Tìm cơ hội cho trẻ rối loạn phát triển

GD&TĐ - Giáo dục hòa nhập cho trẻ bằng sự yêu thương, không nên quát mắng, ép buộc trẻ. Mọi trẻ đều có khả năng và thiên phú riêng, đặc biệt là trẻ rối loạn phát triển. Giáo viên mầm non và phụ huynh cần ở bên cạnh trẻ, động viên và khích lệ trẻ, làm những điều trẻ thích.

Trẻ mầm non luôn cần sự yêu thương của cha mẹ, cô giáo
Trẻ mầm non luôn cần sự yêu thương của cha mẹ, cô giáo

Nhận thức còn hạn chế

Khảo sát thực trạng tại 2 trường mầm non trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội, với 40 giáo viên mầm non và 40 phụ huynh có con học mầm non, nhóm nghiên cứu của thầy Nguyễn Nam Phương, TrầnThị Thanh Mai, Lê Thị Bảo Yến, khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Khi được hỏi “Thế nào là rối loạn phát triển?”, có 42,5% giáo viên mầm non lựa chọn đúng “rối loạn phát triển là một nhóm các khuyết tật xuất hiện trong quá trình phát triển của trẻ”.

Còn lại 57,5% giáo viên đưa ra lựa chọn chưa chính xác về rối loạn phát triển. Con số này cho thấy, vẫn còn không ít giáo viên mầm non, đội ngũ góp phần quan trọng đối với công tác hỗ trợ hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển tại trường mầm non, chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về trẻ rối loạn phát triển.

Giáo dục hòa nhập tại trường mầm non là con đường hiệu quả và đảm bảo cho sự phát triển của trẻ rối loạn phát triển. Được giáo dục hòa nhập tại trường mầm non, trẻ rối loạn phát triển sẽ tiến bộ nhanh hơn và có nhiều bạn bè, giao tiếp tốt với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi giáo viên phải có tâm với nghề, có nhận thức, chuyên môn tốt và hết lòng với trẻ.

 

Giáo viên có thể hiểu biết về các rối loạn phát triển, trong đó rối loạn phát triển trí tuệ được biết ít nhất so với các rối loạn khác với tỉ lệ 61,2% và chỉ có 2% giáo viên được khảo sát biết rõ về rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn được biết đến nhiều nhất là rối loạn vận động với 16,4% số giáo viên mầm non được hỏi. Vì phân loại này tương đối đặc trưng với các dấu hiệu dễ nhận thấy hoặc quan sát được.

Trong khi đó, phụ huynh có hiểu biết ít hoặc rất ít về các rối loạn phát triển, trong đó rối loạn phổ tự kỷ được biết ít nhất so với các rối loạn khác (với 62,9% số phụ huynh được hỏi), cao gấp đôi các rối loạn khác. Chỉ có 1,1% phụ huynh hiểu về rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn vận động được biết nhiều nhất so với các rối loạn khác (với tỉ lệ 7,9%). Được hiểu biết tương đương là rối loạn trí tuệ với tỉ lệ 29,2%. Như vậy, mức độ hiểu biết về các rối loạn phát triển ở phụ huynh là không cao. Phụ huynh khó nhận biết rối loạn phát triển tự kỷ, khuyết tật học tập ở trẻ vì phụ huynh không trực tiếp dạy trẻ học. Còn đối với các rối loạn vận động, phụ huynh dễ dàng nhận thấy được.

Đồng hành cùng giáo viên để theo dõi sự phát triển của con trẻ
 Đồng hành cùng giáo viên để theo dõi sự phát triển của con trẻ

Giáo dục hòa nhập bằng tình yêu thương

Khảo sát thực tế tại Trường Mầm non Nhân Chính, Hà Nội, nhóm nghiên cứu tiến hành quan sát, dự giờ và mô tả hành vi ứng xử của 2 trẻ trong tình huống giao tiếp cụ thể của lớp học. Hai trẻ được quan sát đều học hòa nhập tại lớp M, với sĩ số 52 trẻ dưới sự hướng dẫn của 3 giáo viên. Trường hợp thứ nhất là Tít, bé trai 31 tháng tuổi, nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội. Trước khi tham gia học hòa nhập tại trường mầm non, con đã được gia đình cho đi đánh giá về rối loạn phát triển. Con được chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ. Tít may mắn hơn các bạn khác khi nhận được sự quan tâm của gia đình. Gia đình đã cho con tham gia lớp học chuyên biệt trước khi con đến trường mầm non học hòa nhập.

Qua quan sát trong giờ học, giờ chơi, chúng tôi thấy, Tít khá nhút nhát, dễ buồn chán. Em thích chơi một mình và ở một góc riêng. Tít không thích bắt chuyện hay duy trì cuộc nói chuyện với người khác. Trong giờ ăn, Tít thích giúp cô chia cơm cho các bạn nhưng lại không cùng các bạn kê bàn. Trong giờ hoạt động ngoài trời, Tít chủ yếu hoạt dộng cùng GV và ít giao tiếp với bạn.

Trường hợp thứ 2 là bé Bi, 40 tháng tuổi, bé có vẻ ngoài khá to so với các bạn cùng lớp. Trước khi tham gia lớp học mầm non, Bi chưa được chẩn đoán bệnh. Theo chia sẻ của GV, những ngày đầu đến lớp, Bi hay đánh bạn, không chịu vào lớp, không chia sẻ đồ chơi với bạn. Bi không chào cô khi vào lớp. Trong giờ ngủ, Bi hay đi quanh lớp, không chịu ngủ. Sau một thời gian tham gia học tập tại trường mầm non, Bi đã có thể sinh hoạt cùng lớp.

Thông qua nghiên cứu 2 trường hợp, nhóm nghiên cứu nhận ra, trong quá trình giáo dục hòa nhập trẻ rối loạn phát triển, GV mầm non và phụ huynh cần có nhận thức đúng về rối loạn phát triển, các phân loại cơ bản cũng như dấu hiệu đặc trưng của nó. Có rất nhiều rối loạn phát triển, không thể ép trẻ vào một dạng rối loạn và sử dụng tất cả các phương pháp giống nhau.

Theo thầy Nguyễn Nam Phương, đối với GV và cán bộ quản lý trường mầm non, cần nâng cao chất lượng đội ngũ GV, thêm phần kiến thức về rối loạn phát triển và giáo dục hòa nhập vào chương trình đào tạo của bậc học mầm non. Xây dụng các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho GV mầm non nâng cao nhận thức về trẻ rối loạn phát triển và các phương pháp giáo dục hòa nhập. Thực hiện tư vấn cho phụ huynh về việc cho con gặp chuyên gia có trình độ để được đánh giá, chẩn đoán về mức độ phát triển, từ đó cùng nhau xây dựng kế hoạch và phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ.

Đối với phụ huynh, cần trang bị kiến thức đúng đắn, đầy đủ về đặc điểm phát triển tâm, sinh lý của trẻ lứa tuổi mầm non. Phụ huynh cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực và hiệu quả nhất với kế hoạch giáo dục và hỗ trợ hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển của giáo viên mầm non. Theo dõi phần ghi nhật ký đánh giá, phát triển của trẻ, của GV mầm non thực hiện, để phụ huynh có sự theo dõi sát sao tới các dấu mốc phát triển của con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ