Bộ ảnh cũng như triển lãm là một phần của dự án “Trẻ em không phải cô dâu” được thực hiện bởi Tổ chức phi Chính phủ Good Neighbors Việt Nam. Mục tiêu được tiến hành nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em và người dân trong cộng đồng huyện Quang Bình (Hà Giang) nói riêng và người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trong việc phòng tránh tảo hôn.
Bộ ảnh cũng vừa được ra mắt tại Hà Nội gây chú ý tới đông đảo công chúng, bởi sự kết hợp nhiếp ảnh, đồ hoạ và nội dung diễn tả bằng câu từ (Typography) tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền hấp dẫn.
Luẩn quẩn trong vòng tròn tảo hôn
Tổ chức phi Chính phủ Good Neighbors Việt Nam cho biết, sự phối hợp của đơn vị với UBND huyện Quang Bình tổ chức Triển lãm truyền thông và giao lưu nghệ thuật “Trẻ em không phải cô dâu”. Dự án tuyên truyền được thực hiện ngay trên mảnh đất Quang Bình, thí điểm ở 2 xã Yên Thành và Tân Bắc từ tháng 2/2020.
Hoạt động của dự án với các khóa tập huấn tác động tới nhận thức, suy nghĩ của trẻ em; vận động phụ huynh nhằm nâng cao nhận thức phòng và chống nạn tảo hôn. Đồng thời, quyền trẻ em và các kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình khỏi nạn kết hôn sớm cũng được thực hành rộng rãi.
Qua gần 1 năm triển khai, dự án đã đem lại những hiệu quả bước đầu khi đào tạo, tập huấn được 30 “chiến binh” là những học sinh nòng cốt tham gia trực tiếp vào công tác truyền thông qua các bộ ảnh và các video.
Đặc biệt, dự án có sự tham dự của các đại sứ là những người nổi tiếng cũng là 8 đại sứ đồng hành: Hoa hậu H’Hen Niê, ca sĩ Hari Won, Biên tập viên Mạnh Khang, MC Công Tố, diễn viên Trung Ruồi, diễn viên Minh tít, nhiếp ảnh gia Nhat Le và Top 15 hoa hậu Việt Nam Hà Thanh Vân.
Để lan toả mạnh mẽ hơn thông điệp chống tảo hôn và bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bị ép kết hôn sớm, Nhat Le và Good Neighbors Việt Nam tổ chức triển lãm bộ ảnh tại Hà Nội đã tạo ra không ít bất ngờ đối với công chúng – đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi – chưa từng biết về vấn nạn nhức nhối này.
Đi hết từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác, bộ ảnh với 17 tác phẩm soi chiếu các góc cạnh, làm nổi bật tính hồn nhiên trong sáng của trẻ em vùng sâu vùng xa. Vốn đang ở lứa tuổi học sinh, vào một ngày đó trong lớp thấy vắng bóng một người bạn mà không rõ lý do.
Câu chuyện ảnh kể rằng, bạn đó đã phải kết hôn khi chưa đến tuổi, khi mọi giấc mơ và khát vọng theo đuổi chưa thành hình. Và thậm chí, bạn ấy không biết đến hai từ “kết hôn” có nghĩa là gì. Để rồi, trong một vòng luẩn quẩn “tảo hôn – yếu đuối – sẩy thai – phẫu thuật – dị tật…” đã lấy đi tuổi thơ và tuổi trẻ phía trước của người bạn cùng lớp.
Người trẻ chống tảo hôn
Không chỉ gây bất ngờ về thông điệp, công chúng còn rất ngạc nhiên khi biết tác giả của bộ ảnh là một người trẻ mới tốt nghiệp ngành nhiếp ảnh ở Pháp và đang học thêm về đồ họa ở quê nhà.
Nhat Le tên thật là Lê Nguyên Nhật (con trai hoạ sĩ Lê Thiết Cương) về nước chưa tới một năm nay sau chuyến du học. Dịch Covid-19 tưởng chỉ giữ chân bạn trẻ ở lại Hà Nội ít bữa, nhưng cuối cùng Nhat Le đưa ra quyết định khiến cả nhà bất ngờ: Ở lại Việt Nam để thỏa trí sáng tạo của mình với các dự án xã hội nhiều ý nghĩa.
“Trẻ em không phải cô dâu” là dự án xã hội phi lợi nhuận đầu tiên mà Nhat Le tham gia. Một chủ đề không mới, thậm chí là khá cũ nhưng được Nhat Le làm mới cả về ý tưởng lẫn cách trình bày ý tưởng truyền thông. Nhiều người đã “gàn” Nhat Le vì nghĩ không thể kéo công chúng tơi triển lãm cũng như không thể tác động vào học sinh vùng sâu vùng vùng xa vì quan niệm cổ hủ. Bất chấp, Nhat Le đã làm và tiếp tục thực hiện thông điệp cảnh tỉnh các hủ tục và nói cho người khác nghe về quyền trẻ em.
Cũng là con chữ thông tin cần tuyên truyền, nhưng với dụng công thiết kế của Nhat Le, chúng trở thành một yếu tố của tạo hình, thành một phần nghệ thuật của tác phẩm để người xem phải ngẫm nghĩ.
Rất nhiều thủ pháp chơi chữ thông qua thiết kế buộc người xem phải nhìn vào mỗi tác phẩm rất lâu để cùng ngẫm nghĩ thay vì chỉ sốc vì hình ảnh trực diện rồi bước qua rất nhanh.
Hình ảnh con người trong các tác phẩm thường khá khiêm tốn trong tổng thể tác phẩm nhưng rất giàu biểu hiện trên gương mặt, gợi mở cho người xem nhiều tâm tư, nỗi niềm.
Những đứa trẻ tảo hôn (diễn viên trẻ em tham gia dự án đóng) khá lẩn khuất và thường là tối, vừa gợi những tâm sự buồn, tương lai mờ xám, vừa dẫn dụ người xem muốn lách mình qua những khe cửa hẹp để đến với những câu chuyện tảo hôn tưởng rất gần bởi đã nghe nhiều trên truyền thông, mà thực là rất xa xôi với cộng đồng xã hội.
Mang phong cách trừu tượng trong hình ảnh và thiết kế, đó cũng là một điểm mới. Trong nhiếp ảnh, đa phần những vấn đề xã hội đương đại thường được thực hiện dưới dạng phóng sự ảnh. Nhưng đây cũng là một thách thức bởi sáng tác nhiếp ảnh theo phong cách trừu tượng đòi hỏi nghệ sĩ phải giữ được một sự cân bằng nhất định giữa yếu tố hiện thực và sự sáng tạo, phá cách, làm sao để hình ảnh vẫn gần gũi, dễ dàng tác động đến thị giác người xem.