Rối loạn phổ tự kỷ
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Anh, Khoa Giáo dục Mầm non Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Tp Hồ Chí Minh: Giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều thay đổi. Đó là những thay đổi về tâm - sinh lý của chính đứa trẻ, những thay đổi về môi trường và phương pháp dạy và học,… khiến trẻ gặp phải khó khăn trong học tập và sinh hoạt.
Một trong những khiếm khuyết cốt lõi của trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội. Đồng thời trẻ có những rập khuôn, cứng nhắc trong sở thích và hoạt động. Khiếm khuyết này khiến trẻ không có khả năng xây dựng các mối quan hệ với bạn đồng trang lứa, khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các tình huống xã hội khác nhau.
Trong đó, hạn chế trong việc sử dụng các hành vi phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ để thể hiện thái độ, tình cảm; khó khăn để tuân theo nội qui, qui tắc của lớp học, trường học,... Do vậy, trẻ gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia vào môi trường lớp học, trường học, thậm chí không được bạn bè, thầy cô và những người xung quanh chấp nhận. Bên cạnh đó, các trường tiểu học vẫn chưa sẵn sàng nhận trẻ RLPTK vào học hòa nhập vì nhiều lí do khác nhau.
Các cơ sở GDMN cần đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng cần thiết cho trẻ RLPTK trước khi vào lớp 1. |
ThS Nguyễn Thị Xuân Anh cho biết: Hiện nay, có rất nhiều cơ sở chuyên biệt/ trung tâm tư nhân mở ra lớp tiền học đường để chuẩn bị cho trẻ RLPTK vào lớp 1 nhưng mỗi nơi làm theo mỗi cách, chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ RLPTK đi học hòa nhập tiểu học còn ít hoặc nếu trẻ vào học hòa nhập tiểu học thì sẽ gặp phải các khó khăn, không biết cách thiết lập và duy trì mối quan hệ với thầy cô, bạn bè...
Trẻ RLPTK có quyền được đi học và cần phải được đáp ứng quyền này. Tuy nhiên trên thực tế, các em vẫn chưa có được cơ hội học tập bởi vì trẻ có những vướng mắc như đã nêu ra ở trên. Để trẻ có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường mới, cởi mở hơn với người khác thì việc giáo dục kỹ năng cần thiết cho trẻ RLPTK trước khi vào lớp 1, giúp trẻ đỡ bị bỡ ngỡ, có thể mạnh dạn hơn để vượt qua những khó khăn trong môi trường mới là việc cần làm.
Giáo viên cần làm gì?
ThS Nguyễn Thị Xuân Anh cho rằng: Việc chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ RLPTK vào hòa nhập lớp 1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như: Góp phần đảm bảo quyền được đi học, được hòa nhập vào môi trường tiểu học hòa nhập - môi trường đầu tiên để giúp trẻ dần hòa nhập vào xã hội. Giúp trẻ làm quen với các hoạt động gần giống như ở trường tiểu học.
Trẻ không bị bỡ ngỡ, hạn chế sự lo lắng căng thẳng khi lần đầu tiên bước vào lớp 1 ở trường phổ thông bởi vì trẻ RLPTK dễ bùng nổ nếu bị thay đổi môi trường đột ngột mà không được giới thiệu, làm quen trước. Giáo viên cần phải giúp trẻ thích ứng tốt hơn với cuộc sống ở lớp 1. Bởi vì đặc thù của trẻ RLPTK có rất nhiều khiếm khuyết trong nhận thức, tương tác xã hội, ngôn ngữ - giao tiếp và hành vi rất bất thường. Tất cả những khiếm khuyết này gây rất nhiều bất lợi cho trẻ khiến trẻ khó để thích ứng với cuộc sống mới ở trường phổ thông.
Giáo dục kỹ năng cần thiết để chuẩn bị trước khi trẻ vào lớp 1 sẽ giúp cho trẻ vào học tiểu học được thuận lợi hơn. |
Một quan tâm nữa là tương lai của trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn, trở thành một thành viên có ích cho xã hội. Sau khi kết thúc chương trình tiểu học, tùy theo khả năng, mỗi trẻ sẽ có cơ hội để tiếp tục học lên bậc học trung học cơ sở hoặc có thể học nghề để tự lập cho cuộc sống khi trưởng thành - giảm thiểu gánh nặng cho chính bản thân trẻ, gia đình trẻ và cho xã hội. - ThS Nguyễn Thị Xuân Anh nhấn mạnh.
Để góp phần thực hiện giáo dục hòa nhập thành công, hiện nay giáo dục hòa nhập đang là hướng đi chính của giáo dục trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các trường vẫn rất hạn chế nhận trẻ khuyết tật mà đặc biệt là trẻ RLPTK vào học tiểu học bởi vì trẻ có rất nhiều khiếm khuyết với các đặc điểm rất “khác thường”.
Trẻ RLPTK cũng là một dạng khuyết tật mới mà các GV cũng như các thành viên khác trong trường tiểu học chưa được làm quen cũng như được tập huấn để có những hiểu biết rõ hơn về phương pháp giáo dục cho trẻ. Do vậy, giáo dục kỹ năng cần thiết để chuẩn bị trước khi trẻ vào lớp 1 sẽ giúp cho trẻ vào học tiểu học được thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn.
Dựa trên cấu trúc khuyết tật và đặc điểm đặc thù của trẻ RLPTK, đồng thời căn cứ vào yêu cầu cần đạt đối với trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi và mục tiêu giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội của trẻ 5-6 tuổi. Cũng như căn cứ vào Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và những yêu cầu của cấp học tiểu học và thực tế giáo dục kỹ năng cần thiết cho trẻ RLPTK vào cuối giai đoạn mầm non.
ThS Nguyễn Thị Xuân Anh đã lựa chọn và đề xuất 4 nhóm kỹ năng cần thiết nhất để chuẩn bị cho trẻ RLPTK hòa nhập lớp 1. Đó là: Kỹ năng tự phục vụ; Kỹ năng sử dụng và giữ gìn đồ dùng; Kỹ năng chấp hành nội qui, qui định của trường lớp; Kỹ năng tương tác xã hội. Đây là những kỹ năng hết sức quan trọng để giúp trẻ RLPTK hòa nhập vào môi trường học tập mới hiệu quả, giúp trẻ vào lớp 1 không còn những bỡ ngỡ, mà thích ứng với hoạt động học tập trong nhà trường.
Trẻ em nói chung, trẻ RLPTK nói riêng đều rất cần được chuẩn bị để bước vào học lớp 1. Giáo dục kỹ năng cần thiết cho RLPTK chuẩn bị vào lớp 1 là một việc làm ý nghĩa đối với trẻ. Trẻ chấp hành các nội qui, qui định ở trường; biết sử dụng và giữ gìn đồ dùng học tập; biết tương tác với giáo viên, bạn bè... giúp trẻ có thể thích ứng tốt nhất, nhanh nhất đối với việc học ở lớp và hòa nhập vào môi trường trường học được dễ dàng hơn. - ThS Nguyễn Thị Xuân Anh