Trao yêu thương từ điều giản dị

GD&TĐ - Nét chữ còn vụng về, phát âm ngọng nghịu không làm lớp học tiếng Anh cho các bạn nhỏ khó khăn vùng ven biển giảm sôi nổi, hào hứng. Ngược lại, các anh chị tình nguyện viên như thấy được “điểm yếu” của trò, cùng tìm cách giúp chúng phá vỡ vỏ kén của mình để tự tin vươn ra ánh sáng.

Các bạn nhỏ tự tin tham gia vào các tình huống do giáo viên đưa ra. Ảnh: T.G
Các bạn nhỏ tự tin tham gia vào các tình huống do giáo viên đưa ra. Ảnh: T.G

Tiếng Anh cho trẻ khó khăn vùng biển

Kén - chương trình dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh trong dịp hè do Tổ chức Thúc đẩy sáng kiến và dự án trẻ (PIE) thực hiện. Đinh Tiến Đạt, HS lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An), người sáng lập và đồng chủ tịch PIE cho biết: “Được thành lập năm 2018, tổ chức hoạt động trên tinh thần tự nguyện, và triển khai các dự án hướng đến cộng đồng. Hè năm nay, chúng em quyết định thực hiện một chương trình giáo dục”.

Mỗi buổi học, HS sẽ trao đổi, tìm hiểu về một chủ đề khác nhau như: Môi trường, thời trang, phim ảnh và cả những người nổi tiếng... Những chủ đề này được các thầy cô giáo trẻ chuẩn bị từ trước và giảng theo giáo án điện tử để các bạn học sinh “vừa học vừa chơi”, có hình ảnh, ví dụ sinh động và rèn luyện được các kỹ năng nghe nói, đọc, viết. Để tạo tâm lý thoải mái, sự hứng thú cho em, tình nguyện viên còn có những phần quà bất ngờ tặng bạn nào xuất sắc, tích cực, tiến bộ…

Các thành viên của PIE đã khảo sát thực tế tại nhiều trường học thuộc các huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Qua những bài kiểm tra ngắn, các thành viên đánh giá trình độ, kỹ năng tiếng Anh của HS và quyết định chọn Trường THCS Phúc Thọ là nơi triển khai dự án. Đây là ngôi trường đóng tại xã ven biển khó khăn thuộc huyện Nghi Lộc. “Nhưng các em học sinh lại rất ham học, thích học tiếng Anh. Vì vậy, các thành viên của PIE thống nhất tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí trong thời gian 1 tháng với 15 buổi học. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu Trường THCS Phúc Thọ, lớp học gồm 24 em học sinh khối 6, 7 được hình thành”, Đạt cho biết.

Giáo viên đứng lớp chính là thành viên của PIE và các tình nguyện viên đến từ các Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chuyên Đại học Vinh, THPT Huỳnh Thúc Kháng… 

Lần đầu tiên được đứng lớp trong vai trò giáo viên, Phan Hồng Nhung, HS lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: Khi mới tham gia chương trình, em rất lo lắng không biết các em có chịu nghe mình nói, có hào hứng, tiếp thu được bài giảng không. Nhưng qua các buổi dạy, em thấy rất vui vì các bạn nhỏ chăm chú học, thích môn tiếng Anh hơn và mạnh dạn trao đổi với mình.

Phá vỡ vỏ bọc của chính mình

Hướng dẫn các em trao đổi nhóm với nhau

Hướng dẫn các em trao đổi nhóm với nhau

Mới học xong lớp 10, nhưng Nguyễn Thanh Hiền – HS lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tự tin đứng lớp. Hiền chia sẻ: Qua mỗi một buổi học không chỉ các bạn nhỏ mà chúng em cũng cũng trưởng thành rất nhiều. Đây là cơ hội để chúng em học lại kiến thức, tưởng tượng ra các tình huống, chuẩn bị nhiều từ vựng, trau đồi kỹ năng tiếng Anh của bản thân. Giúp đỡ những học sinh khó khăn, cũng là dịp để chúng em có thêm nhiều trải nghiệm, tác phong làm việc nhóm và có ý thức hơn với cộng đồng.

Trước đó, để dự án đi vào hoạt động đúng quy định, các bạn trong nhóm đã chủ động liên hệ với tỉnh Đoàn Nghệ An, các cơ quan chức năng. Đồng thời kêu gọi sự tài trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để có kinh phí cho dự án. Đinh Tiến Đạt cho hay: Sau khi kết thúc khóa học, các bạn nhỏ có hứng thú với môn tiếng Anh hơn, các kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, muốn học tốt môn học này, cần phải có thời gian dài tích lũy. Vì thế từ chương trình, chúng em hướng dẫn các bạn thành lập CLB Tiếng Anh trong trường vào năm học tới. 24 HS của lớp Kén sẽ là thành viên nòng cốt duy trì phát triển hoạt động CLB trong toàn trường, tự tạo ra môi trường tiếng Anh cho các bạn khác tham gia.

Nói về hoạt động của dự án, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thọ xúc động: Học sinh của trường ở xa trung tâm, bố mẹ các em chủ yếu làm nông nghiệp vất vả, không có điều kiện đầu tư nhiều cho con cái học thêm ngoại ngữ, kỹ năng sống. Chính vì thế, khi được học chương trình này, các em say mê, thích thú. Tôi cũng tin trong năm học tới, các học sinh của mình sẽ thành lập CLB Tiếng Anh. Nhà trường sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để CLB hoạt động hiệu quả.

Hy vọng sau khóa học này, các em sẽ tự tin, vượt qua những trở ngại của bản thân như con sâu tự phá vỡ cái kén của mình để tiến bộ. Đó cũng là ý nghĩa của tên dự án -  Kén.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.