Tin thầy lang hơn thầy thuốc
Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho 2 bệnh nhi bị ngộ độc chì do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Cả hai bé đều nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn, suy hô hấp, co giật và có tổn thương não. Theo người nhà bệnh nhi 6 tháng tuổi (Thái Bình), do mắc bệnh viêm da cơ địa từ bé, dù đã điều trị ở phòng khám bác sĩ tư nhân nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại. Sau đó, nghe lời khuyên của nhiều người, gia đình chuyển sang dùng thuốc cam cho bé. Sau 24 ngày, da bé xanh xao, hay nôn trớ rồi co giật. Lúc này, gia đình vội đưa con lên thẳng Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Một bệnh nhân khác có biểu hiện tương tự mới 7 tháng tuổi ở Hoài Đức (Hà Nội). Trước đó, gia đình có dùng thuốc cam để điều trị nang tuyến lệ cho bé. Sau đó bé bị loét miệng, gia đình tiếp tục mua thuốc cam dạng bột của bà lang ở chợ về cho con uống nhưng sau đó trẻ xuất hiện nôn nhiều, đi phân đen. Qua xét nghiệm, bác sĩ xác định bé bị tổn thương đường tiêu hóa, phổi và gan do nhiễm độc chì trong thời gian dài.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 3 tuần đầu tháng 6, bệnh viện đã tiếp nhận 8 trường hợp cấp cứu do bị rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa. Điều tra tiền sử các bệnh nhân trên đều có đặc điểm chung là gia đình mua thuốc cam cho bé uống để tăng cân, chữa bệnh do sợ thuốc tây khó uống, hay có tác dụng phụ. Kết quả, các bé đều rơi vào tình trạng chung là cân nặng không tăng, bệnh cũ không thuyên giảm mà còn mắc thêm bệnh mới với di chứng nhiều khi theo các em suốt cuộc đời.
Hậu quả đổ lên đầu trẻ
Kết quả xét nghiệm mẫu máu của các bệnh nhi tại 2 bệnh viện cho thấy nồng độ chì trong máu rất cao. Có bé nồng độ chì lên tới 105 microgam/100 ml.
Nhiễm độc chì nguy hiểm với cả người lớn và trẻ nhỏ. Lượng chì trong máu cao có thể gây bệnh lý về thần kinh, huyết học, thận, gan, dạ dày, ruột. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), sau khi vào cơ thể, kim loại này “thích” trú ẩn ở nội tạng, đặc biệt là xương. Để đào thải ra ngoài cơ thể phải mất nhiều thời gian, thậm chí hàng chục năm. Đây là lý do tại sao trẻ nhiễm độc chì thường còi cọc, chậm lớn, da xanh xao, trí óc chậm phát triển…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Tuy nhiên, với nguyên nhân trên, số trẻ ngộ độc nặng không nhiều. Điển hình như việc hàng trăm trẻ ở làng tái chế Đông Mai (Văn Lâm, Hưng Yên) phơi nhiễm chì ở mức độ khác nhau nên mắt thường khó nhận thấy. Với trường hợp ngộ độc nặng (co giật, tím tái, nôn…) thường do dùng thuốc nam mà dân gian gọi là thuốc cam để bôi, uống. Sở dĩ trẻ thường bị ngộ độc nặng hơn người trưởng thành do trẻ hấp thu kim loại này chủ yếu (40 - 50%) qua đường tiêu hóa.
Với những bệnh nhi được xác định ngộ độc chì nặng, bên cạnh các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dùng kháng sinh liều cao, các bác sĩ phải hội chẩn với bên chống độc để lên phác đồ thải độc chì cho các em. Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), sau hơn 2 tuần điều trị, hai bệnh nhi đã rút được máy thời, bệnh đi kèm giảm và kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chì trong máu giảm tương đối. Theo các bác sĩ, tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng song những di chứng mà ngộ độc chì để lại với sức khỏe, trí tuệ, hiện tại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.