Trao kỹ năng sinh tồn trong tình huống xấu

GD&TĐ - Thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, tham gia giao thông an toàn, không đi theo người lạ, phòng chống đuối nước...

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”. Ảnh: NTCC

Đó là tiết học kỹ năng sinh tồn được nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM tổ chức. Những bài học đặc biệt không có trong sách giáo khoa đã rèn luyện, nâng cao ý thức bảo vệ an toàn, chủ động phòng chống sự cố, tình huống bất ngờ cho học sinh.

Luyện kỹ năng thoát hiểm

Cuối tháng 9 vừa qua, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TPHCM) tổ chức chương trình huấn luyện và trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”.

Theo đó, hơn 2 nghìn học sinh trải qua 6 đợt huấn luyện, trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm trong tình huống hỏa hoạn, cháy nổ… Buổi trải nghiệm không chỉ giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng cơ bản để xử lý và thoát nạn khi cháy, nổ, mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác này, tạo ra sân chơi vui vẻ, bổ ích, thân thiện cho các em.

Sau khi tham gia khóa trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm đám cháy, em Anh Khôi - lớp 10A9, Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ, chỉ là tình huống giả định nhưng em và các bạn có cảm giác sợ. Căn phòng tối om, khói mù mịt, thỉnh thoảng có đám cháy giả.

“Được trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm, em biết khi có cháy xảy ra phải làm gì. Rơi vào tình huống đó, nếu bản thân không có kỹ năng chắc chắn sẽ hoảng loạn. Ngoài ra, chúng em học được kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, thoát khỏi đám cháy, thoát hiểm ở nhà cao tầng... Đây là khóa học bổ ích với em và các bạn”, Anh Khôi chia sẻ.

Tương tự, Minh Ngọc - lớp 10A2 cho biết: “Kỹ năng thoát hiểm cần thiết đối với chúng em. Môi trường khi có cháy rất tối, khói bay mù mịt, không thấy đường đi, lúc đó kỹ năng thoát hiểm giúp em bình tĩnh ứng phó, thoát ra ngoài an toàn. Em hào hứng xen lẫn hồi hộp khi thực hành kỹ năng thoát hiểm theo mô hình Fireblast (mô hình huấn luyện đa năng). Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn chúng em kỹ năng né đám cháy. Được trang bị các kỹ năng giúp em biết cách ứng phó tình huống nguy hiểm, bất ngờ”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phòng cháy chữa cháy là kỹ năng sinh tồn cần thiết mà trường học phải trang bị cho học sinh. Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, nội dung này trở thành hoạt động giáo dục thường niên để trò thuần thục kỹ năng. Nhờ đó, nếu có tình huống bất trắc xảy ra, học sinh sẽ bình tĩnh ứng phó, không hoang mang”.

Giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12) hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm đúng cách. Ảnh: Minh Anh

Giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12) hướng dẫn học sinh đội mũ bảo hiểm đúng cách. Ảnh: Minh Anh

Đảm bảo an toàn

Đối với cấp tiểu học, ngoài trang bị cho học sinh cách thoát nạn khi xảy ra cháy nổ hay đuối nước, các trường cũng đẩy mạnh giáo dục kỹ năng an toàn, phòng chống xâm hại, không đi theo hoặc nhận quà người lạ… Tại Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), ngoài tổ chức chuyên đề và hoạt động trải nghiệm trong tiết chào cờ đầu tuần, học sinh được học kỹ năng sống. Nội dung tiết học rất phong phú: Tự sơ cứu vết thương khi ở nhà, an toàn khi gặp hỏa hoạn, đi thang cuốn…

Theo cô Nguyễn Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, nội dung phòng chống xâm hại, kỹ năng ứng phó tình huống gặp người lạ, thoát hiểm an toàn… được trường thường xuyên tổ chức trong các buổi sinh hoạt đầu tuần. Trường mời chuyên gia, phối hợp đơn vị công an để tuyên truyền, hướng dẫn. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở trẻ trong buổi sinh hoạt, đồng thời phối hợp phụ huynh cùng giáo dục.

Chị Đặng Thị Dưng (TP Thủ Đức, TPHCM), có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Sau hơn 1 năm theo học tại trường, cháu được trang bị nhiều kỹ năng và thay đổi tích cực.

Có hôm, tôi đang nấu bữa tối, con nhắc “mẹ phải nhớ tắt bếp khi nấu xong”, hay gia đình đi chơi, việc đầu tiên là cháu tìm mũ bảo hiểm. Trường học trang bị kỹ năng sống rất cần thiết bởi dù còn nhỏ nhưng có kiến thức cơ bản sẽ giúp các con nhận thức được nguy hiểm có thể xảy ra, từ đó tăng cường kỹ năng bảo vệ bản thân trước tình huống xấu”.

Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường học tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, học sinh và nhân viên cách thoát nạn khi xảy ra cháy nổ; phối hợp công an địa phương phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy; cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn; biện pháp, giải pháp, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn trong mọi tình huống.

Riêng việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, TP phấn đấu đưa phổ cập bơi vào trường học. Hiện, bơi trở thành môn học bổ trợ được nhiều trường tiểu học, trung học đưa vào giảng dạy.

“Trang bị cho học sinh kỹ năng, kiến thức phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết trong bối cảnh cháy nổ trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng diễn biến phức tạp”, Đại úy Đỗ Ngọc Đức - Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TPHCM) nhấn mạnh.

Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ: “Thông qua hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”, nhà trường mong muốn, đồng thời trở thành “cánh tay nối dài” của chiến sĩ phòng cháy chữa cháy trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, kỹ năng ứng cứu khi hỏa hoạn xảy ra”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.