Tùy tiện sử dụng thuốc nam: Đừng chết vì thiếu hiểu biết

GD&TĐ - Thuốc nam lành là quan điểm của phần lớn người dân nên từ bệnh nhẹ như cảm mạo thông thường đến bệnh nặng như dạ dày, chó cắn, gout, thậm chí ung thư đều được người dân sử dụng thuốc nam để chữa. Tuy nhiên, những trường hợp bị ngộ độc, dị ứng, hoại tử thuốc phải nhập viện gần đây là tiếng chuông cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc vô tội vạ đang phổ biến hiện nay.

Tùy tiện sử dụng thuốc nam: Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Suýt chết vì bài thuốc dân gian

Mới 4 tháng tuổi mà cậu bé N.T.Đ ở Phúc Thọ (Hà Nội) đã phải chịu đau đớn do các vết lở loét trên cơ thể. Đau đớn khiến bé quấy khóc ngày đêm, ăn uống kém nên gầy đi trông thấy. Theo người nhà bệnh nhi, do em bị thủy đậu nên mẹ đã mua lá thuốc về sắc, tắm cho bé. Sau 2 ngày, mụn trên người không khỏi mà còn phồng rộp, lở loét có mùi khó chịu. Lúc này, gia đình mới vội đưa em đến Bệnh viện Nhi. Tại đây, bác sĩ kết luận bé bị nhiễm độc da do tắm lá thuốc nam. Tình trạng nguy hiểm tới mức bé phải điều trị trong phòng cách ly, vô trùng.

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải (khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi), thói quen dùng các loại thuốc nam để chữa bệnh ngoài da cho trẻ phổ biến ở các gia đình vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì thế, việc trẻ bị thủy đậu và được tắm lá để chữa không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, không phải trẻ nào được tắm lá cũng khỏi bởi còn phụ thuộc vào bệnh, cơ địa và bài thuốc lá trên có vệ sinh không. Với trẻ bị bệnh thủy đậu, tuy là bệnh thông thường do virus gây ra nên phần lớn bệnh nhẹ, trẻ theo dõi tại nhà nhưng khi gia đình xử lý không đúng cách cũng có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng là nạn nhân của bài thuốc nam. Mới đây, Viện Tim mạch quốc gia mới cứu sống bệnh nhân 58 tuổi ở Lương Sơn (Hòa Bình). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, tim gần như ngừng đập sau một thời gian tự mua thuốc nam về uống chữa bệnh xương khớp. Tương tự, bệnh nhân nữ 30 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) sau 3 tháng uống thuốc nam thay vì khỏi bệnh thì cơ thể lại teo tóp dần, tứ chi không nhúc nhích được. Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng. Xét nghiệm viên thuốc bệnh nhân mang theo, hàm lượng chì lên tới 3%.

Thuốc nam: Không lành như mọi người nghĩ

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc), đã là thuốc thì không có loại nào lành tính hay an toàn tuyệt đối. Bởi bản thân cây thuốc bên cạnh tác dụng chữa bệnh chắc chắn có chống chỉ định thuốc đối với một số người. Liều dùng cũng phải tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, mức độ bệnh và cơ địa. Với bài thuốc, do kết hợp nhiều vị với nhau thì chỉ định dùng lại khắt khe hơn. Do vậy, khi muốn dùng thuốc đông y điều trị bệnh cần đến phòng mạch của bác sĩ được cấp phép chứ không nên chữa bệnh theo kiểu truyền miệng.

Điều đáng lưu ý nữa là thuốc đông y ngày nay cũng chứa nhiều tạp chất, kém chất lượng, được trộn thêm tân dược để nhanh khỏi bệnh. Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương tại hội thảo mới đây, việc kiểm soát nguồn gốc dược liệu, chất lượng dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc từ dược liệu và sử dụng các cơ sở y dược học cổ truyền chưa thực sự tốt do nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực kiểm nghiệm dược liệu cũng như thiết lập chuẩn còn rất hạn chế.

Tỷ lệ dược liệu không đạt chất lượng qua lấy mẫu khá cao, chiếm 13,39%. Chưa kể tình trạng người dân phun hóa chất trong quá trình trồng trọt, lưu trữ dược liệu. Đây là lý do khiến bất cứ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng và ngộ độc. Khi sử dụng thuốc người bệnh thấy có tình trạng bất thường như mệt mỏi, khó thở, nóng rát da, nổi mề đay, viêm loét miệng, đau bụng, choáng… thì cần ngưng ngay việc sử dụng và nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Dị ứng và ngộ độc thuốc đông y có nhiều thể lâm sàng, như đỏ da toàn thân, hồng ban, viêm da dị ứng nhiễm độc... với những biểu hiện tổn thương da, ngứa, sốt, mề đay, thậm chí loét trợt các hốc tự nhiên, tổn thương các cơ quan nội tạng. Đáng chú ý, có những bệnh nhân dị ứng rất nặng gây hoại tử, tổn thương da nghiêm trọng, xuất hiện các mảng ban đỏ toàn thân, các bọng nước to làm bong, hoại tử da từng mảng lớn như bị bỏng. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ