Trao quyền tự chủ rộng rãi cho cơ sở

Trao quyền tự chủ rộng rãi cho cơ sở
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

PV: Tục ngữ có câu: “Một người lo bằng kho người làm”. Theo GS, việc nhắm vào lực lượng “đầu tàu” trong giáo dục liệu có tạo ra khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục không?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: GD trước đòi hỏi của cuộc sống hiện có nhiều vấn đề cần phải làm. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là đổi mới quản lý giáo dục. Người phương Tây hình tượng hóa vai trò người đứng đầu bằng câu ngạn ngữ: Quần chúng là dãy số 0. Sức mạnh của dãy số ấy được nâng lên bao nhiêu lần tùy thuộc vào giá trị của con số đứng trước nó. Câu tục ngữ Việt Nam mà bạn nhắc đến cũng có ngụ ý đó: Một người lo bằng kho người làm. Nói như vậy không phải là coi thường quần chúng mà nhằm nêu bật vai trò của người lãnh đạo, việc lãnh đạo. Nếu chúng ta thực hiện tốt đổi mới ở khâu quản lý thì sẽ tạo ra được chuyển biến tích cực.

PV: Theo GS, khi tiến hành đổi mới quản lý trong GD, chúng ta cần giải quyết những vấn đề gì?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng ít nhất phải quan tâm đến hai vấn đề là đổi mới cơ chế quản lý và đổi mới con người làm công tác quản lý.

PV: Về cơ chế, cần đổi mới như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta cần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và trao quyền chủ động cho người thầy khi đứng trên bục giảng. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo đại học còn được giao quyền tương đối rộng rãi, chứ quyền của các cơ sở giáo dục phổ thông, nhìn chung, bị hạn chế rất nhiều. Đối với giáo viên cũng vậy, các thầy, cô giáo, nhất là ở phổ thông hiện nay còn phụ thuộc vào phân phối chương trình nhiều quá. Có những vấn đề Bộ cho phép giáo viên được chủ động trong quá trình giảng dạy nhưng cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương lại thắt chặt. Sự gò bó sẽ khiến cho các thầy cô khó phát huy khả năng sáng tạo. Nhưng giao quyền tự chủ rộng rãi phải đi đôi với kiểm tra, thanh tra, đánh giá nghiêm túc. Một khi đã giao quyền tự chủ triệt để cho cơ sở thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào việc xây dựng các quy định, quy chế cũng như tiến hành kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc thực thi các quy định đó.

Cần tạo ra cơ chế để GV được chủ động trong công việc chuyên môn của mình
Cần tạo ra cơ chế để GV được chủ động trong công việc chuyên môn của mình

PV: Ông đã từng tham gia làm công tác quản lý ở cơ sở giáo dục, vậy theo ông, cái mà nhà quản lý ở các cơ sở giáo dục cần nhất hiện nay là gì?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Điều mà những nhà quản lý GD ở cơ sở cần nhất hiện nay là một hệ thống các quy định cụ thể và minh bạch để họ biết quyền và nghĩa vụ của mình đến đâu. Nhà quản lý ở cơ sở GD cần được tự quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý của mình. Nếu cái gì cũng phải để cơ quan quản lý cấp trên “cầm tay chỉ việc” thì làm sao có thể ra những quyết định phù hợp với yêu cầu giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày?

Tôi thấy ở nhiều nước, quyền của hiệu trưởng rất lớn. Hiệu trưởng có quyền tuyển giáo viên, quyết định tiến độ bài giảng theo chương trình và được phép sử dụng các nguồn lực (tài lực và vật lực) để phục vụ cho nhiệm vụ của nhà trường. Trách nhiệm lớn nhất luôn đè lên vai hiệu trưởng là phải đảm bảo chất lượng giáo dục. Nếu không đảm bảo được chất lượng giáo dục thì hội đồng địa phương sẽ bãi nhiệm “người đó” ngay.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng cần nói lại. Ở Việt Nam hiện nay, quyền của hiệu trưởng là rất bé, cấp học càng thấp thì quyền của hiệu trưởng càng bé. Giả sử bây giờ chúng ta có giao quyền tự chủ, tự quyết như mô hình ở các nước khác thì lãnh đạo nhiều trường cũng khó làm nổi. Ở đây không hẳn chỉ do năng lực mà còn có những vấn đề khác liên quan đến yếu tố tâm lí, truyền thống, quan niệm... Điều dễ nhận thấy nhất là chữ “tình” trong quản lý còn khá nặng. Giả sử có giao quyền cho hiệu trưởng được phép cho thôi việc với GV thì cũng không mấy vị hiệu trưởng dám sử dụng quyền này với GV trong trường, nhất là GV lâu năm.

PV: Trên thực tế, những người làm công tác quản lý nói chung, làm quản lý giáo dục nói riêng, đều được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức về quản lý?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể nói hầu hết những người làm công tác quản lý của ngành GD đều có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn. Khi được giao nhiệm vụ quản lý, họ cũng được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức nhất định về quản lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn là những kiến thức về quản lý ấy chủ yếu mới là nguyên lý và nguyên tắc chứ chưa cụ thể, chưa giúp cho người ta nâng cao khả năng tác nghiệp được. Nhiều kiến thức còn thiếu cập nhật. Bởi vậy, trong đổi mới quản lý thì đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cũng là một nội dung lớn.

PV: Chuẩn hóa đối với cán bộ quản lý có phải là một phương thức hữu hiệu để nâng cao chất lượng của đội ngũ này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chuẩn hóa chính là thước đo để có thể dựa vào đó đánh giá chất lượng cán bộ quản lý. Vì vậy, việc cho ra đời các quy chuẩn là cần thiết cho công tác quản lý. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đang có độ vênh giữa các tiêu chuẩn đề ra với thực tế đào tạo, bồi dưỡng để đạt được các tiêu chí đó. Đấy là chưa kể đến chuyện bản thân các tiêu chuẩn được sử dụng làm thước đo đó cũng không phải tất cả đã chuẩn.

PV: Vậy ở đây, khi “chọn mặt gửi vàng”, ngoài việc áp các tiêu chuẩn cứng vào thì điều cần nhất đối với cán bộ quản lý ở cơ sở là gì?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, để giao quyền tự chủ thì phải giải quyết 2 vấn đề, đó là tìm được người tin cậy để giao việc và người đó phải được lựa chọn một cách công khai, minh bạch. Việc lựa chọn cán bộ quản lý trước hết phải dựa trên hiệu quả công việc.

PV: Hiện nay, cán bộ quản lý ở cơ sở GD được bổ nhiệm với thời hạn 5 năm. Vậy có nên đưa ra quy định để tạo “sức ép” về chất lượng và hiệu quả công việc đối với người đứng đầu cơ sở GD?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng với người đứng đầu các cơ sở GD nên có chế định lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kì. Chế định này vừa phát huy tính dân chủ ở cơ sở, vừa giúp cơ quan quản lý có thêm kênh thông tin để đánh giá năng lực cán bộ ở cơ sở và điều quan trọng là tạo ra “sức ép” đối với cán bộ quản lý ở cơ sở GD.

PV: Ở trên, GS có cho rằng nhắm vào khâu quản lý để tiến hành đổi mới thì sẽ tạo ra được biến chuyển trong GD. Liệu biến chuyển này có diễn ra nhanh chóng?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Những thay đổi trong GD luôn có độ trễ nhất định. Nếu như ở những lĩnh vực khác có thể thấy ngay sự biến chuyển khi thực thi một chính sách, chủ trương cụ thể thì ở GD không thể thấy sự thay đổi trong chốc lát mà phải tính bằng năm, thậm chí lâu hơn. Nhưng có đi thì có đến, đi nhanh thì đến nhanh. Cứ làm đúng thì sẽ có kết quả.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Ngọc Đan (thực hiện)