Tuy nhiên, đôi khi sự nuông chiều, chăm sóc con quá mức, bao bọc quá kỹ, không tập cho con đi bằng chính đôi chân của mình nên các em thành những “cậu ấm cô chiêu” thiếu kỹ năng sống, ỷ lại hoàn toàn vào gia đình, không có khả năng tự lập.
Những “cậu ấm cô chiêu”
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, hiện nay hiện tượng trẻ kiêu ngạo, coi thường người khác vì nghĩ gia đình mình giàu sang, nhiều tiền, rất phổ biến.
Tôi đã từng chứng kiến, có cậu bé mới học lớp 1 nhưng đã tỏ ra rất tự hào về “vị thế” của gia đình. Cậu bé thường khoe: “Bố cháu có 2 ô tô, nhà cháu ở biệt thự to lắm, nhà cháu có 2 người giúp việc, cháu thích gì là bố mẹ cháu mua ngay”.
Trẻ rất thông minh, nhạy cảm. Khi nhận biết được sự giàu có của gia đình, bản thân trẻ luôn được đáp ứng mọi nhu cầu, sự đòi hỏi của chúng sẽ ngày càng lớn hơn. Đây thường không phải là lỗi của trẻ mà do các em bị nhiễm từ người lớn và môi trường sống quanh mình.
Có những bậc phụ huynh khi đến trung tâm chia sẻ rằng: “Con học lớp 11, một lần đến trường con có việc, tôi vô tình mới biết con mình không chơi với các bạn trong lớp. Tôi hỏi thì cháu trả lời rằng do các bạn không cùng “đẳng cấp” với mình.
Con chỉ chơi với những bạn mặc đồ đẹp và được đưa đón bằng xe hơi giống mình. Khi phát hiện cháu hay tụ tập với đám bạn con nhà giàu, thường xuyên quậy phá, tôi mới giật mình. Lâu nay, vợ chồng tôi cứ lao vào kiếm tiền, cho con tiền thật nhiều vì nghĩ đó là cách tốt nhất dành cho con”
Cần rèn kỹ năng sống tự lập
Hiện tượng trẻ kiêu ngạo, tự xem mình là những “cậu ấm cô chiêu”, coi thường người khác vì nghĩ gia đình mình giàu sang, nhiều tiền rất phổ biến hiện nay. Ông Phạm Đức Chuẩn cũng cho biết, chính các bậc phụ huynh không thể lường trước được rằng sự nuông chiều con quá mức là một trong những nguyên nhân chính tạo cho con cái tâm lý ỷ lại.
Thực tế, chuyện các em tuổi teen, cả nam và nữ, không biết nấu ăn, dọn dẹp hay những việc đơn giản, ỷ lại hoàn toàn vào bố mẹ hoặc người giúp việc là khá phổbiến, nhất là ở thành thị.
Nhiều gia đình không tiếc tiền cho con đi học những lớp kỹ năng sống, mà họ quên là các kỹ năng đó đều có thể học được qua những việc vặt trong nhà và bố mẹ hoàn toàn có thể tự dạy cho con họ từ khi còn nhỏ.
Trẻ có thể tự tách mình ra khỏi tập thể, coi bản thân cao hơn người khác dựa vào những giá trị vật chất mình có. Những đứa trẻ này khi lớn lên thường có sức chịu đựng kém, dễ thất bại, khó thích nghi và hòa nhập.
Th.S Phạm Đức Chuẩn cho biết: Trong số những bạn trẻ ông tiếp xúc, chỉ có 30% những người tương đối năng động, còn lại đa phần hết sức thụ động. Cha mẹ nên hiểu, tự lập là một trong những yếu tố quan trọng để trẻ hoàn thiện nhân cách.
Đó mới chính là vấn đề nhận thức quan trọng ảnh hưởng đến tương lai con trẻ sau này. Các em sẽ không thể lớn được nếu cha mẹ không nỗ lực thực sự giúp con trưởng thành. Cũng có lúc người lớn nhận ra điều này, nhưng khi để trẻ đã quá quen với sự nuông chiều, giờ giáo dục lại cũng không phải là dễ mà cần phải có cả sự kiên nhẫn gấp bội.