Thái độ đối với nghề: Yếu tố quyết định chất lượng nhà giáo

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp Học viện Quản lý GD, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả GD hiện nay. Muốn vậy phải có những giải pháp quan tâm đến phát triển phẩm chất của đội ngũ nhà giáo mà một trong số đó là thái độ đối với nghề.

Thái độ đối với nghề của nhà giáo là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động nghề. Ảnh: Sỹ Điền
Thái độ đối với nghề của nhà giáo là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động nghề. Ảnh: Sỹ Điền

Thái độ tỷ lệ thuận với thành công

Theo PGS Trần Thị Minh Hằng, thái độ đối với nghề của nhà giáo không chỉ là sự sẵn sàng đối với hành động mà còn là hướng đến các hoạt động nghề nghiệp. Vì vậy thái độ đối với nghề là nói đến sự sẵn sàng cho cả 2 yếu tố này. Thái độ còn được thể hiện thông qua các dấu hiệu đặc trưng như: Sự sẵn sàng hướng tới hay sẵn sàng hành động và chiều hướng cá nhân trong việc sẵn sàng đó. Chiều hướng thể hiện sự lựa chọn của người lao động. Nó mang tính chủ thể.

Thái độ với nghề có tính bền vững tương đối, có thể hiện thay đổi khi có những tác động tích cực. Trong tâm lý học, thái độ với nghề đóng vai trò hàng đầu trong việc ra quyết định. Nhờ có trạng thái tâm lý sẵn sàng với nghề mà nhà giáo đưa ra quyết định nhanh chóng. Thái độ đối với nghề được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của nhà giáo và ở các mức độ khác nhau.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

“Như vậy trong những tình huống, những hoàn cảnh cụ thể, thái độ với nghề của nhà giáo tồn tại như một trạng thái tâm lý chủ quan, chi phối và quyết định phản ứng của cá nhân với các đối tượng và được biểu hiện ở nhận thức, xúc cảm và hành động của cá nhân” - PGS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.

Cũng theo PGS Trần Thị Minh Hằng, thái độ đối với nghề có thể được hình thành từ gia đình, từ hoạt động học tập, từ những người xung quanh, hoặc từ chính hoạt động nghề nghiệp của bản thân. Trong quá trình hoạt động sẽ giúp cá nhân định hình rõ hơn và ngày càng có thái độ tích cực đối với nghề hoặc ngược lại. Khi có thái độ tích cực đối với nghề dạy học thì nhà giáo ngày càng yêu thương trẻ, nỗ lực gắn bó với nghề và tích cực nâng cao trình độ tri thức và kinh nghiệm trong hoạt động của mình. Ngược lại, khi có thái độ tiêu cực thì nhà giáo có biểu hiện chán nghề, hay trút những cáu gắt bực dọc lên người học và không nỗ lực cố gắng để phát triển chuyên môn của bản thân.

Thái độ đối với nghề biểu hiện qua 4 lĩnh vực cơ bản

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng. Ảnh: Sỹ Điền

Qua nghiên cứu thực tế, PGS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, thái độ đối với nghề của nhà giáo được biểu hiện thông qua 4 lĩnh vực cơ bản: Thứ nhất, thái độ đối với người học. Điều này được thể hiện những phản ứng nhận thức; cảm xúc và hành vi hướng đến đối tượng là người học. Người học ở đây được thể hiện là những đặc điểm về cá tính, hoàn cảnh, giao tiếp, ứng xử, công bằng và tôn trọng nhân cách người học, điều đó được thể hiện cụ thể như thương yêu trẻ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người học; kiềm chế cảm xúc trước người học…

Thứ hai, thái độ đối với giá trị nghề. Đó là những giá trị đặc trưng trong nghề, có khả năng thỏa mãn nhu cầu liên quan đến công việc chuyên môn của người lao động, chi phối việc lựa chọn mục đích, phương thức, phương tiện để tiến hành hoạt động chuyên môn. Thái độ với giá trị nghề của nhà giáo là thái độ hướng tới các giá trị nghề. Có thái độ tích cực đối với giá trị nghề là một trong những yếu tố giúp nhà giáo vượt qua những khó khăn, những áp lực của nghề để hoàn thành tốt các công việc.

“Có thể nói, thái độ đối với nghề của nhà giáo là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động nghề và làm nên chất lượng nhà giáo. Thái độ đối với nghề biểu hiện bằng xúc cảm nghề và trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nghề. Nhà giáo và những nhà quản lý cần nắm vững những đặc điểm và biểu hiện thái độ đối với nghề để có biện pháp nâng cao chất lượng nhà giáo hiện nay”. PGS Trần Thị Minh Hằng

Thứ ba, thái độ đối với các công việc của nghề nhà giáo. Nhà giáo trong nghề phải đảm nhiệm được 2 hoạt động chính đó là dạy học và GD trẻ. Hai hoạt động này đòi hỏi nhà giáo phải có năng lực chuyên môn và năng lực nghề để có thể thực hiện tốt các mục tiêu và yêu cầu định ra trong công việc của nghề. Có thái độ đối với hoạt động dạy học sẽ có tri thức và kinh nghiệm sâu sắc tạo nên những giờ học hấp dẫn lôi cuốn người học. Có thái độ đối với hoạt động GD sẽ có khả năng cảm hóa, lôi kéo người học đi theo đúng con đường mà GD đã đề ra.

Thứ tư, thái độ đối với việc học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ tri thức, kỹ năng kỹ xảo. Đây chính là biểu hiện thái độ đối với sự phát triển nghề của nhà giáo. Với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD hiện nay, những yêu cầu mới, những nội dung kiến thức mới đòi hỏi nhà giáo phải không ngừng học tập vươn lên, không tụt hậu.

Cho rằng, thái độ là mặt nhân lõi, là thành phần cơ bản chỉ đạo mọi hoạt động của con người, PGS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh: Đối với nhà giáo - một nghề có tính đặc thù là làm việc với con người thì thái độ của nhà giáo rất quan trọng, nó sẽ giúp cho nhà giáo thành công hay thất bại với nghề của mình.

“Trong thực tế nhiều nghiên cứu rất quan tâm đến chuẩn nghề nghiệp với những tiêu chí cụ thể làm thước đo công việc của nhà giáo, nhưng còn thái độ nghề thì rất ít công trình nghiên cứu và người ta mặc nhiên cho rằng, đã tham gia vào nghề thì phải có thái độ nghề tích cực. Đây là cách hiểu chưa chính xác. Các vấn đề nảy sinh đối với trẻ trong công việc là minh chứng nhà giáo chưa có thái độ đối với nghề tích cực. Thái độ đối với nghề phải được hình thành và củng cố trong quá trình thực hiện nghề với các mặt biểu hiện như tôi đã nói ở trên” - PGS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.