Trao truyền kiến thức và đam mê

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không chỉ là nhà khoa học uy tín với giải thưởng Quả cầu Vàng, PGS.TS Lê Văn Cảnh còn là người thầy truyền lửa đam mê đến nhiều thế hệ sinh viên.

Thầy Cảnh thường xuyên đối thoại trong học tập và nghiên cứu với sinh viên. Ảnh: TG
Thầy Cảnh thường xuyên đối thoại trong học tập và nghiên cứu với sinh viên. Ảnh: TG

Sinh ngày 11/11/1979, PGS.TS Lê Văn Cảnh, giảng viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là ứng cử viên trẻ nhất học hàm Giáo sư năm 2022.

Không chỉ là nhà khoa học uy tín với giải thưởng Quả cầu Vàng, PGS.TS Lê Văn Cảnh còn là người thầy truyền lửa đam mê đến nhiều thế hệ sinh viên, vì: “Làm việc với thầy Cảnh, chúng tôi học được nhiều lắm!”

Tình yêu với khoa học

Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2001, Lê Văn Cảnh trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Xây dựng số 2. Năm 2002, anh thi chương trình đào tạo thạc sĩ Việt ‐ Bỉ ngành cơ học xây dựng tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đây cũng là cơ duyên để Cảnh đến với nghiên cứu khoa học, bởi được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học thế giới. Tốt nghiệp thạc sĩ, năm 2006, Lê Văn Cảnh được cấp học bổng theo chương trình đào tạo 300 thạc sĩ ‐ tiến sĩ của TP Hồ Chí Minh, làm nghiên cứu sinh tại Đại học Sheffield (Anh).

Đam mê nghiên cứu khoa học và những vấn đề thôi thúc của cuộc sống dẫn lối cho Lê Văn Cảnh thực hiện hàng loạt đề tài khoa học trong nước và quốc tế. Năm 2006 ‐ 2009, thời gian làm nghiên cứu sinh tại Anh, Lê Văn Cảnh công bố nhiều nghiên cứu về lĩnh vực cơ học xây dựng, kết cấu công trình, cơ học tính toán, phân tích dẻo, với hàng loạt bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín như International Journal for Numerical Methods in Engineering.

Nghiên cứu trên được các nhà xuất bản uy tín của thế giới cho xuất bản sách khoa học về lĩnh vực tính toán cơ xây dựng. Lê Văn Cảnh cũng sở hữu hàng chục tham luận khoa học được đăng trong kỷ yếu của các hội nghị khoa học quốc tế.

Giành được nhiều giải thưởng không khiến PGS.TS Lê Văn Cảnh vui bằng việc những công trình khoa học có ứng dụng thiết thực. “Tôi vui nhất là đề tài “Công nghệ tính toán ứng dụng vào kỹ thuật xây dựng” tranh giải Quả cầu Vàng”, PGS.TS Lê Văn Cảnh chia sẻ.

Bằng trải nghiệm thực tế và vốn khoa học về tính toán, anh đã tính khả năng chịu tải của nền công trình một cách chính xác, đưa ra phương án thiết kết tối ưu.

Ðặc biệt, với các kết quả nghiên cứu theo hướng công nghệ tính toán của mình, thầy Cảnh đã ứng dụng vào thiết kế công trình, nhất là trong phân tích giới hạn nền móng công trình, tiêu biểu là các phần mềm tính toán đã được áp dụng vào thiết kế công trình “Trung tâm thương mại ‐ siêu thị ô‐tô Cần Thơ”, giúp tiết kiệm hơn năm tỷ đồng so với các phương án thiết kế ban đầu.

Thầy Cảnh truyền lửa đam mê tới học trò. Ảnh: TG
Thầy Cảnh truyền lửa đam mê tới học trò. Ảnh: TG

Truyền lửa đam mê

Nhận Giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2013, PGS.TS Lê Văn Cảnh từng nói: “Tôi luôn luôn tự hào về thành tích giải thưởng Quả cầu Vàng và giữ nhiệt huyết để phát triển nghiên cứu khoa học. Tôi luôn nhận thức, trách nhiệm của mình để đưa ra những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế”.

PGS.TS Lê Văn Cảnh cho biết: “Từ làm khoa học cho đến đứng trên giảng đường, tôi chỉ luôn tâm niệm một điều hãy nỗ lực thật nhiều, làm việc hết sức có thể”. Suy nghĩ tưởng như đơn giản của thầy Cảnh nhưng lại là sức hút với học trò không chỉ là sinh viên đang theo học lớp của thầy mà tiếng lành đến cả nhiều trường.

Hồ Lê Huy Phúc, nghiên cứu sinh ngành cơ kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã “xin” PGS.TS Lê Văn Cảnh hướng dẫn vì “làm việc với thầy Cảnh, chúng tôi học được nhiều lắm” ‐ Phúc cho biết.

PGS.TS Lê Văn Cảnh chia sẻ: “Trong học tập hay nghiên cứu, cần phải tôn trọng đối tác của mình. Tôi luôn xem họ như người bạn, đồng nghiệp cùng trao đổi kiến thức một cách hòa đồng. Có gần gũi với sinh viên, nghiên cứu sinh, mình mới lắng nghe các bạn cần gì và thấy được những kiến thức cung cấp cho họ có phù hợp hay không.

Trong học tập hay nghiên cứu có nhiều kiến thức chuyên môn mới cần phải hướng dẫn các nghiên cứu sinh cách để tìm kiếm sự sáng tạo. Trong giảng dạy và nghiên cứu, tôi thường “test” (kiểm tra) sự sáng tạo của người học để “kích thích, phát triển”. Khi nhận lời hướng dẫn khoa học, đầu tiên tôi cho sinh viên 6 tháng để đọc tài liệu và chuẩn bị đề cương nghiên cứu”.

Nghiên cứu là sự sáng tạo, muốn tồn tại thì phải có cái mới, người nào vượt qua rào cản này mới có tố chất nghiên cứu - đó là “tiêu chí” trong bài test “gặp gỡ” ban đầu với học viên để từ đó PGS.TS Lê Văn Cảnh chính thức nhận lời hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Qua những lần “test” như vậy, PGS phát hiện ra khả năng nghiên cứu tiềm tàng của không ít sinh viên. Từ đó, thầy trăn trở, tìm cách thổi bùng những khả năng đó lên.

“Để hướng sinh viên vào nghiên cứu thì hoạt động đào tạo cũng phải song hành, hiệu quả. Tôi vẫn đang ấp ủ những công trình nghiên cứu mới. Do đó, trên giảng đường, cùng với việc truyền tải kiến thức tôi còn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Ngành xây dựng còn nhiều việc cần làm và cần lắm những nghiên cứu ứng dụng. Tôi cũng đang ấp ủ nghiên cứu ứng dụng phương pháp tính toán mới để giúp Việt Nam bắt kịp xu thế xây dựng của thế giới hiện nay”, PGS.TS Lê Văn Cảnh bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ