Vô tình làm con tổn thương
Nhiều cha mẹ không cố ý khiến con mất thể diện nhưng những hành động vô tình khiến trẻ cảm thấy tồi tệ về mặt cảm xúc, nhất là ở chốn đông người. Trong đó, việc chia sẻ những khuyết điểm hay sự riêng tư của trẻ sẽ làm chúng thêm tổn thương lòng tự trọng, khiến trẻ ngày càng trở nên tự ti.
Chị Mai Thu Hằng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện con trai bị bố đánh trước mặt cả nhà và phạt đứng úp mặt vào tường vì không làm bài tập. Đứng trong góc, con lặng lẽ khóc nấc lên. Trong khi đó, anh trai lại trêu đùa và cười to trước mặt, thậm chí còn lấy điện thoại ra quay lại một cách khoái chí. Thế là cả nhà coi đó là một trò đùa thú vị còn con lại càng khóc lớn.
“Sau ngày hôm đó, con bị tổn thương, khép mình và rất ít khi tâm sự, vui đùa với mọi người như trước đây. Tôi cảm thấy hối hận vì đã đứng ngoài cuộc để cùng cười trước giọt nước mắt của con. Có thể lúc đó, con đã không còn sự tin tưởng dành cho bất kỳ ai trong gia đình. Đây là điều tồi tệ nhất đối với trẻ nhỏ mà người lớn nên tránh”, chị Hằng cho biết.
Một nữ sinh lớp 7 chia sẻ rằng mẹ luôn mắng em bất kể dịp nào, ở đâu. Những lời lẽ coi thường kèm giọng điệu giễu cợt, cộng với những ánh mắt cố tình hay vô ý của những người qua đường, khiến em có cảm giác suy sụp và xấu hổ. Ngay cả trên đường đến trường, mẹ vẫn luôn phê bình, dạy dỗ, làm em mất đi sự tự tin với bạn bè xung quanh.
Một lần sum họp gia đình, ai cũng khen em, chỉ mẹ nói học không tốt, không ngoan và so sánh với các bạn ưu tú của lớp hay con của bác hàng xóm nào đó.
Cô bé lớp 7 không khỏi bức xúc nói: “Tuần trước con thi tiếng Anh đứng nhất lớp, mẹ không khen. Kết quả bị mẹ dội gáo nước lạnh: ‘Mày còn cố cãi, sao không nói mày luôn bị điểm thấp môn Toán’. Lời nói của mẹ đã khiến con rất buồn, phủ sạch những gì con đã cố gắng”.
Một câu chuyện khác của cô gái đang tuổi dậy thì khi con tâm sự với mẹ rằng mình để ý tới một bạn trai cùng lớp. Mẹ không ầm ầm phản đối, cũng rất kiên nhẫn nghe con nói, thế nhưng khi có cả gia đình, người thân, trong mỗi bữa ăn hay buổi gặp mặt, nếu có ai hỏi thăm về con gái, mẹ sẽ “phơi bày” hết cảm xúc mà con đã kể.
Rồi mẹ nói đi nói lại rằng “có người yêu rồi, bé tí đã yêu đương, giờ trẻ con khó dạy bảo”… Sau đó, nhiều người lớn còn tham gia bình luận qua lại về nội dung này khiến con cảm thấy tổn thương và xấu hổ vô cùng. Nhất là mỗi khi phải đi đến chỗ đông người, đi thăm họ hàng dịp lễ, Tết và rất lo lắng nếu có ai đó lại hỏi về mình.
Ảnh minh họa ITN. |
Đừng tước khả năng vươn lên
Nhiều người xem những câu chuyện của con mình kể với người thân, bạn bè, người quen là bình thường, thậm chí để cho vui. Nhiều bố mẹ có thói quen “phơi bày” những điều bí mật của con trên mạng xã hội.
TS Lê Thu Thủy - giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ có thói quen làm con xấu hổ để chúng “nhớ lâu” và “biết xấu hổ rồi mới có dũng khí”. Họ ít biết rằng, từ 5 tuổi, trẻ luôn quan tâm đến việc người khác nhìn nhận mình như thế nào và xây dựng hình ảnh cũng như phẩm giá của mình. Không giữ thể diện cho con sẽ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và khiến chúng không cảm nhận được giá trị của bản thân.
Các bậc phụ huynh nên nhớ, động lực cơ bản để một người tồn tại chính là “giá trị bản thân”. Nói một cách đơn giản, đó là sự tự tin, yêu bản thân và lòng tự trọng. Xấu hổ là thứ giết chết ý thức về giá trị nhanh nhất. Cha mẹ càng coi thường, khiển trách và hạ bệ trẻ nơi công cộng, sẽ càng tước đi khả năng vươn lên của con. Nếu ngay cả người thân nhất cũng phủ nhận, đứa trẻ sẽ không thể nhìn thấy ý nghĩa tồn tại của mình. Vì thế, xây dựng, bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, chính là bảo vệ động lực trưởng thành của con.
“Cho trẻ thể diện và bảo vệ lòng tự trọng của trẻ là giúp trẻ phát triển ý thức tự tôn, yêu bản thân, tự trọng và yêu cầu người khác tôn trọng. Những đứa trẻ có được cảm xúc này sẽ tràn đầy tự tin, tinh thần trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ dám làm trong cuộc sống. Vì vậy, nếu không thể khuyến khích, cũng xin đừng làm trẻ đau buồn chốn đông người”, TS Lê Thu Thủy lưu ý.
Cũng theo TS Thủy, cha mẹ nên nhớ những câu nói so sánh trẻ này với trẻ khác như “Mẹ thấy bạn A nói tiếng Anh tốt hơn con nhiều”, “bố thấy bức tranh của B đẹp quá! Còn con thì…” sẽ không làm trẻ tốt hơn, ngược lại gây tổn thương cho trẻ. Con mặc cảm, tự ti, thậm chí hình thành những cảm xúc tiêu cực, chán ghét người lớn, giận dữ với những trẻ khác… Cho nên, đừng ép con phải giống một ai đó. Bởi mỗi trẻ đều có quyền thể hiện sự khác biệt và cần được tôn trọng vì điều đó.
Đặc biệt, khi ở chốn đông người, người lớn càng không nên chế giễu, bêu xấu hay quát mắng con. Đôi khi, để giữ lại chút thể diện, trẻ sẽ phản kháng quyết liệt và thiếu sáng suốt trong hành động, thậm chí dẫn đến những quyết định và hành vi sai lầm mà cả đời không thể quay lại để sửa chữa. Ngược lại, nếu được thủ thỉ, bảo ban trong sự tôn trọng, trẻ sẽ sẵn sàng chấp nhận lời phê bình và nhìn sự việc theo định hướng đúng đắn hơn.
“Có hàng nghìn cách khiến trẻ đánh mất lòng tự trọng, nhưng để xây dựng lại lòng tự trọng của trẻ là một quá trình chậm chạp và khó khăn. Cha mẹ tốt cần biết cách bảo vệ thể diện của con cái trước, sau đó mới nói đến giáo dục” - Nhà tâm lý học người Mỹ James Dobson.