Tìm giải pháp giúp trẻ rối loạn phát triển hòa nhập

GD&TĐ - Trong hai ngày 30 - 31/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về “Giáo dục Trẻ rối loạn phát triển” (RLPT) do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (ngồi giữa) cùng chủ trì cuộc hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (ngồi giữa) cùng chủ trì cuộc hội thảo.

Tới dự Hội thảo có đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục chuyên biệt từ nhiều quốc gia trên thế giới. Dự Hội thảo, về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT cùng đông đảo giáo viên đến từ các trường mầm non, tiểu học, CĐ, ĐH đang nghiên cứu và giảng dạy học sinh chuyên biệt.

Hội thảo đã đưa ra công bố các kết quả nghiên cứu về phương pháp, mô hình đánh giá, can thiệp, hỗ trợ trẻ RLPT hiện có và xu hướng phát triển trên thế giới và Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích tập trung vào 3 đối tượng: Khuyết tật trí tuệ (Intellectual Disability), Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorders) và Rối loạn học tập đặc thù (Specific Learning Disorders or Learning Disabilities).

Ngoài ra, Hội thảo còn tập trung vào các chủ đề như: Ứng dụng Trị liệu hoạt động và Tâm vận động trong đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ RLPT;

Đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường phù hợp cho trẻ khuyết tật trí tuệ; Phát hiện, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ RLPT.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hiện nay số trẻ bị RLPT tại Việt Nam khá cao, gần 1,3 triệu trẻ em khuyết tật. Trong đó trẻ rối loạn phổ tự kỷ chiếm số lượng lớn.

Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực triển khai các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ RLPT được tiếp cận giáo dục.

Hiện nay, hệ thống giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều loại hình giáo dục trẻ khuyết tật, hệ thống trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập, các trường giáo dục cho trẻ khuyết tật từ mầm non đến các trường nghề... tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập và phát triển.

“Bộ GD&ĐT đang phát hành 2 văn bản quan trọng như kế hoạch giáo dục trẻ khuyết tật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đang hoàn thiện các văn bản liên quan đến giáo dục người khuyết tật để phù hợp với các văn bản hiện hành để đảm bảo quyền của người khuyết tật” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ