Khát khao 'truyền lửa' đam mê sáng tạo cho sinh viên

GD&TĐ - Là một giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Thạc sĩ Trà Lục Diệp, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) luôn biết cách để 'truyền lửa' cho sinh viên qua những tiết học.

Thạc sĩ Trà Lục Diệp (áo dài vàng) cùng các em sinh viên.
Thạc sĩ Trà Lục Diệp (áo dài vàng) cùng các em sinh viên.

Với nữ giảng viên 8X, điều mấu chốt để sinh viên năng động trong mỗi tiết học đó là “trao tay” cho các bạn sinh viên thật nhiều cơ hội để các bạn thỏa sức sáng tạo... và gần 10 năm đứng trên bục giảng, Thạc sĩ Lục Diệp đã “truyền lửa” đam mê sáng tạo tới nhiều thế hệ học trò.

Mê làm cô giáo ngay từ lúc nhỏ

Nói về công việc giảng viên của mình, Thạc sĩ Trà Lục Diệp (SN 1989, trú TP. Đà Nẵng) - Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, xuất thân từ gia đình có truyền thống nghề giáo, thấy sự hy sinh thầm lặng mà bố mình đã trải qua, Lục Diệp nghĩ rằng sau này mình sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành một cô giáo, được cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà.

“Khi trưởng thành, bước vào giảng đường đại học thì mong muốn làm cô giáo đã dần thành hiện thực. Mình được đứng trên bục giảng như ngày hôm nay một phần nhờ các thầy cô đã truyền cảm hứng cho mình trong suốt thời gian học Đại học. Tự đáy lòng, mình luôn cảm ơn các thầy cô, cũng là những đồng nghiệp, đã tạo động lực cho mình bước chân vào nghề và đã giúp đỡ, dìu dắt mình trong suốt thời gian còn bỡ ngỡ”, Thạc sĩ Lục Diệp chia sẻ.

Theo nữ giảng viên 8x, mỗi giai đoạn trong gần 10 năm gắn bó với nghề giáo đều cho cô những cảm xúc khác nhau. Được học hỏi, được tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cả vốn sống. “Khi nhìn lại, mình vô cùng biết ơn các thầy cô, cũng là những đồng nghiệp của mình và các thế hệ sinh viên đã giúp cho quãng đời tuổi trẻ của mình có thêm nhiều màu sắc”, Thạc sĩ Trà Lục Diệp tâm sự.

Thạc sĩ Trà Lục Diệp - Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Thạc sĩ Trà Lục Diệp - Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Nếu các thầy cô và nhà trường đã thôi thúc cô Diệp chọn nghề giảng viên thì chính các em sinh viên là những người đã giữ chân và giúp cô ngày càng gắn bó bền chặt với nghề trong gần 10 năm nay.

Nhớ lại những tháng ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, cô Diệp xúc động: “Một kỷ niệm mà mình khó quên đó là sau khi học thạc sĩ về, mình được thử sức với một môn học mới và rất hồi hộp khi đứng trên bục giảng dạy những lớp đầu tiên. Lúc đầu thì rất là căng thẳng, nhưng nhờ sự nhiệt tình phát biểu của các bạn sinh viên, mình đã thả lỏng được và giảng bài một cách sinh động hơn. Cho đến bây giờ, mình vẫn nhớ tên một số bạn sinh viên ở các lớp đầu tiên mình dạy, và thực lòng biết ơn vì sự ham học hỏi, sự nhiệt tình của các em. Chính tinh thần đó đã giúp mình nuôi dưỡng được sự tự tin và nhiệt huyết khi đứng trên bục giảng trong những ngày đầu”.

“Truyền lửa” sáng tạo cho sinh viên

Cô Diệp cho biết, khi tiếp xúc mỗi sinh viên, các em cho mình những cảm xúc rất khác. Đặc biệt, thế hệ sinh viên ngày nay, các em đều rất năng động, tự học hỏi và chủ động.

Nữ giảng viên 8x cho rằng, trong mỗi lớp học, mình đều có cảm tưởng rằng mình và sinh viên đang học hỏi trao đổi lẫn nhau chứ không phải đơn thuần là sự truyền đạt kiến thức một chiều phía giảng viên.

“Đôi khi các bạn có những trao đổi, những câu hỏi giúp mình nhìn nhận ra được những khía cạnh khác của lý thuyết mà mình đang học. Chính vì vậy, mình càng tự thấy rằng mình phải luôn cố gắng học hỏi, trau dồi và tự làm mới mình để có thể đáp ứng được với sự nhanh nhạy và khát khao tìm hiểu tri thức của các bạn sinh viên thế hệ mới”, Thạc sĩ Lục Diệp nhấn mạnh,

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là nơi mà Thạc sĩ Diệp đã gắn bó từ những năm trưởng thành, kể từ khi là sinh viên nhà trường đến bây giờ là cán bộ giảng dạy ngót nghét cũng đã 14 năm. Chính vì vậy, trường không chỉ là thời thanh xuân mà còn là nơi nuôi dưỡng cho sự phát triển sự nghiệp của nữ giảng viên trẻ.

Chính vì vậy, Thạc sĩ Lục Diệp luôn quan niệm rằng, trong tương lai mình sẽ có thể phát triển bản thân nhiều hơn nữa, hoàn thiện trong việc giảng dạy và không ngừng nỗ lực nghiên cứu để có thể đóng góp một phần nhỏ cho sự phát triển của nhà trường.

“Đồng thời, mình mong mỏi những kiến thức và sự tâm huyết của mình có thể giúp truyền cảm hứng cho các em sinh viên, giúp các em có động lực hơn trong việc học tập và tìm ra con đường thích hợp với mình trong tương lai. Sự phát triển của thế hệ sinh viên trường cũng chính là mục đích lớn lao nhất của nhà trường và của bản thân mình”, Thạc sĩ Lục Diệp khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.