“Học kỳ 3” ngoài mong muốn

GD&TĐ - Cho con học hè hay là một hình thức gửi trẻ? Học hè là nhu cầu của trẻ hay đáp ứng kỳ vọng của người lớn? Thêm một học kỳ 3 quá tải liệu có mang đến hiệu quả thực sự? Hãy mang lại những điều tốt nhất cho trẻ thay vì “nhồi” ép học hè.

Học cách chăm sóc bản thân từ khóa học Học kỳ Quân đội. Ảnh: Đức Trí.
Học cách chăm sóc bản thân từ khóa học Học kỳ Quân đội. Ảnh: Đức Trí.

Biến học hè thành trông trẻ

Bố mẹ không thể luân phiên nghỉ làm trông con 3 tháng hè. Cũng không thể gửi con về quê cùng ông bà hay yên tâm khi nhốt con ở nhà; Mong con được bổ sung, tăng cường kiến thức, kĩ năng nhanh chóng… đó là những lý do chính khiến nhu cầu gửi trẻ vào những lớp học dịp hè luôn nóng từ phía các bậc phụ huynh.

Đặc biệt đối với các bậc phụ huynh làm việc ở thành phố lớn, dân công sở, văn phòng, nghề nghiệp phải di chuyển và đi công tác nhiều thì giải pháp gửi con đến lớp học hè trở thành lựa chọn số 1.

Gửi con đến lớp học hè, các khóa học trải nghiệm kĩ năng sống, học năng khiếu, bồi đắp thêm kiến thức… là mong muốn chính đáng của phụ huynh. Song, trước khi đăng ký ghi tên cho con vào những khóa học hè cha mẹ nên tìm hiểu kĩ nguyện vọng, mong muốn của trẻ để lựa chọn phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Ngay từ đầu hè đã phải nhờ cậy người quen đăng ký cho 2 cô con gái 12 tuổi và 5 tuổi vào học lớp vẽ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội và lớp học tiếng Anh trải nghiệm.

Mặc dù không kỳ vọng con sẽ học thành tài ở môn vẽ, hay tiếng Anh nhưng theo chị Quỳnh: “Cho con đi học hè không chỉ giảm thời gian nhốt trẻ ở nhà mà còn tạo cho con có dịp giao lưu với bạn bè, cô giáo, thức dậy tiềm năng hội họa (nếu có). Và bản thân bố mẹ không phải ngày 2 - 3 lần tạt về nhà xem con ăn ngủ, chơi bời ra sao…”.

Chị Nguyễn Thanh Hương (đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Năm ngoái, vì tránh tình trạng bị động, xáo trộn quá nhiều về thời gian biểu sinh hoạt, trong suốt 3 tháng, chị đã tìm và đăng ký cho con vào học trại hè tiếng Anh do một trung tâm tổ chức.

Sáng trung tâm đón trẻ từ 7 giờ, chiều 5 giờ trả trẻ. Lịch học của con và thời gian của bố mẹ không hề thay đổi như lúc con đi học chính. Thế nhưng, con chị cho biết học ít, chơi nhiều. Học với GV tiếng Anh trên lớp mỗi ngày chỉ trên dưới 1 giờ đồng hồ. Còn lại trẻ tự luyện nói tiếng Anh qua trò chơi, xem băng hình có phụ đề tiếng Anh, thực hành nói tiếng Anh qua một vài hoạt động trải nghiệm (thăm bảo tàng; nấu ăn...).

Cháu nào không hòa đồng, uể oải học tập GV cũng chấp nhận để phụ huynh gửi trẻ đến lớp theo kiểu hoạt động có giám sát chứ không nhất thiết phải hoạt động theo chương trình.

Với suy nghĩ ban đầu học ngoại ngữ chẳng thiệt đi đâu bởi tiếng Anh luôn cần thiết, hỗ trợ kiến thức không được ít thì nhiều, quan trọng trẻ có người giám sát, tránh được nắng nóng, có bạn bè chơi học cùng… Thế nhưng cậu con trai 10 tuổi của chị Hương không hề hứng thú, thậm chí luôn tạo lý do để né, trì hoãn việc học.

Kết quả sau 3 tháng học ngoại ngữ hè tại trung tâm con chị không những tiếp thu không hiệu quả mà sinh ra ngại học tiếng Anh bởi cách dạy chưa phù hợp, lớp học không phân theo trình độ, chương trình và cách tổ chức lớp học chưa thực sự khoa học.

Có thể thấy, cứ vào dịp hè, rất nhiều trại hè trải nghiệm được các đơn vị đứng ra tổ chức. Ở một góc độ nào đó, đây là tín hiệu mừng bởi người dân đã nhận thức tốt về tầm quan trọng của trải nghiệm thực tế. Song chất lượng của các khóa học này lại đáng quan ngại khi quá nhiều đơn vị, trung tâm không có chuyên môn, kinh nghiệm, chỉ dựa vào thế mạnh truyền thông hoặc đặc quyền đặc lợi trong lĩnh vực mình kiểm soát để đứng ra tổ chức.

Các chương trình dạy học không được thiết kế dựa trên khoa học mà sao chép một cách máy móc, không hiểu sâu về tâm sinh lý lứa tuổi, định hướng bài học trong trải nghiệm. Tất cả những mặt trái đó đã làm học viên hiểu lệch lạc vấn đề cũng như không phát huy được những tiềm năng sẵn có của bản thân..

Hiểu đúng để tăng hiệu quả giáo dục

Tặng quà người già neo đơn – Cách giáo dục ý thức, tâm hồn hiệu quả cho HS. Ảnh: Đức Trí.
Tặng quà người già neo đơn – Cách giáo dục ý thức, tâm hồn hiệu quả cho HS. Ảnh: Đức Trí.

Không ít trường hợp trẻ “bị” bố mẹ đăng ký và gửi vào các khóa học hè không xuất phát từ mong muốn của các em. Như vậy sẽ khiến các em bị ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý, kết quả học, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc... Nhiều em trở về từ các trại hè đã có tâm lý cực đoan như ăn chay trường không khoa học, không tốt cho sự phát triển thể lực, tinh thần, xung đột với cha mẹ vì đã “hành hạ” các em… dẫn tới việc chán nản trong cuộc sống, học tập.

Mỗi hình thức, nội dung học tập đều hướng tới những mục tiêu riêng. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý tìm hiểu xem con mình thực sự mong muốn điều gì? Vấn đề gì cần cải thiện nhất ở con mình? Mong muốn, ước mơ của con là gì? Cần tìm hiểu các khóa học định đăng ký cho con mang lại lợi ích gì? Ai là người hướng dẫn, dẫn dắt trong các khóa học đó? Chuyên môn? Kinh nghiệm? Tâm huyết. Tránh để những huấn luyện viên chưa có trải nghiệm cuộc sống dẫn dắt vì các con rất dễ ảnh hưởng phong cách sống của người huấn luyện.

TS chuyên ngành Giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công chỉ ra: Khóa học kỳ Quân đội sẽ phù hợp với các bạn trẻ cần tăng cường tính kỷ luật, tự lập, tự giác, giúp các em mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn rất phù hợp với các con có độ tuổi từ 9 - 17 tuổi.

Còn những bạn nhỏ hơn thì tham gia các trại hè về năng khiếu, trại hè trải nghiệm nghệ thuật. Nghệ thuật, hội họa sẽ giúp các em mềm mại hơn trong giao tiếp ứng xử, có cách nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn, giảm áp lực trong học tập và cuộc sống.

Phát huy được tiềm năng não phải để học tập tư duy bằng cả bộ não tốt hơn. Còn với những khóa tu mùa hè lại phù hợp với các bạn độ tuổi THPT và SV nhiều hơn vì các em có đầy đủ nhận thức về bản thân tốt hơn.

Rõ ràng, việc học tập nên tiến hành suốt đời chứ không phải chỉ cần trải qua trong một thời gian, thời điểm nào đó. Mùa hè, là thời điểm để HS nghỉ ngơi, nhìn nhận lại kết quả của một năm học để định hướng, bổ sung những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho năm học mới.

Như vậy, phụ huynh cần đồng hành với con một cách khoa học và hiểu biết. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu mà lựa chọn cho con những hoạt động phù hợp và hữu ích thay vì nhồi nhét phản tác dụng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.