Nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ hỏa hoạn cũng như hậu quả do hỏa hoạn để lại, việc tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy đóng vai trò quan trọng, nhất là với nhà trường.
Yên nghỉ nhé, bạn yêu
Những tiết học ngày 13 và 14/9 của cô trò Trường THCS Khương Đình tràn ngập trong không khí đau buồn. Một số lớp vắng do nhiều em phải nằm viện, có em trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.
Trong ngày 14/9, nhiều học sinh của lớp 9A6, Trường THCS Khương Đình đã thắp hương tiễn đưa người bạn Trần Lê Anh. Những cánh hạc giấy do các bạn lớp 9A6 được gửi đến Lê Anh với lời cầu nguyện “Hãy yên nghỉ nhé, bạn yêu”. Lê Anh và gia đình gồm 7 người đã ra đi trong vụ cháy đêm 12/9.
Nhóm bạn cùng lớp Lê Anh kể, gia đình nữ sinh không ở đây. Vì ông bà đau ốm nên cả nhà em chuyển tới chung cư mini sinh sống để thuận tiện chăm sóc. “Khi cô giáo thông báo 7 người trong nhà bạn đều mất, chúng em bàng hoàng, không thể tin đó là sự thật”, một học sinh chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Bích Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình - cho biết: Trong số 13 học sinh tử vong tại vụ cháy có 6 học sinh của nhà trường, bao gồm: 3 em lớp 6, 2 em lớp 7 và 1 em lớp 9. Đại diện Trường THCS Khương Đình đã tổ chức động viên, thăm hỏi và đến viếng những gia đình học sinh gặp nạn; đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng.
Cùng với đó, em Lê Tâm Như, học sinh lớp 8A7 dù được cứu sống nhưng cả bố, mẹ và em trai đã mất trong bệnh viện. Cuộc sống trong những ngày sắp tới của Như chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường đã phân công cô giáo chủ nhiệm và một số thầy cô khác theo dõi sát sao để sẵn sàng hỗ trợ em trong học tập cũng như cuộc sống.
Còn cô Nguyễn Thị Vân Anh - giáo viên lớp 3A1 Trường Tiểu học Khương Đình - cho biết: Trong vụ cháy vừa qua, lớp cô có 1 học sinh không qua khỏi. Bố mẹ em cũng qua đời. Hiện, chỉ còn chị của em may mắn sống sót nhưng chưa rõ tình hình sức khỏe thế nào. Các bậc phụ huynh Trường Tiểu học Khương Hạ đang vận động ủng hộ, giúp đỡ cháu.
Trường Tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ có một học sinh lớp 3 không qua khỏi trong vụ cháy là em Lê Vũ Điền. Theo cô Đào Thanh Tú, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, ngay khi hay tin, cán bộ giáo viên nhà trường cắt cử nhau túc trực chia buồn, động viên gia đình cháu và dự tang lễ em tại quê nhà ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Cô Tú cho biết thêm, gia đình Điền có 4 thành viên sinh sống tại chung cư mini - nơi xảy ra vụ cháy thì 3 thành viên đã tử vong. Mong muốn phần nào chia sẻ với mất mát quá lớn của gia đình học sinh, công đoàn nhà trường đã tổ chức phát động và số tiền nhận được từ giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các đoàn thể là hơn 147 triệu đồng. Số tiền này đã được trao đến gia đình em.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thăm các cô giáo là nạn nhân của vụ cháy. |
Cùng cô, trò vượt khó
Trong số các nạn nhân của vụ cháy có cô Trần Thị Thanh Hương - giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX quận Thanh Xuân. Cô Hương phải phẫu thuật cột sống, mới hồi tỉnh và sức khỏe dần ổn định. Tuy nhiên, con cô là em Dương Thùy Linh - học sinh lớp 4A1 Trường Tiểu học Khương Đình đã mãi ra đi.
Nhà cô Hương có 5 người sống ở chung cư mini này. Đêm 12/9, khi phát hiện có cháy, chồng cô chạy vội ra hành lang kiểm tra tình hình nhưng đã quá muộn. Lúc ấy, khí độc bắt đầu bốc mạnh lên các tầng. Chồng cô hô lớn, nói vợ và các con chạy trước.
Khi đó, cô con gái lớp 4 và con trai lớp 3 của cô cùng chạy ngược lên trên, nhưng do tình hình hỗn loạn nên hai cháu lạc mất nhau. Con trai cô chạy lên đến tầng 6, được người dân kéo vào phòng tránh khói độc, chờ đội cứu hộ cứu hộ và may mắn được giải cứu thành công lúc 2 giờ sáng. Còn con gái thì thất lạc và sau đó tử vong.
Cùng nằm điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn với cô Hương là cô Đỗ Thị Hải Yến - Trường THPT FPT. Các thành viên trong gia đình cô may mắn bị thương nhẹ.
Trưa 14/9, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cùng đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đến bệnh viện thăm hỏi, động viên các giáo viên, học sinh đang điều trị. Cùng thời điểm, đại diện ban giám hiệu, công đoàn một số trường học trên địa bàn thành phố cũng đến gia đình chia buồn với các nạn nhân là học sinh tử vong và thăm hỏi, động viên các nạn nhân là học sinh đang điều trị tại bệnh viện.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Vụ cháy xảy ra tại Khương Hạ, Thanh Xuân gây nhiều mất mát cho xã hội nói chung và ngành GD-ĐT Hà Nội nói riêng. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại có 2 giáo viên và 29 học sinh các trường mầm non, phổ thông tại Hà Nội bị ảnh hưởng bởi vụ cháy; trong đó có 13 em không qua khỏi, số còn lại bị thương và ảnh hưởng, sang chấn nặng nề tâm lý.
Với những trường hợp học sinh tử vong, Sở GD&ĐT Hà Nội giao Công đoàn ngành và chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, các đơn vị có liên quan thăm hỏi, lo hậu sự cùng gia đình. Với trường hợp đang điều trị tại bệnh viện và cô giáo bị thương, sở và các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, sở yêu cầu các nhà trường phân công giáo viên quan tâm, hỗ trợ tâm lý học sinh là nạn nhân của vụ cháy.
Cán bộ Công an quận Bắc Từ Liêm thường xuyên tập huấn cho giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn về công tác PCCC. |
Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn
Chia sẻ với những mất mát của gia đình các nạn nhân, ông Nguyễn Danh Cường - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì cho biết, công tác tuyên truyền về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương và nhà trường.
Nhà trường đã và đang phối hợp với Công an huyện Ba Vì tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ cho học sinh và giáo viên. Tăng cường công tác kiểm tra về an toàn PCCC và khắc phục các thiếu sót. Đồng thời, cơ sở GD tổ chức diễn tập phương án chữa cháy theo quy định.
“Chúng tôi gửi đường link cho các trường. Thầy, cô giáo chủ nhiệm sẽ gửi vào nhóm Zalo của các lớp để tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh về công tác PCCC. Bằng hình ảnh trực quan, mỗi em sẽ hình dung được các cách để ứng phó kịp thời khi xảy ra hỏa hoạn”, bà Chử Thị Thúy nói.
Tại huyện Đông Anh, theo chia sẻ của bà Chử Thị Thúy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT, địa phương kết hợp nhiều hình thức để tuyên truyền PCCC trong nhà trường cũng như ở khu dân cư. Theo đó, ngành Giáo dục huyện Đông Anh quán triệt tới các nhà trường và đơn vị trực thuộc để tuyên truyền hướng dẫn công tác PCCC do Công an thành phố xây dựng.
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, đại diện Ban Chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Hoài Đức, cho rằng, mỗi gia đình và người dân cần trang bị cho mình kiến thức về phòng cháy, cũng như bố trí lối thoát nạn thứ hai ở nhà để ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn.
Trong thời gian qua, các cán bộ chiến sĩ thuộc Công an huyện Hoài Đức đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn về PCCC tại nhà trường. Cả giáo viên, học sinh cùng nắm bắt được những kỹ năng cần thiết nếu xảy ra cháy.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm - nhấn mạnh, sự cố cháy nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Do đó, người dân và học sinh cần có các kỹ năng cơ bản để không còn nỗi đau do hỏa hoạn.
Theo đó, nếu thấy có khói trong nhà, chúng ta hãy giữ cơ thể mình ở vị trí gần sàn khi tìm đường thoát hiểm. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Chúng ta sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể ở sát nền nhà.
Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài là lựa chọn đầu tiên, nhưng bạn cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là thoát ra được không. Thậm chí cửa sổ trên tầng cao cũng có ích khi bạn cần giúp đỡ, từ lính cứu hỏa, hay người khác.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến cũng khuyến cáo, khi có cháy, người dân tuyệt đối không sử dụng thang máy; không nhảy từ tầng cao trừ khi có sự hướng dẫn của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Nếu đang trong phòng và muốn thoát ra ngoài, người dân phải kiểm tra nhiệt độ bằng cách đặt mu bàn tay lên cánh cửa hoặc tay nắm cửa. Nếu thấy ấm hoặc nóng, tuyệt đối không mở cửa và tìm lối thoát hiểm khác. Khi di chuyển cần lấy khăn vải ướt che vào mũi, miệng để không hít phải khói độc.
Để thoát nạn an toàn trong đám cháy, người dân phải thật bình tĩnh, trang bị các kiến thức về thoát nạn. Tại khu vực sinh sống và làm việc phải thường xuyên kiểm tra các điều kiện thoát nạn khi có cháy...
Theo ông Tạ Văn Khiêm - Trưởng phòng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT Nam Định), công tác tuyên truyền về an toàn PCCC trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vào năm học. Mỗi đơn vị phải có kế hoạch phối hợp tuyên truyền PCCC cho học sinh, giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế. Mục tiêu nhằm trang bị cho giáo viên, học sinh những kỹ năng cơ bản về PCCC cho bản thân.