Để khắc phục tình trạng này, các trường mầm non ở vùng DTTS đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc cho trẻ ra lớp sớm và dạy tiếng Việttrước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, ngôn ngữ vẫn là rào cản khó vượt qua nhất.
Cần đổi mới cách dạy tiếng việt cho trẻ DTTS
Từ khi sinh ra, trẻ em DTTSchỉ quen với việc nghe – nói các âm, thanh của tiếng mẹ đẻ. Khi đến trường buộc trẻ phải làm quen với một ngôn ngữ mới hoàn toàn, hòa nhập vào môi trường tiếng Việt. Chính vì vậy, trẻ đã gặp phải những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu: Khi nói, trẻ thường nói ngọng, phát âm chưa chuẩn dẫn đến tình trạng nhầm lẫn từ và hiểu không chính xác nội dung giao tiếp.
Nhận thức được vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có các công văn chỉ đạo, hướng dẫn việc dạy học tiếng Việt tại các trường vùng sâu, vùng xa. Đến nay, hầu hết các trường mầm non tại khu vực miền núi có nhiều DTTS sinh sống đã có kế hoạch chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ trước khi bước vào lớp 1.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo – Chuyên viên Vụ Giáo dục Mầm Non – Bộ GD&ĐT cho biết: Trước hết giáo viên cần hiểu về đặc điểm ngôn ngữ và những khó khăn của trẻ em DTTS khi học và sử dụng tiếng Việt trong học tập, giao tiếp; Nắm được các lỗi thường mắc của trẻ qua các hoạt động và trong giao tiếp hằng ngày, phân loại các lỗi: Dùng từ, lỗi câu, lỗi diễn đạt… tạo cơ hội để trẻ thực hành nhiều hơn ở những hiện tượng khác biệt để có thể khắc sâu cách sử dụng tiếng Việt. Sử dụng các tình huống trên giờ học, trong hoạt động vui chơi… để tạo cơ hội cho trẻ thực hành nói và có cơ hội nói.
Khi dạy trẻ nói, giáo viên cần kết hợp với dạy nghe hiểu: Nghe hiểu trả lời câu hỏi; Nghe hiểu nội dung hội thoại để có lời đáp, có câu hỏi phù hợp; nghe hiểu lời hướng dẫn để tham gia trò chơi, tham gia tình huống.
Dạy tiếng Việt cho trẻ, giáo viên cũng cần nắm được một số đặc điểm về phương thức cấu tạo từ, về hệ thống đại từ nhân xưng, từ xưng hô trong tiếng dân tộc thì sẽ dự đoán được lỗi dùng từ của trẻ để phòng ngừa.
Trẻ DTTS khi tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai còn đang bỡ ngỡ, vì vậy, khi dạy tiếng Việt giáo viên nên chọn mẫu câu chuẩn, rõ ràng...
Chương trình phổ cập GD Mầm non giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính sử dụng trong môi trường lớp học. Khi cho trẻ tới trường buộc trẻ phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chứ không được nói tiếng mẹ đẻ (tiếng Tày, Nùng, Thái, Dao...) của trẻ. Các tài liệu và sách giáo khoa đều bằng tiếng Việt, vì vậy, để học và đọc được, trẻ phải biết nói tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1. Nếu không, trẻ em DTTS sẽ khó hiểu bài hơn.
Theo cô Hoàng Thị Ảnh – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Phong (Bắc Kạn), chương trình giáo dục song ngữ ở cấp học Mầm non thì ngôn ngữ sử dụng để thực hiện nội dung chương trình mẫu giáo 5 tuổi là tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt, ngôn ngữ quốc gia nhưng lại là ngôn ngữ thứ hai. Bởi vậy để dạy trẻ DTTS nói tiếng Việt tốt, trước hết các cô giáo cũng phải biết tiếng dân tộc. Có như thể mới có thể dạy trẻ học tốt hai kĩ năng nghe, nói.
Tại Trường Mầm non Quang Phong, trẻ em DTTS chủ yếu là Tày, Nùng, Dao, buộc các cô phải biết ít nhất một trong ba thứ tiếng này. Và nếu cô giáo nào chưa biết tiếng dân tộc thì phải học để về dạy. Khi giáo viên biết tiếng Dao thì dạy lớp học sinh dân tộc Dao; Giáo viên biết tiếng Tày thì dạy lớp có nhiều học sinh dân tộc Tày...
Nhìn chung trẻ em DTTS tại Trường Mầm non Quang Phong, đều nói lưu loát tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các em mạnh dạn, tự tin và rất lễ phép đó là nhờ một phần lớn về công tác vận động trẻ ra lớp sớm từ 3 tuổi. Học đến lớp 5 tuổi các em đã nói rất tốt, biết cách ứng xử, chào hỏi lễ phép, biết dùng từ so sánh, biết nói những câu dài lưu loát...
Phải thừa nhận rằng, khi chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được triển khai, trẻ em DTTS đã tiến bộ hơn rất nhiều. Trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, không còn tâm lí e ngại, sợ sệt như trước. Tiếng Việt đã sử dụng thuần thục hơn, nắm được các chữ cái tiếng Việt và con số từ 1 đến 10 trước khi vào lớp 1.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước khi bước vào lớp 1, trẻ phải nói được tiếng Việt và được làm quen với chữ cái tiếng Việt từ cấp học Mầm non. Bởi vậy, việc cho trẻ em DTTS ra lớp mầm non càng sớm càng tốt. Khi đó cô giáo có thể giúp trẻ nói tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Trong quá trình học, cô giáo nói tiếng Việt và chỉ khi nào trẻ không hiểu một từ nào đó thì cô có thể dùng chính thứ tiếng mẹ đẻ của trẻ để giải thích lại cho trẻ hiểu.