Tạo động lực phấn đấu từ lời phê

Tạo động lực phấn đấu từ lời phê

Phê sơ sài, đơn giản

Thông thường, các em sẽ được đánh giá qua hai mặt hạnh kiểm và học lực. Quan sát đồng nghiệp trong nhiều năm, tôi thấy khá nhiều nhận xét nội dung đơn giản kiểu như: Ngoan, học giỏi. Đôi lúc là chưa ngoan, học yếu… Phụ huynh không thể biết rõ con em chưa ngoan điểm nào, cách thức khắc phục ra sao. Những môn học chưa đạt, phụ huynh nhìn vào bảng điểm là thấy ngay nhưng cụ thể yếu kỹ năng thực hành hay cần nắm chắc lý thuyết, lời phê của thầy cô chưa thể hiện. Học sinh giỏi môn nào, năng khiếu thể hiện ra sao… cũng không được nhắc đến.

Một điều quan trọng là ít thấy có lời phê đánh giá cao năng lực của học sinh cũng như sự ghi nhận cố gắng của các em về nhiều mặt. Sự khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên vì thế bị hạn chế phần nào. Đặc biệt, những lời khen định hướng nhân cách học sinh trong tương lai rất ít thấy.

Có lẽ, thầy cô nghĩ rằng, phụ huynh không quan tâm nhiều đến nội dung lời phê mà chỉ nhìn vào thứ hạng của con em chăng? Hay thầy cô muốn hoàn thành việc phê học sinh cho đúng quy định nên không dành một quỹ thời gian cho từng em?

Nặng nề, thiếu tế nhị

Tôi biết một đồng nghiệp suốt hàng chục năm trời hay dùng câu "Cần tu dưỡng đạo đức tác phong" trong đánh giá, nhận xét học sinh lớp chủ nhiệm. Nhân lúc đồng nghiệp vui vẻ, tôi bày tỏ thắc mắc vì lời nhận xét đó và mong được giải thích. Đồng nghiệp làm tôi sững sờ. Hóa ra, học sinh hay nói chuyện, không tập trung nghe lời giảng của thầy cô, nô đùa trong lớp… là đủ để nhận lấy lời phê nặng nề kia. Tuyệt đối học sinh chưa có vi phạm gì lớn như đánh nhau, trộm cắp… chẳng hạn. Tôi hiểu đạo đức, tác phong là vấn đề rất lớn đối với nhân cách con người. Các em tuổi còn nhỏ, hiếu động, chưa có kỹ năng tập trung cao trong tiết học, chưa kể tiết học của người thầy đã thật sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh chưa? Thế mà không biết bao nhiêu em đã nhận lấy lời phê như thế thật oan uổng.

Rồi lại có cô chủ nhiệm ghi một câu nhận xét cho một học sinh nữ không liên quan gì đến việc học hành trong suốt một năm: Em thật là nết na, đoan trang, thùy mị! Một vài thầy cô xem xong nói vui rằng: Cô chọn con dâu chăng? Chưa hết, gần đây một thầy giáo trẻ ở TPHCM đã nhận xét về một học sinh nữ là vừa xinh đẹp vừa giỏi ngoan! Thật lòng mà nói có lẽ các em học sinh thích thú về lời phê ấy nhưng tôi nghĩ phê giỏi ngoan thì tốt, tuy còn chung chung nhưng phê xinh đẹp thì có phần vượt qua ranh giới mẫu mực của một nhà giáo. Nếu học sinh nữ khác cũng giỏi, cũng ngoan nhưng ngoại hình có khiếm khuyết, thầy sẽ phê như thế nào. Rồi nếu em đó đọc được lời khen của thầy với bạn, em sẽ nghĩ gì? Nhiều phụ huynh cũng đồng tình với tôi là lời phê cần thân thiện nhưng đừng giống như kiểu các game show trên truyền hình: Giám khảo khen thí sinh thi hát rằng: Em đẹp lắm! Người xem tưởng thí sinh đang thi sắc đẹp!

Cần những lời phê có ý nghĩa

Mới đây, một đồng nghiệp gửi cho tôi xem lời nhận xét của một cô giáo chủ nhiệm lớp 8 đối với học sinh cũng ở TPHCM. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và cảm phục cô giáo hết mức. Nội dung đầy đủ hai mặt hạnh kiểm và học lực. Nhưng điều quan trọng là cô giáo đã khắc sâu vào tâm hồn học sinh qua lời nhận xét: Tâm lành, sống lương thiện. Thật không có lời phê nào hướng học sinh đến một nhân cách sống hiệu quả đến thế.

Cả cuộc đời đi dạy dù tôi có tự nhủ đã dành nhiều công sức vào việc nhận xét học sinh cuối năm cũng chưa bao giờ nghĩ ra một lời phê như thế. Học sinh đọc dòng chữ này chắc chắn cố gắng học hành, sống như lời cô dạy. Chưa hết, cô giáo còn ghi thêm rằng học sinh có năng khiếu về Anh văn và gửi gắm niềm tin rằng, lên lớp 9 cô mong con phát huy điểm mạnh của mình. Nhưng dòng chữ cuối một lần nữa cho thấy sự động viên lớn lao, niềm hy vọng của cô vào học sinh: Cô tin con làm tốt. Lòng tin của cô lại một lần nữa được khẳng định. Học sinh nào mà có thể làm cô thất vọng. Phụ huynh nào lại không tạo điều kiện cho con em phấn đấu học hành, rèn luyện.

Cẩn trọng khi ghi nhận xét học sinh hàng tháng hay cuối năm học là hết sức cần thiết. Thầy cô cần luôn đặt bản thân vào vị trí phụ huynh học sinh xem có hiểu được gì về những lời phê ấy. Sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình học sinh hay học bạ không phải là nơi để thầy cô kết án các em hay viết những dòng sơ lược, chung chung. Học sinh nào cũng có mặt mạnh cần được phát huy. Mong sao những lời phê của thầy cô mãi là động lực giúp các em tiến bộ lâu dài.

Là giáo viên chủ nhiệm, tôi hay xem lời phê của đồng nghiệp các năm trước để chuẩn bị cách tiếp cận, giáo dục học sinh sao cho hiệu quả. Thế nhưng, những lời phê quá cô đọng hay nặng nề không giúp được nhiều cho tôi. Có trường hợp chưa rõ, tôi hỏi lại, đồng nghiệp quên mất vì sao phê như thế hay có sự áp đặt, làm nặng nề sai sót của học sinh. Những trường hợp như thế dễ dẫn đến việc thầy cô chủ nhiệm mới dễ có thành kiến với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).