Trẻ béo phì cũng... suy dinh dưỡng

GD&TĐ - Suy dinh dưỡng thể béo phì còn được gọi là suy dinh dưỡng ở trẻ thừa cân béo phì.

Trẻ béo phì cũng... suy dinh dưỡng

Đây là tình trạng trẻ em bên ngoài có thể trạng béo tốt, phát triển bình thường, nhưng thiếu canxi, thiếu máu, vitamin D, còi xương.

Khái niệm “mới”

LTS: Nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ những trẻ gầy còm mới lười ăn, suy dinh dưỡng. Thực tế trẻ béo phì là một dạng của lười ăn đặc biệt, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể ẩn nghiêm trọng. Hậu quả là cơ thể trẻ bị thừa năng lượng dẫn đến béo phì nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu. Điều này có thể gây hậu quả khó lường cho trẻ.

Trẻ em Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với “gánh nặng kép” về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường tại cả nông thôn và thành thị. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị.

Nhiều phụ huynh cho rằng, suy dinh dưỡng chỉ xảy ra ở trẻ gầy. Tuy nhiên, thực tế, trẻ béo phì cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ béo phì xuất phát từ chế độ ăn uống không khoa học và sự hiểu biết chưa đầy đủ về dinh dưỡng của ba mẹ.

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) cho biết từng tiếp nhận trường hợp một bé gái 8 tuổi có biểu hiện tăng chiều cao chậm hơn so với lứa tuổi. Gia đình lo sợ bé dậy thì sớm nên đã đưa trẻ đến khám. Trẻ nặng 36 kg, chiều cao 117 cm, ăn uống được.

Tuy nhiên, trẻ thường có khẩu phần ăn ít rau, thích đồ ngọt, đồ chiên rán, ít vận động. Sau khi thăm khám và thực hiện một số cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán, trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng thể béo phì (thiếu vitamin D). Song, kết luận này đã khiến gia đình trẻ không khỏi bất ngờ.

Bởi, từ xưa tới nay, hầu hết mọi người đều cho rằng, trẻ thừa cân, thừa dinh dưỡng là béo phì. Trong khi đó, suy dinh dưỡng thể béo phì dường như là một khái niệm rất mới đối với các phụ huynh.

Thiếu nguyên tố vi lượng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là bệnh lý tích tụ mỡ trong cơ thể, vượt quá nhu cầu sinh lý và khả năng thích ứng của cơ thể. Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng và Chuyển hóa châu Âu (ESPEN) định nghĩa, suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ hoặc hấp thụ sai các chất dinh dưỡng thiết yếu, thay đổi thành phần cơ thể, suy giảm thể chất và tinh thần của cơ thể và các tác động tiêu cực đến kết quả của bệnh cơ bản. Vậy suy dinh dưỡng không chỉ giới hạn ở giảm các chỉ số nhân trắc (cân nặng, chiều cao, vòng cánh tay, vòng đầu so với tuổi), mà còn ở thiếu hụt các vitamin và khoáng chất.

Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - cho biết, ở trẻ thừa cân, béo phì, mặc dù tiêu thụ khẩu phần ăn quá nhiều năng lượng, nhưng vẫn có thể liên quan đến sự thiếu hụt các nguyên tố vi lượng riêng lẻ.

“Suy dinh dưỡng thể béo phì còn được gọi là suy dinh dưỡng ở trẻ thừa cân béo phì. Đây là tình trạng trẻ em bên ngoài có thể trạng béo tốt, phát triển bình thường, nhưng thiếu canxi, thiếu máu, vitamin D, còi xương”, chuyên gia giải thích.

Việc trẻ không được tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời để hấp thụ vitamin D tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây tình trạng này.

Ngoài ra, trẻ được ăn dặm sớm (ít hơn 4 tháng) cũng có thể rơi vào tình trạng rối loạn chuyển hóa, giảm khả năng hấp thụ canxi. Bên cạnh đó, chế độ ăn không cân đối khi thiếu hụt chất đạm, vi chất như canxi, sắt, kẽm... nhưng dư thừa năng lượng từ chất béo, đường cũng gây suy dinh dưỡng thể béo phì.

Ví dụ, trẻ thường ăn quá nhiều cơm, bánh mì, bánh kẹo và nước ngọt. Song, trẻ không bổ sung các vi chất, đặc biệt là vitamin D và canxi. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì cũng có thể do phụ huynh chọn các loại sữa không phù hợp với bé.

Hậu quả suy dinh dưỡng thể béo phì

Không chỉ trẻ thấp còi mới có nguy cơ suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

Không chỉ trẻ thấp còi mới có nguy cơ suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

“Suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì đan xen nhau là “cửa ngõ” của nhiều bệnh mạn tính, có liên quan đến dinh dưỡng, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, mỡ máu, tổn thương khớp, xương và cả một số bệnh ung thư, thận, gan...

Nếu không được điều chỉnh, can thiệp kịp thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ”, bác sĩ Thanh cảnh báo. “Cha mẹ nên giúp trẻ phòng tránh và thoát khỏi nguy cơ thừa cân béo phì thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý”, bác sĩ Thanh khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, trước hết, cần giảm bớt các thực phẩm giàu chất béo, đường cho trẻ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ quả. Bởi, trong rau củ quả chứa nhiều chất xơ, khoáng chất và nước.

Nhờ đó, giúp cân đối thành phần dinh dưỡng. Đồng thời, cho trẻ uống sữa giúp bé tăng cân tốt. Bởi, sữa là nguồn cung cấp đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, nhất là canxi, khoáng chất đặc biệt là vitamin D.

Phụ huynh cũng chỉ nên cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Lưu ý, chế độ ăn dặm của trẻ phải đủ và cân đối 4 nhóm chất là: Bột, đạm, chất béo và nhóm vitamin, khoáng chất (rau quả tươi).

Tăng cường những thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm làm từ sữa (như sữa chua, phô mai...), tôm, cua, cá… Đây còn là những nhóm thực phẩm giúp bổ sung kẽm - vi chất rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ.

Kẽm tăng cường sức đề kháng, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến miễn dịch ở trẻ. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, đúng nhu cầu của lứa tuổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.