Tăng tốc tư vấn, hướng nghiệp: Cơ hội nào cho thí sinh thi đợt 2?

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cho thí sinh thi đợt 2 sẽ như thế nào?

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG

Giải mã băn khoăn

Thuộc diện F2 liên quan đến  Covid-19, đang thực hiện cách ly tại nhà, Nguyễn Văn Chương – học sinh lớp 12A13, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) là một trong 4 thí sinh của trường tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Chương lựa chọn duy nhất phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT nên ít nhiều có áp lực.

Văn Chương đăng ký xét tuyển tổ hợp D01 (Toán – Văn – Tiếng Anh) vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “Trong 3 môn của tổ hợp trên, em học kém nhất môn Tiếng Anh, vì thế việc tham dự thi đợt 2 cũng là cơ hội để em có thêm thời gian ôn tập, củng cố lại kiến thức”, Văn Chương bày tỏ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất cho TP Sa Đéc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Nguyễn Ngọc Diễm Quỳnh – HS lớp 12A1, Trường THPT Sa Đéc bộc bạch: Khi nhận được thông báo thi đợt 2, em có chút băn khoăn, hụt hẫng vì mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày “vượt vũ môn” của đợt 1.

Diễm Quỳnh cho biết: Em đã đủ điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TPHCM và Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM bằng phương thức xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, em vẫn đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp Toán – Lý – Hoá vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Vì thế, em cho rằng, lùi lại thi đợt 2 cũng có mặt tốt: Vừa có thêm thời gian ôn tập củng cố kiến thức, vừa rút được kinh nghiệm từ các bạn thi đợt 1.

ThS Trần Lê Trọng Phúc – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Mở TPHCM cho biết: Với gần 4.500 chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường áp dụng 6 phương thức xét tuyển, trong đó giành khoảng 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Dù tuyển sinh bằng phương thức nào, điều kiện chung nhất vẫn là: Thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Vì thế, việc quan trọng lúc này các em cần có tâm lý thật tốt, tâm thế tự tin sẵn sàng để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Khi đó, các em sẽ có thêm nhiều cơ hội xét tuyển vào các ngành và trường đại học”, ThS Trần Lê Trọng Phúc chia sẻ.

Bộ GD&ĐT đã có ý kiến về việc xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, dù thi đợt 1 hay đợt 2, các em yên tâm, làm bài thật tốt, cơ hội xét tuyển vào đại học của thí sinh giữa hai đợt thi là như nhau. “Trường ĐH Mở TPHCM vẫn còn khoảng 50% chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (không phân biệt thi đợt 1 hay đợt 2). Trong trường hợp khoảng cách thi giữa hai đợt xa nhau, nhà trường sẽ họp hội đồng tuyển sinh để có phương án hợp lý, tinh thần là sẽ quan tâm đến thí sinh thi đợt 2, không để các em bị thiệt thòi về quyền lợi xét tuyển vào trường” - ThS Trần Lê Trọng Phúc trao đổi.

Học sinh Nguyễn Văn Chương miệt mài ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC
Học sinh Nguyễn Văn Chương miệt mài ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Rèn kỹ năng và chiến thuật làm bài

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: Tổng chỉ tiêu tuyển năm học 2021 - 2022 của trường là hơn 7.300 sinh viên, trong đó tối thiểu 50% chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Thí sinh yên tâm vì chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn rộng mở, cơ hội cho thí sinh của cả hai đợt thi như nhau.

Trong trường hợp thi đợt 2 cách xa thi đợt 1, nhà trường sẽ có phương án điều chỉnh hợp lý. Tinh thần là vẫn dành chỉ tiêu cho các em thi đợt 2, bảo đảm quyền lợi xét tuyển”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, đồng thời khuyến cáo: Thay vì băn khoăn lo lắng, thời gian này các em nên nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp học tập theo thời khoá biểu hợp lý. Đặc biệt, sĩ tử cần rèn kỹ năng và chiến thuật làm bài để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, dựa vào đề thi minh họa và đề thi tốt nghiệp THPT 2020, cùng với bối cảnh dạy – học trong điều kiện Covid-19, nhiều khả năng đề thi năm nay sẽ “dễ thở”, điểm thi của thí sinh sẽ cao. Khi đó, điểm chuẩn của một số ngành sẽ được đẩy lên, thậm chí có thể lên đến 27 - 28 điểm, chẳng hạn như ngành Công nghệ thông tin, hoặc Tự động hoá của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Lúc này, thí sinh nào làm bài cẩn thận và có chiến thuật làm bài tốt sẽ là người chiến thắng.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền tư vấn: Với đề thi trắc nghiệm, khoảng 30 - 40 câu đầu tiên, thí sinh chỉ nên làm trong 15 phút. Không chờ đến khi làm xong bài mới tô đáp án. Đặc biệt, làm câu nào phải chắc chắn đúng, tuyệt đối không để nhầm lẫn, sai sót ở những câu này, vì toàn là những kiến thức cơ bản, thông dụng.

Sau đó, các em dành khoảng 15 phút tiếp theo để làm những câu khó hơn. 10 câu hỏi cuối thường là để phân loại thí sinh, nên cần nhiều thời gian nhất để giải quyết. “Nếu các em tô nhầm đáp án hoặc không có chiến thuật làm bài có thể mất đi cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học mà mình mong muốn” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền lưu ý.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Bộ đã dự kiến phương án xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, công bằng đối với thí sinh. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp khiến khoảng cách giữa 2 đợt thi quá xa, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn trong công tác tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi thí sinh, an toàn phòng chống dịch và không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.