Trao quyền chủ động

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã có quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ quy định khung thời gian và nguyên tắc xây dựng kế hoạch năm học. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học chi tiết phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trong trường hợp ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thời gian tựu trường và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định. Các trường hợp đặc biệt phát sinh khác, báo cáo Bộ GD&ĐT trước khi thực hiện. Giám đốc sở GD&ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.

Chia sẻ về khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ vừa ban hành, đa số địa phương đều đánh giá cao về tính linh hoạt. Bộ không quy định “cứng” các mốc thời gian, mà chỉ yêu cầu “sớm nhất”, hoặc “muộn nhất”, khung thời gian đủ rộng cho địa phương và nhà trường thực hiện nhiệm vụ.

Việc giao quyền chủ động cho địa phương là phù hợp, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh khó lường. Trước đó, nhờ sự giao quyền chủ động này mà năm học 2021 - 2022 dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nặng nề, nhưng các địa phương đã hoàn thành năm học một cách ngoạn mục.

Sau khi Bộ ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện của mình. Một trong những khó khăn so với mọi năm, nhất là các tỉnh phía Nam, là thời điểm kết thúc năm học cũ và bắt đầu năm học mới quá cận kề.

Năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên nhiều địa phương kết thúc năm học muộn, đặc biệt khối giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non ở một số tỉnh thành phía Nam phải đến giữa, cuối tháng 7 mới kết thúc. Trong khi đó, năm học 2022 - 2023 được quy định bắt đầu cùng lúc trên toàn quốc, vì thế quỹ thời gian cho công tác chuẩn bị năm học mới không nhiều như mọi năm.

Mặc dù vậy, xác định chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc đồng bộ kế hoạch, hoạt động là yêu cầu tất yếu, nên ngành GD-ĐT các địa phương đã sớm chủ động công tác chuẩn bị ngay từ khi kết thúc năm học cũ, nhiều công đoạn còn xúc tiến sớm hơn. Song song với hoạt động hè, hầu hết tỉnh/thành, trường học trên cả nước đã tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ... để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh bước vào năm học 2022 - 2023.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu - cho biết: “Ngay khi vừa kết thúc năm học 2021 - 2022, ngành bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho năm học mới. Ngành xác định phải chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện, nên đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học tùy vào điều kiện thực tế mà khắc phục khó khăn, chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất, nhân sự… để bước vào năm học mới 2022 - 2023 với khí thế mới, sau một năm học đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”.

Nhờ sự chủ động sớm nên dù quỹ thời gian giữa hai năm học không nhiều, ngành Giáo dục các địa phương vẫn không hề bị động. Cho đến nay, đa số tỉnh/thành đã dự trù lịch tựu trường và cho biết sẽ ban hành kế hoạch năm học trong tuần tới. Hầu hết, cơ sở giáo dục cũng sẵn sàng mọi điều kiện để bắt đầu năm học, từ cơ sở vật chất, đội ngũ cho đến phần việc liên quan hoạt động triển khai chương trình mới. Tâm thế chủ động tích cực của toàn ngành đã và đang mở ra nhiều hứa hẹn tốt lành cho năm học 2022 - 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.