Trào ngược dạ dày thực quản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thông thường, dịch vị dạ dày được sản xuất ra để tiêu hóa thức ăn và đồng hành cùng thức ăn xuống ruột non, ruột già… rồi được thải ra ngoài.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thông thường, dịch vị dạ dày được sản xuất ra để tiêu hóa thức ăn và đồng hành cùng thức ăn xuống ruột non, ruột già… rồi được thải ra ngoài.

Tuy nhiên, một số người dịch vị không chịu nằm yên ở dạ dày để làm nhiệm vụ mà “đòi” đi ngược lại gây cho khổ chủ bao điều lo lắng và phiền muộn.

Bệnh lý khá phổ biến

Trào ngược dạ dày thực quản thường được các nhà chuyên môn viết tắt là GERD (tiếng Anh: Gastroesophageal Reflux Disease) là một bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến. Đây là hiện tượng dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Người khỏe mạnh bình thường vẫn có thể xảy ra hiện tượng trào ngược.

Nhưng thoảng qua nhẹ nhàng và ngắn ngủi, không để lại dư âm nào sau khi trào ngược. Tuy nhiên, khi hiện tượng này lặp đi lặp lại và kéo dài sẽ gây tổn thương thực quản tạo ra một bệnh lý khá phức tạp.

Thực quản và dạ dày nối với nhau bằng một cơ vòng. Cơ vòng này giống như dây rút của cái túi là dạ dày. Khi thức ăn đi vào, dây rút nới rộng để thức ăn lọt xuống dạ dày. Ngay lập tức, dây rút sẽ thắt chặt.

Nếu vì một lý do nào đó, dây rút này chểnh mảng công việc, dịch vị của dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản. Lâu ngày, axit dịch vị dạ dày sẽ “ăn” mòn gây ra hiện tượng loét thực quản. Nguyên nhân chính xác gây trào ngược dạ dày thực quản vẫn chưa xác định được.

Những yếu tố nguy cơ cao để dẫn đến bệnh này gồm: Mắc bệnh béo phì, nghiện thuốc lá, phụ nữ đang mang thai, mắc bệnh hen, thoát vị cơ hoành, bệnh tiểu đường, người mắc chứng khô miệng, thời gian để trống dạ dày kéo dài. Ngoài ra còn thấy nguy cơ cao ở những người bị rối loạn mô liên kết như bệnh xơ cứng bì…

Biểu hiện điển hình của trào ngược dạ dày thực quản là ợ hơi, ợ chua, ợ nóng. Trường hợp nặng hơn là cảm giác đau vùng ngực và bỏng rát vùng cổ mỗi khi ợ. Bệnh diễn biến lâu ngày gây cảm giác đau khi nuốt và nuốt khó do thực quản bị viêm loét và hẹp lại. Một số trường hợp có biến chứng xuất huyết thực quản.

Ngoài ra, người bị trào ngược dạ dày thực quản còn có thể gặp một số biểu hiện: Miệng nhiều nước bọt, nôn và buồn nôn. Nếu các cơn trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên xảy ra ban đêm sẽ gây ra các cơn ho mạn tính, gây viêm thanh quản, viêm họng, nghẹt mũi, viêm xoang, làm nặng nề cơn hen của người bệnh, giấc ngủ chập chờn, không ngon và thậm chí là mất ngủ.

Điều đáng lưu ý: Các trường hợp đau vùng ngực của người bị trào ngược dạ dày thực quản rất có khả năng bị nhầm lẫn với bệnh nhồi máu cơ tim. Do đó, một người bị trào ngược dạ dày thực quản xuất hiện thêm các biểu hiện sau đây, phải ngay lập tức được đưa đến bệnh viện: Cơn đau lan ra cánh tay, lên vai hoặc cằm, bắt đầu thở khó, choáng váng.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Các biến chứng

Hậu quả của trào ngược dạ dày thực quản gây ra tình trạng viêm thực quản mạn tính. Từ đó, gây ra các biến chứng sau:

- Hẹp thực quản: Lớp niêm mạc của cơ vòng bị viêm gây thương tổn lâu ngày tạo ra các mô sẹo làm hẹp lòng thực quản, gây nuốt vướng và nuốt khó. Chỉ ăn được các loại thức ăn lỏng, không ăn được các loại thức ăn đặc.

- Loét thực quản: Axit dịch vị dạ dày bào mòn niêm mạc thực quản tạo ra ổ loét ngày càng to dần gây đau và khó nuốt. Ổ loét có thể làm tổn thương mạch máu thực quản gây ra hiện tượng xuất huyết. Người bệnh nôn ra máu đỏ tươi.

- Nguy cơ ung thư thực quản: Phần nhu mô lót dưới thực quản bị biến đổi. Gọi là thực quản Barrett với biểu hiện được cho là tiền ung thư. Tuy khả năng dẫn đến ung thư thấp. Nhưng vẫn cứ là… ung thư. Do đó, người bệnh cần được nội soi để tìm các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư thực quản.

Thời gian đầu bị trào ngược dạ dày thực quản, rất nhiều người “khắc phục” bằng cách tự mua thuốc về uống. Nhưng nếu rơi vào các tình trạng sau đây thì phải đến bệnh viện ngay để được thăm khám, tư vấn và điều trị cho phù hợp:

- Sau vài lần dùng thuốc không đỡ mà bệnh có biểu hiện ngày càng nặng nề hơn, các biểu hiện của bệnh xuất hiện nhiều hơn và thường xuyên hơn.

- Dùng thuốc quá 2 tuần mà bệnh vẫn không được cải thiện một cách đáng kể.

Nhìn chung, bệnh trào ngược dạ dày thực quản được điều trị chủ yếu bằng các phương pháp nội khoa, nghĩa là người bệnh chỉ dùng thuốc mà không có sự can thiệp của dao kéo. Người bệnh được chỉ định các loại thuốc uống hoặc tiêm. Khi thuốc này tỏ ra không hiệu quả thì một số loại thuốc khác được chỉ định thay thế.

- Thuốc trung hòa axit dịch vị: Là loại thuốc được chỉ định dùng hàng đầu. Thuốc này giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng ợ nóng và ợ chua. Tuy nhiên, nó không làm lành được vùng thực quản bị viêm loét. Thuốc có thể gây tác dụng phụ tiêu chảy hoặc táo bón nếu như sử dụng kéo dài.

- Thuốc ức chế tạo axit: Tuy tác dụng không nhanh như thuốc trung hòa axit. Nhưng khi đã phát huy tác dụng thì làm giảm các triệu chứng bệnh một cách đáng kể. Thời gian ức chế tạo axit của các loại thuốc này có thể lên đến nửa ngày.

- Thuốc ngăn chặn tạo axit và làm lành thực quản: Thuốc này cho hiệu quả mạnh và tốt hơn các nhóm thuốc trên. Nhất là hỗ trợ vùng thực quản giảm viêm và tổn thương loét lành lại.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Ngoài ra, còn có loại thuốc tăng cường “sức khỏe” cho cơ vòng thực quản. Nó có tác dụng làm giảm tần suất giãn ra của cơ vòng thực quản nên có tác dụng ngăn chặn sự trào ngược. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc này là đáng kể vì gây ra sự mệt mỏi và có thể là… lú lẫn.

Khi mọi nỗ lực dùng thuốc bị thất bại thì vấn đề phẫu thuật sẽ được đặt ra để giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường mà không bị quấy nhiễu bởi những cơn trào ngược.

Luôn giữ tinh thần sảng khoái, chú ý chế độ ăn và giờ giấc ăn uống, tránh để dạ dày rỗng quá lâu. Thay đổi lối sống, tăng cường rèn luyện thân thể chống bị thừa cân, béo phì, tránh nghiện thuốc lá. Không mặc đồ quá chật, vì gây sức ép lên bụng tạo áp lực làm cho cơ vòng bên dưới thực quản mở toang…

Đồng thời tránh các thức ăn đồ uống quá “cay”, vì có khả năng gây ợ nóng. Đặc biệt, tránh tất cả các loại đồ ăn, thức uống mà người ăn uống biết chắc rằng sẽ ợ nóng sau mỗi lần sử dụng. Sau ăn không nên đi nằm liền hoặc đi ngủ ngay, thời gian lý tưởng là 3 giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa do chiến dịch tấn công của IDF.

IDF chiến thắng Hamas mà không cần Mỹ?

GD&TĐ - Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 16/5, Thủ tướng Netanyahu nói, quân đội Israel (IDF) có thể đánh bại Hamas tại Gaza mà không cần sự hỗ trợ từ Mỹ.