Ngày nay, số trẻ này không phải là hiếm gặp. Nhút nhát, thụ động đôi khi không phải do bản thân trẻ mà là do cách ứng xử của cha mẹ từ ngày con còn nhỏ.
Hãy tham khảo những gợi ý sau đây để giúp con vượt qua tính thụ động, trở nên hoạt bát năng động.
Dạy trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân
Cha mẹ cần tập cho con tự thực hiện những việc cá nhân để tự chăm sóc bản thân mình. Nhiều cha mẹ do nuông chiều nên mọi việc làm hết cho con, thậm chí lên 6 tuổi con chưa biết cách xúc cơm.
Kết quả là những đứa trẻ được chăm chút từng ly từng tí đó sẽ không biết cách phục vụ chính mình, chưa nói đến việc chăm sóc hay giúp đỡ người khác. Thói quen dựa dẫm, ỷ lại đã ăn sâu vào nhận thức khiến trẻ. Như thế trẻ trở thành thụ động và sau này ra môi trường công cộng chúng sẽ khó khăn để thích nghi.
Tùy độ tuổi cha mẹ hãy dạy con kỹ năng tự chăm sóc phù hợp từ đơn giản như tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo đến chuẩn bị đồ ăn mang đi, chuẩn bị ba lô tới trường … Cách dạy con này giúp con tự chủ và yêu thương bản thân mình hơn.
Tạo môi trường cho con giao tiếp nhiều hơn
Vì lo lắng ngoài xã hội có quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách hoặc không an toàn cho con mà nhiều gia đình hạn chế trẻ cho trẻ giao lưu, để con trong vòng an toàn.
Mọi mối quan hệ của con được hình thành dưới sự sắp đặt của cha mẹ làm bé con không có sự chủ động và trở nên rụt rè. Tính cách rụt rè có thể khiến trở nên khó khăn giao tiếp với người khác.
Để tránh tình trạng trên, hãy tạo môi trường cho bé tiếp xúc. Cho con tham gia các câu lạc bộ hoặc nếu không có thời gian thì khuyến khích con sang nhà hàng xóm hoặc mời bạn bè hàng xóm cùng trang lứa sang chơi.
Động viên con, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý thoải mái cho con khi tiếp xúc với bạn mới. Giải thích cho con hiểu về tầm quan trọng của tiếp xúc bạn bè, chủ động cho con những gì để bắt đầu và duy trì một cuộc hội thoại với bạn bè.
Chia sẻ cởi mở về cảm xúc
Trước hết bắt đầu từ bố mẹ, hãy khuyến khích con chia sẻ nhiều, đặt câu hỏi tương tác ngược lại với bố mẹ. Tập cho con cách nhận diện, gọi tên cảm xúc bản thân và bày tỏ bằng lời nói.
Một đứa trẻ ít chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình, thường sẽ rụt rè, nhút nhát khi đối diện với các tình huống trong cuộc sống. Thường chúng sẽ gặp rắc rối trong giao tiếp hoặc bị bắt nạt. Bởi vậy, cha mẹ cần kiên trì, giúp đỡ để con vượt qua mặc cảm nhút nhát và tự ti.
Học các kỹ năng sống qua thực tế
Thiết bị điện tử giống như những bảo mẫu thời công nghệ của nhiều gia đình. Con không chịu ăn, không chịu uống nếu không có ipad. Nhiều cha mẹ phó mặc cho chương trình dạy kỹ năng sống qua thiết bị điện tử. Kết quả là làm cho trẻ càng thụ động, ngại tiếp xúc, không ưu vận động, không hứng thú với những kỹ năng đời thực.
Hãy dạy con những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi của mình. Ví dụ nếu con 2 tuổi thì dạy con cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, nếu con 3 tuổi thì dạy con cách tự xúc cơm, nếu con 6 tuổi thì dạy con cách thay quần áo, 10 tuổi dạy con cách nấu cơm…
Điều này giúp con hiểu về những gì mình cần làm trong cuộc sống dù ở nhà hay ở trường. Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ tự tin hơn, biết cách tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn khi trưởng thành.