoạt động kết nối với gia đình và trẻ bằng kênh liên lạc phù hợp để chia sẻ, hỗ trợ phụ huynh kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục khi trẻ ở nhà.
Cô Hoàng Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Phong, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Do thời gian không có nhiều, nhà trường lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh giáo dục trẻ ở nhà phù hợp với điều kiện gia đình.
Chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1, giáo viên tập trung các nội dung, hoạt động trò chơi làm quen với chữ cái phù hợp như chuyển từ hoạt động chủ đạo là chơi sang học tập. Từ đó, giúp trẻ làm quen và dần điều chỉnh cách học tập để phù hợp với cách dạy của giáo viên và cách học ở trường tiểu học. “Một buổi ngoại khóa tại trường tiểu học rất bổ ích, giúp trẻ hiểu và biết cần thay đổi thói quen sinh hoạt và các nhu cầu cá nhân được đáp ứng sang việc phải tuân thủ các quy tắc trường lớp ở môi trường mới”, cô Hoàng Thị Vân thông tin.
Trẻ 5 tuổi bước vào lớp 1 là giai đoạn chuyển tiếp hết sức quan trọng. Trẻ phải thay đổi thói quen sinh hoạt để thích ứng với môi trường mới. Chia sẻ điều này, cô Trần Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh - cho hay: Để các em tự tin, nhanh chóng hòa nhập khi vào lớp 1, nhà trường chủ động thực hiện giảm tải chương trình và ưu tiên cung cấp kiến thức (dạy chữ cái, chữ số trên lớp), kỹ năng mềm như tự phục vụ, giao tiếp… Nhà trường đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh dạy trẻ ở nhà, cung cấp các video để phụ huynh có cách thức phối hợp dạy trẻ hiệu quả.
Tích cực vào cuộc
Lớp học của cô Nịnh Thị Ngân - Trường Mầm non Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, buổi kể chuyện thay bằng việc hướng dẫn học sinh làm quen với chữ cái và chữ số. Cô Nịnh Thị Ngân cho biết: “Buổi học này tôi tiếp tục giúp các em làm quen với chữ cái, các biểu tượng ban đầu, một số kỹ năng, phát triển ngôn ngữ giao tiếp cần thiết.
Theo yêu cầu của nhà trường, giáo viên phải linh động trong kế hoạch giáo dục để trẻ đạt được yêu cầu của chương trình khung. Do chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm học nên các lớp 5 tuổi đều được tăng cường hoạt động giáo dục để trẻ làm quen với lớp 1, đơn giản như giúp các trẻ làm quen với chữ cái và chữ số, cũng như nói về các hoạt động học tập thể lớp 1 sau này”.
Còn ở Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái, các cô giáo được giao dạy lớp 5 tuổi là cô Thạch Thị Lan Thủy, Đào Thị Thùy Dung, Nguyễn Thị Nga. Các cô luôn tất bật với việc làm video clip kể chuyện, mẫu chữ cái, trò chơi… cho trẻ. Các cô cũng tăng cường phối hợp với phụ huynh thông qua trao đổi trực tiếp và gửi một số nội dung bài tập, bài hướng dẫn để có thể chỉ dẫn trẻ tại nhà.
Anh Đỗ Văn Phú, có con học lớp 5 tuổi B, Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái, cho biết: “Được sự hỗ trợ của các cô, tôi thực hiện đầy đủ yêu cầu và thường xuyên tương tác nên hiệu quả khi trẻ ở nhà, chất lượng dạy và học được bảo đảm. Trẻ đi học trở lại, cô giáo đã nỗ lực hết sức để đáp ứng được kiến thức, kỹ năng cho trẻ tới đây vào lớp 1.
Tuy nhiên, gia đình cũng chủ động đồng hành với nhà trường bằng cách cho con làm quen nhiều hơn với những cuốn sách truyện tranh. Bố và mẹ thay nhau dạy con làm quen với vở tập tô nét chữ theo hướng dẫn của cô, tiếp tục uốn nắn con ngồi học ngay ngắn chứ không tự do như trước. Gia đình cũng cho con đến trường tiểu học để gặp gỡ anh chị, thầy cô với mong muốn tạo hứng thú khám phá môi trường mới”.