Chỉ đến khi bác sĩ khám kết luận trẻ viêm dạ dày, bố mẹ mới tá hỏa.
Tuổi nào cũng mắc bệnh
Khuôn mặt nhăn nhó, tay ôm bụng kêu đau, da xanh xao, thi thoảng lại lên cơn buồn nôn. Những triệu chứng đó đã đeo bám cô bé P.K.L (9 tuổi, ở Hà Nội) một thời gian dài. Mỗi lần lên cơn đau, mẹ L nghĩ con ăn uống mất vệ sinh nên tiêu hóa kém.
Thuốc tiêu hóa được tống vào. Thế nhưng, những cơn đau liên tiếp diễn ra mỗi khi L mệt, đói, thậm chí cả sau bữa ăn. Đặc biệt, khi cơn đau dứt, nước da xanh xao, mẹ L lại nghĩ con bị thiếu máu. L được gia đình cho đi kiểm tra.
Có kết quả xét nghiệm thiếu máu, L được truyền máu. Nghỉ hè, các cơn đau vẫn không dứt, cộng thêm mỗi lần nôn kèm máu, đi đại tiện có màu sẫm.
Không chần chừ, mẹ đưa L vào Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Kết quả nội soi khiến cả nhà bất ngờ: 2 ổ loét hành tá tràng, bờ ổ loét xơ chai, dạ dày rớm máu.
TS.BS Phan Thị Hiền - Trưởng đơn vị nội soi (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội) - chia sẻ: Tỉ lệ trẻ em bị bệnh dạ dày đang gia tăng.
Mỗi tháng, khoa tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 - 600 ca liên quan đến dạ dày, đặc biệt vào những tháng nghỉ hè, con số này tăng mạnh do thời điểm này học sinh được nghỉ, người lớn đưa đi khám nhiều. Đáng lưu ý, tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori (Hp) rất cao.
Cũng theo TS.BS Phan Thị Hiền, bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhi hơn 2 tuổi có các biểu hiện như quấy khóc, đau bụng, đại tiện bất thường, khi kiểm tra phát hiện loét hành tá tràng, điều trị nội khoa không khỏi phải chuyển sang hướng phẫu thuật.
Bệnh nhi quá nhỏ, không phẫu thuật được, muốn cắt bỏ phần loét cũng không xong vì ổ loét lớn. Cuối cùng, các bác sĩ phải cắt dây thần kinh X (liên quan đến việc bài tiết axít dạ dày) mới hy vọng ổn định.
Dễ nhầm bệnh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) - cho biết, trước đây, loét dạ dày - tá tràng được cho là căn bệnh ít gặp ở trẻ em. Mỗi khi trẻ đau bụng, người lớn nghĩ đến nguyên nhân khác như giun, rối loạn tiêu hóa…, nhưng thực tế, trẻ nhỏ dưới 15 tuổi cũng có thể bị loét dạ dày, tá tràng.
TS.BS Phan Thị Hiền cho rằng, có một số nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em do vi khuẩn Hp, do dùng thuốc sau một đợt điều trị bệnh, stress, sau một đợt phẫu thuật… Nhưng chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là do vi khuẩn Hp.
Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này ở bệnh nhi liên quan đến dạ dày trên 50%. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, thực phẩm, bề mặt tay chân…, rồi qua đường ăn uống thâm nhập vào cơ thể. Chỉ đơn giản, người lớn có vi khuẩn Hp mà bón thức ăn, nhai đồ ăn cho trẻ ăn cũng gây lây nhiễm.
“Nhiều người nghĩ trẻ em không stress nhưng thực tế, một nguyên nhân thường gặp ở trẻ nhỏ là stress. Ở thành phố lớn, trẻ em học hành quá tải, thậm chí bố mẹ ép ăn quá nhiều hay trẻ sau chấn thương hoặc các tình trạng đe dọa cuộc sống, các chấn thương tinh thần. Ngoài ra, cũng có trường hợp viêm dạ dày do dùng thuốc” -PGS.TS Dũng phân tích.
Cách phát hiện dễ dàng nhất là trẻ kêu đau bụng, nôn, ợ chua, thậm chí nôn ra dịch màu, đại tiện có mầu sẫm, cần được đưa đi kiểm tra ngay. Nếu trẻ bị nhiễm Hp, bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị. Nếu trẻ bị viêm loét cần điều trị sớm.
Hiện nay, việc điều trị nhiễm Hp kéo dài khoảng 2 tuần với thuốc đặc trị. “Tuy nhiên, cũng xuất hiện trẻ sau một đợt điều trị với thuốc không đỡ phải dùng thêm nhiều lần và theo dõi lâu dài. Tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em mắc bệnh lý dạ dày do nhiễm Hp đang gia tăng” - TS.BS Hiền nói.
Một nghiên cứu của TS.BS Phan Thị Hiền tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, lứa tuổi trẻ mắc bệnh liên quan đến dạ dày từ 2-15 tuổi, nam nữ có khả năng mắc bệnh như nhau. Bệnh không trừ ai.
Viêm dạ dày do Hp rất dễ tái đi tái lại nếu không diệt hết nguồn lây. Để phòng bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm vi khuẩn Hp bằng cách vệ sinh ăn uống. Rửa tay sạch sẽ, ăn uống vệ sinh. Việc bón nhai cơm cũng là đường dễ lây bệnh nhất.