Những câu nói dễ khiến trẻ tổn thương

GD&TĐ - Ths Nguyễn Hồng Liên (Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, trong thực tế, có những câu nói tưởng chừng bình thường hoặc chỉ mang tính chất bông đùa, trêu ghẹo nhưng lại khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương...

Không nên để trẻ bị tổn thương tâm hồn vì chính câu nói của cha mẹ. Ảnh minh họa.
Không nên để trẻ bị tổn thương tâm hồn vì chính câu nói của cha mẹ. Ảnh minh họa.

Đổ tại và bất lực

Những câu nói như “Cha mẹ xấu hổ vì con”, “Thật thất vọng về con”… khiến trẻ tổn thương nghiêm trọng. Nhiều khi, con trẻ mắc phải một sai lầm gì đó, thậm chí là những điều nhỏ nhặt nhưng cha mẹ lại vô tình thốt ra những câu kiểu như vậy. Điều này khiến trẻ cảm thấy buồn bã, tự ái rất nhiều; Đồng thời, trẻ cũng có thể cho rằng cha mẹ đã chán ghét, muốn bỏ rơi mình và dần cảm thấy tủi thân, xấu hổ. Từ đó, trẻ hình thành suy nghĩ tiêu cực, bi quan.

Sự buồn bã, chán nản và tuyệt vọng kéo dài còn có nguy cơ làm gia tăng khả năng phát triển bệnh trầm cảm. Nó khiến trẻ nhỏ chậm trưởng thành so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều trường hợp, trẻ bị ám ảnh, tuyệt vọng vào chính bản thân mình.

Tương tự, câu nói: “Mẹ chán con lắm rồi đó” cũng làm trẻ vô cùng đau khổ. Cha mẹ chính là những người gần gũi, thân thiết và là chỗ dựa vững chắc cho con cái. Thế nhưng sự chán chường của người lớn khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn trong cuộc sống. Vì thế, con cái sẽ tự trách mắng, chán ghét chính mình.

Khi con phạm sai lầm, cha mẹ cần phải biết cách chọn lọc những gì cần và không cần thiết nói với trẻ. Hãy luôn nói với con về những việc con đã làm hàng ngày; Đồng thời, tuyên dương những việc làm tốt và nhắc nhở, chỉnh sửa những điều sai lầm.

Nếu mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của trẻ nhỏ luôn bị cha mẹ kiểm soát, áp đặt và cấm đoán một cách quá mức sẽ khiến con trở nên nhút nhát, rụt rè. Từ đó hình thành tâm lý sợ sệt, hoang mang. Cha mẹ hãy để con được làm những điều mình muốn và dạy con cách tự chịu trách nhiệm với hành động, lời nói của chính mình.

Cho trẻ cơ hội được học hỏi

Đúng là ngu ngốc, vô dụng, chẳng làm được gì ra hồn. Đây thực sự là một câu nói khiến tâm lý của trẻ nhỏ bị tổn thương nặng nề. Thế nhưng, tâm lý bực bội sẽ khiến rất nhiều phụ huynh nói ra. Thậm chí, trẻ có thể trở nên buồn bã, trầm cảm trong một thời gian kéo dài.

Việc cha mẹ bảo con là đứa vô dụng, ngu ngốc sẽ khiến con có cảm giác như mình thực sự như thế, bản thân mình không làm tốt được việc gì và mình chính là gánh nặng, cản trở đối với gia đình.

Việc cha mẹ nói với con rằng “con chẳng làm được việc gì ra hồn” sẽ khiến con cảm thấy vô cùng mặc cảm, tổn thương và buồn bã. Lâu dần con cũng sẽ có tâm lý sợ sai, không dám thử sức với bất kì điều gì, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất. Đồng thời, con cũng cho rằng mình thực sự bất tài mà không muốn nỗ lực hay cố gắng nữa.

Trong thực tế, không có bất kì đứa trẻ nào là vô dụng. Mỗi đứa trẻ sẽ có những sở trường khác nhau. Chính vì thế, nếu cha mẹ cảm thấy không hài lòng điều gì đó ở con thì cũng nên nhẹ nhàng góp ý, hướng dẫn và chỉ dạy con nhiều hơn. Hãy dành cho con những lời động viên để con có thể dần uốn nắn và hoàn thiện hơn.

Bên cạnh đó, những câu so sánh con cái với bạn bè hoặc anh chị em cũng khiến trẻ bị tổn thương tâm lý. “Sao bạn đấy học giỏi thế mà con thì...”, “Con không bằng một phần của anh”. Thực sự, nếu là người trưởng thành khi phải nghe những câu so sánh này cũng thấy không thể bình thường được.

Đôi khi, cha mẹ cũng kỳ vọng, mong muốn con mình phải luôn dành vị trí đầu tiên, luôn đứng đầu trong các hạng mục nên thường đem con ra so sánh. Điều này sẽ con vô tình hình thành tâm lý lo sợ. Từ đó, trẻ không còn nhiều sự tự tin vào năng lực của chính mình.

Hơn thế, không ít các trường hợp cho dù trẻ đã cố gắng rất nhiều nhưng không nhận được sự công nhận của cha mẹ nên lâu dần tự cho mình là thấp kém, buông xuôi và không còn nỗ lực. Hoặc thậm chí có nhiều trẻ còn tìm cách phá hoại, hạ thấp người khác, khiến họ trở thành người hư hỏng, yếu kém thực sự để cha mẹ công nhận mình dù chỉ một lần.

Dọa nạt không có tác dụng

Thông thường, cha mẹ sẽ không nói với con trẻ “Mẹ sắp có em rồi, con sẽ bị ra rìa”. Nhưng những người lớn khác, người thân bên cạnh trẻ rất hay trêu đùa khi mẹ sắp có em bé. Thực tế, nhiều trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, đã bỏ nhà đi, có trẻ còn ghét em mà đánh đập, đòi vứt em đi... Câu nói đó sẽ khơi dậy sự ganh ghét, đố kỵ trong tâm hồn của trẻ. Chỉ vì câu nói đùa cợt này mà nhiều trẻ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ sẽ bị cha mẹ bỏ rơi, không cần đến mình nữa. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều, trẻ không chỉ cảm thấy chán ghét đứa em của mình mà còn cảm thấy thù hằn cha mẹ.

Tương tự, những câu như “Biết con hư thế này mẹ đã không sinh con ra” gây tổn thương tâm lý nặng nề đối với trẻ nhỏ mà cha mẹ cần phải tránh. Cha mẹ chính là người thân và là người mà trẻ yêu quý nhất. Nếu ngay cả họ cũng phủ nhận và ghét bỏ thì trẻ sẽ cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, đau khổ. Trẻ sẽ tin rằng, cha mẹ thực sự không muốn sinh mình ra và mình chính là nỗi phiền toái của cha mẹ.

Trẻ con đang trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân nên không thể tránh khỏi những lúc sai lầm. Cha mẹ nên cho phép con được phạm sai và cố gắng đồng hành, chỉ dạy con phát triển tốt hơn. Sau những lần thất bại, con luôn cần được dạy bảo, giáo dục và định hướng chứ không phải là đối diện với những lời chỉ trích, trách phạt.

Tương tự, “Nếu con không ngoan, cha mẹ sẽ không yêu con nữa” cũng là câu có tính “sát thương” cao đối với trẻ. Bởi con rất lo sợ đến việc cha mẹ không còn yêu thương và quan tâm đến mình nữa. Tuy rằng, mục đích của câu nói này cũng chỉ mong muốn con trở nên tốt hơn nhưng nếu cha mẹ sử dụng quá nhiều sẽ tạo sự ám ảnh đối với con. Nhiều trẻ sẽ cố gắng để mình trở nên hoàn hảo vì lo sợ bố mẹ bỏ rơi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.