Tuy nhiên, hầu hết trẻ mắc Covid-19 đều nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Do đó, việc sử dụng các loại thuốc như người lớn là không cần thiết.
Tùy thuộc mức độ bệnh
Trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng, số trẻ nhiễm bệnh cũng có xu hướng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ, với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ. Do đó, tỷ lệ nhập viện và tử vong ít hơn so với người lớn.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM - chia sẻ, khi biến chủng mới xuất hiện, việc duy trì thói quen sống khỏe trong giai đoạn “bình thường mới” là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt là với những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và trẻ em.
Không ít phụ huynh đặt câu hỏi về việc có nên cho trẻ uống kháng sinh, kháng virus, kháng viêm, kháng đông như người lớn không khi con mắc Covid-19. Theo bác sĩ Tưởng, việc sử dụng thuốc tùy thuộc vào mức độ của bệnh, cũng như các yếu tố biến chứng, bệnh nền liên quan.
“Hầu hết các bé đều ở thể nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Do đó, việc sử dụng các loại thuốc như người lớn là không cần thiết và có thể gây ra các hậu quả không mong muốn. Do đó, các mẹ đừng tự ý truyền tay nhau các toa thuốc mà cần có sự tư vấn chuyên sâu từ bác sĩ”, chuyên gia này khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Tưởng, đa phần trẻ bị nhiễm Covid-19 nhẹ. Do đó, trẻ thường không gặp hậu quả về sau. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ có thể gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
“Bệnh thường biểu hiện sau khi bé khỏi Covid-19 trong khoảng 4 - 6 tuần. Nếu bé có những biểu hiện như sốt trên 3 ngày, nổi ban ở da, kết mạc mắt đỏ..., các mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng khuyến cáo.
Nguy cơ gặp tác dụng phụ do thuốc
Đồng quan điểm này, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) cũng cho rằng, đa phần trẻ em mắc Covid-19 không phát bệnh nặng như người lớn.
Theo chuyên gia này, đối với trẻ em và cả người lớn, điều quan trọng nhất để đối phó với Covid-19 là ngăn ngừa bệnh bằng các biện pháp 5K, đặc biệt là vắc-xin. TS Hùng dẫn chứng, tại Mỹ, vắc-xin Pfizer được chấp thuận khẩn cấp cho trẻ em 5 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi và từ 16 tuổi trở lên. Vắc-xin này gồm 2 liều và tiêm cách nhau 33 tuần, với hiệu quả ngừa bệnh từ 90 – 100%.
Trường hợp trẻ chưa tiêm vắc-xin, hoặc đã chủng ngừa và mắc Covid-19 nhẹ được điều trị tại nhà, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ. TS Hùng gợi ý, phụ huynh có thể cho trẻ nghỉ ngơi và uống đủ nước. Rửa tay thường xuyên với xà bông và nước ấm. Nên có phòng cách ly cho trẻ, tránh lây nhiễm sang người nhà. Tránh chia sẻ dụng cụ đựng thức ăn nước uống và đồ dùng chung. Rửa sạch các bề mặt.
Trong trường hợp trẻ bị sốt, có thể dùng thuốc hạ sốt phổ biến như paracetamol, ibuprofen; dextromethorphan, hoặc dùng mật ong để giúp giảm ho. Tuy nhiên, TS Hùng lưu ý, phụ huynh nên thận trọng, không tự ý cho trẻ dùng Aspirin, thuốc steroid (dexamethasone, methylprednisolone) và thuốc chống đông đường uống, thuốc kháng virus.
Theo chuyên gia này, Aspirin là thuốc giảm viêm, hạ sốt, giảm đau, thường dùng liều thấp ở người cao tuổi đề phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Aspirin chống chỉ định ở trẻ em dưới 16 tuổi vì có thể gây hội chứng Reye (có thể gây sưng phù ở não, gan).
Trong khi đó, các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm: Tăng huyết áp, loét dạ dày, khó cầm máu, suy thận cấp, nhiễm toan chuyển hóa, phù não, xuất huyết não, co giật, ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp, co thắt phế quản.
Với thuốc steroid, đây là nhóm có nhiều tác dụng phụ và khó sử dụng lâu dài. TS Hùng giải thích, nếu mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ nhưng vội sử dụng steroid, hệ miễn dịch đang làm việc sẽ bị ức chế. Khi đó, virus có cơ hội khiến bệnh nặng hơn.
Trong khi đó, thuốc chống đông đường uống, thuốc kháng virus cần sự kê đơn của bác sĩ. Các chỉ số của trẻ cần được theo dõi và tính toán chính xác liều lượng. Việc tính liều dùng ở trẻ em cần sử dụng đúng công thức, dựa trên cân nặng cơ thể hoặc diện tích da.
“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Rất nhiều tai nạn quá liều thuốc dẫn đến độc tính do phụ huynh tính liều sử dụng ở trẻ em không đúng. Một số tác dụng phụ đáng chú ý của thuốc chống đông là nguy cơ chảy máu, ho ra máu, tiêu phân đen, tê liệt, ngất xỉu”, TS.DS Phạm Đức Hùng cảnh báo.