Dạy trẻ cách làm từ thiện không gây tổn thương cho người nhận

GD&TĐ - Dạy con biết cho đi là vô cùng đáng quý, tuy nhiên cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách làm từ thiện thế nào để không gây tổn thương cho người nhận.

Cha mẹ có thể giúp trẻ tiết kiệm tiền để làm từ thiện. Ảnh minh họa.
Cha mẹ có thể giúp trẻ tiết kiệm tiền để làm từ thiện. Ảnh minh họa.

Những gì cha mẹ dạy con trong năm đầu đời sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ trong tương lai. Do đó, cha mẹ cần dạy cho trẻ về giá trị của từ thiện thông qua các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.

Dạy con biết yêu thương mọi người, biết cho đi những gì mình có là vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách làm từ thiện như thế nào để không gây tổn thương cho người nhận.

Từ thiện nhờ tiết kiệm

Giúp con biết cách chia sẻ may mắn đến với những người kém may mắn khác có thể là bài học đầu đời quan trọng nhất mà cha mẹ cần dạy trẻ. Tất cả trẻ được sinh ra đã có sẵn tấm lòng bác ái, từ bi. Tuy nhiên, cuộc sống đầy đủ với những bữa cơm ngon, quần áo đẹp… dễ dàng làm trẻ bị che mất tầm nhìn, chỉ thấy cuộc sống màu hồng.

Song, nếu phụ huynh giúp con nhìn kỹ quanh mình, chẳng hạn như ở cổng chợ có một em bé 2 tuổi đang khóc vì đói bụng, thèm muốn một bữa ăn sáng; ở cổng trường mỗi ngày có một cụ già nghèo ngồi bán vé số…, trẻ sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Đồng thời, trẻ cũng sẽ có cách sử dụng của cải vật chất cũng như tiêu tiền hợp lý.

Tại Mỹ, nhiều phụ huynh quan niệm rằng, dạy con làm việc thiện là một trong những cách quan trọng giúp trẻ hình thành nhân cách tốt. Từ khi lên 3, trẻ đã được cha mẹ hướng dẫn tham gia các hoạt động thiện nguyện phù hợp. Hoạt động này khơi gợi tinh thần chia sẻ, cảm thông, biết quan tâm, giúp đỡ người khác ở trẻ. Đặc biệt, trẻ sẽ biết đồng cảm với những người có hoàn cảnh kém may mắn.

Các chuyên gia cho biết, dạy con biết yêu thương mọi người, cho đi những gì mình có là vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, cha mẹ cũng phải biết dạy con cách làm từ thiện như thế nào để không khiến người nhận tổn thương. Làm thiện nguyện là cách giáo dục con đáp trả lại cuộc đời. Đôi khi, trẻ có tấm lòng bao la rộng lớn, nhưng việc làm từ thiện không đúng cách lại khiến kết quả trở nên tồi tệ.

Một trong những cách khiến con yêu thích làm từ thiện là dạy trẻ tiết kiệm. Phần lớn các cặp vợ chồng tỷ phú nổi tiếng thế giới đều dạy con bằng cách làm gương cho trẻ bằng lối sống giản dị và hào phóng trong các hoạt động từ thiện.

Vợ cũ của tỷ phú Bill Gates - bà Melina - cho biết, đã dạy các con tiết kiệm 1/3 số tiền phụ cấp để lập một quỹ từ thiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Để khuyến khích các con, ông bà đã đóng góp gấp đôi số tiền mà trẻ đã cho vào quỹ này.

Bà Melina cùng thường xuyên dẫn các con cùng tham gia vào những chuyến làm từ thiện. Qua đó, giúp trẻ thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng, cũng như những người kém may mắn.

Trong khi đó, Elton John - ngôi sao nhạc Pop nổi tiếng thế giới - cho biết luôn mong muốn các con hiểu được giá trị của đồng tiền và giá trị của sự cho đi bằng cách áp dụng quy tắc “ba lọ tiền xu”. Trẻ sẽ nhận được 3 đồng xu. Trong đó, 1 đồng xu để làm từ thiện, 1 đồng xu để tiết kiệm và 1 đồng để chi tiêu. Ba đồng xu được cất vào ba lọ khác nhau. Để có số tiền này, các con ông phải làm việc vất vả.

Trẻ cần trải nghiệm niềm vui thực sự đằng sau cử chỉ cao thượng như vậy. Ảnh minh họa.

Trẻ cần trải nghiệm niềm vui thực sự đằng sau cử chỉ cao thượng như vậy. Ảnh minh họa.

Dựa trên sự đồng cảm

Theo các chuyên gia tâm lý, việc đọc cho trẻ nghe những câu chuyện nhân ái có thể khiến bé biết đồng cảm với người khác. Sau khi đọc xong một tình huống, cha mẹ hãy dừng lại và hỏi bé rằng, nếu đặt mình trong hoàn cảnh đó thì con sẽ ứng xử thế nào. Sau đó, hãy cùng phân tích, giải thích để trẻ hiểu được đâu là việc nên và không nên làm. Đồng thời, phụ huynh cũng có thể sưu tầm thêm nhiều mẩu chuyện nhỏ về lòng nhân ái để “thử thách” trẻ. Thông qua đó, trẻ sẽ tự ý thức được cách ứng xử phù hợp trong rất nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống.

Ngoài ra, phụ huynh hãy để trẻ có cơ hội giúp đỡ người thân. Những công việc như xách đồ hộ ông bà, giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà hằng ngày sẽ hình thành cho trẻ tinh thần sẻ chia, biết quan tâm đến mọi người. Các nhà giáo dục cho rằng, gia đình là môi trường đầu tiên và đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện nhân cách của trẻ.

Phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ cùng đọc sách, chăm sóc cây cảnh với ông bà. Trẻ cũng cần biết cách nhường ghế cho người cao tuổi trên xe buýt, hoặc dắt tay họ qua đường. Cha mẹ nên nhấn mạnh để trẻ hiểu rằng, vì người già có sức khỏe yếu nên cần được giúp đỡ, dù đó không phải ông bà hoặc họ hàng của con. Trẻ cũng cần biết cách nhường nhịn và yêu thương em nhỏ. Ví dụ, trẻ có thể nhường cho em dùng đồ chơi mới trước, hoặc cho em ăn phần bánh to hơn...

Cha mẹ đồng thời có thể giúp trẻ biết cách tiết kiệm tiền vào lợn đất. Mỗi khi có hoạt động từ thiện, phụ huynh và con có thể ủng hộ món tiền đó. Cho trẻ tham gia vào hoạt động này trực tiếp sẽ giúp con hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc từ thiện.

Song, cha mẹ nên quan tâm đến thái độ của con khi thực hiện các hoạt động giúp đỡ người khác. Phụ huynh không nên ép buộc, mà cần khuyến khích trẻ vui vẻ và tự nguyện.

Trước hết, phụ huynh cần trở thành một hình mẫu cho con mình. Ảnh minh họa

Trước hết, phụ huynh cần trở thành một hình mẫu cho con mình. Ảnh minh họa

Niềm vui của việc cho đi

Theo sư cô Bích Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Westminster, California, Mỹ), khi nuôi dạy trẻ, điều vô cùng quan trọng là cha mẹ phải thấm nhuần những giá trị tốt, trí tuệ và nhận thức ở con. Từ đó, giúp trẻ phát triển những đặc điểm tính cách mạnh mẽ và nhân ái. Trung thực, liêm chính, khoan dung, yêu thương, từ bi và tôn trọng là những giá trị cần được thấm nhuần ngay từ những năm đầu đời. Nhờ đó, cho phép trẻ lớn lên với những giá trị này ăn sâu vào tâm lý của con.

“Từ thiện là một trong những giá trị và thói quen thiết yếu như vậy, tất cả các cha mẹ phải thấm nhuần vào con. Từ thiện thường bắt đầu từ ở nhà. Đối với cha mẹ, việc dạy trẻ cách trả lại cho những người có nhu cầu và cho toàn xã hội là vô cùng quan trọng. Những gì chúng ta dạy trẻ em trong những năm phát triển sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng trong tương lai. Do đó, việc dạy trẻ về giá trị từ thiện nên trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày”, sư cô Bích Liên chia sẻ.

Khi nuôi con, phụ huynh không nên áp đặt bất cứ điều gì lên trẻ. Trẻ em có đầu óc rất thông minh và dễ dàng chấp nhận điều gì đó mà chúng bị thuyết phục. Do đó, lời khuyên là các cha mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích cho trẻ ý nghĩa thực sự của việc từ thiện. Đó đơn giản là: “Cho đi niềm vui của việc cho đi”.

Do đó, trước hết, phụ huynh cần trở thành một hình mẫu cho con mình. Cha mẹ có thể quyên góp quần áo và đồ gia dụng mà mình không còn sử dụng, nhưng trong tình trạng tốt cho các tổ chức từ thiện và những người kém may mắn hơn. Khi có thể, hãy đóng góp cho một số công việc phúc lợi xã hội. Trẻ sẽ làm theo nếu chúng quan sát thấy cha mẹ làm từ thiện cho người khác.

Vì vậy, không chỉ trên lý thuyết, phụ huynh cũng cần thực hành. Khi hiểu rằng, từ thiện giúp giảm bớt gánh nặng của người khác, trẻ sẽ trải nghiệm niềm vui thực sự đằng sau một cử chỉ cao thượng như vậy.

Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội, cố gắng và hiểu nhu cầu của người khác. Khi hiểu được ý nghĩa thực sự của từ thiện, trẻ sẽ phát triển cảm giác từ bi, rộng lượng và vị tha.

Theo sư cô Bích Liên, có nhiều cách khác nhau để làm từ thiện. Làm từ thiện không chỉ gói trong việc quyên góp vật phẩm. Từ thiện còn có thể là thân thiện với một đứa trẻ mới vào trường, mở cửa cho người cao tuổi, giúp mẹ dọn bàn, đưa tay giúp đỡ người khác tại cửa hàng khu phố, hỗ trợ cha làm vệ sinh sân vườn... Từ thiện cũng có nghĩa là dịu dàng và tử tế với động vật. Là cha mẹ, phụ huynh cần dạy con những điều nhỏ này.

Phụ huynh cũng được khuyến khích có cuộc trò chuyện với trẻ về những người làm từ thiện. Nếu trẻ thích xem phim, cha mẹ hãy nói cho bé biết một số ngôi sao đã tận tình giúp đỡ người khác và làm từ thiện như thế nào. Khi nói chuyện với trẻ về các vấn đề trí tuệ cuộc sống, cha mẹ có thể nhờ đến sự trợ giúp của sách minh họa, mục tin tức và video. Qua đó, gửi gắm thông điệp truyền cảm hứng và hình ảnh đẹp tới trẻ.

“Nuôi dạy con tốt có nghĩa là nuôi dạy trẻ dựa trên giá trị, có tính đến sự phát triển nhân cách tổng thể và giúp bé lớn lên thành một người tốt, chân thành và biết yêu thương. Khi dạy những giá trị này cho con, với tư cách là phụ huynh, bạn cũng sẽ thấy rằng, mình đang xây dựng một mối quan hệ cha mẹ và con mạnh mẽ”, sư cô Bích Liên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ