Rào cản trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở

GD&TĐ - Nhận diện những rào cản trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam, tại hội thảo “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở” hôm nay (4/10), ThS Chung Ngọc Quế Chi (Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ một số đề xuất thúc đẩy xây dựng và khai thác hiệu quả tài nguyên giáo dục mở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

ThS Chung Ngọc Quế Chi cho rằng: Việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở (OER) ở các trường ĐH chưa phổ biến. Rất ít các trường ĐH triển khai OER trong đơn vị, hầu hết giảng viên cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nguồn học liệu miễn phí, chưa ý thức được việc tạo lập và chia sẻ OER.

Người sử dụng chưa có đầy đủ thông tin, kỹ năng tiếp cận OER, chưa tin tưởng về lợi ích và giá trị mà OER mang lại.

Trở ngại khác là rào cản ngoại ngữ để tiếp cận với OER tiếng nước ngoài, thiếu kiến thức và kỹ năng tìm kiếm và hiểu biết về nguồn thông tin.

Giảng viên ĐH và người học tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được tiếp cận, lĩnh hội các cơ chế chính sách mang tính khuyến khích và hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn một cách hệ thống về OER. Vì thế, việc tham gia khai thác và phát triển OER tại các trường ĐH trong nước chưa dựa trên một cơ sở pháp lý đầy đủ, chưa được quan tâm thỏa đáng và chưa có tính kế hoạch chiến lược rõ ràng.

Tạo lập hệ sinh thái OER cho các ĐH Việt Nam

Kiến nghị một số giải pháp hướng đến xây dựng phát triển OER, theo ThS Chung Ngọc Quế Chi, Chính phủ, các cơ quan bộ ngành có liên quan cần phối hợp xây dựng một chính sách quốc gia về tài nguyên giáo dục mở với kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của đất nước.

Chính phủ cần xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến vấn đề xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở.

Thực hiện chiến dịch quảng bá rộng rãi trong cộng đồng về OER giúp các bên có liên quan hiểu rõ hơn OER. Đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc cung cấp nội dung và phát triển công nghệ cho OER.

Xây dựng mô hình hợp tác phát triển OER phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tạo lập hệ sinh thái OER cho các ĐH Việt Nam. Hệ sinh thái cộng sinh giữa bên cung cấp nội dung, bên cung cấp giải pháp công nghệ và người sử dụng.

Với các trường ĐH, ThS Chung Ngọc Quế Chi cho rằng, cần xây dựng các chiến lược, chính sách của trường cho việc xây dựng và sử dụng OER phù hợp với điều kiện của trường.

Khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào phát triển, tiếp thu và điều chỉnh tài liệu học tập chất lượng cao. Đầu tư cho giảng viên xuất bản bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo, gắn kết với các hình thức khen thưởng phù hợp.

Công nhận vai trò quan trọng của nguồn tài nguyên giáo dục mở trong các quy trình đảm bảo chất lượng nội bộ và định kỳ đánh giá việc thực hiện OER tại trường.

Đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để giảng viên và sinh viên có thể khai thác OER thuận lợi. Xây dựng kho OER trực tuyến của trường.

Khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia OER

Đưa kiến nghị với đối tượng là giảng viên, ThS Chung Ngọc Quế Chi nhắc đến việc xây dựng kỹ năng và thực hiện đánh giá OER. Giảng viên sẽ tìm kiếm các OER và lựa chọn xem cái nào phù hợp cho các khóa học họ đang giảng dạy. Giảng viên cần cung cấp ý kiến phản hồi về các tài liệu được cấp phép mở trong lĩnh vực của mình, tham gia chỉnh sửa và sử dụng lại, cung cấp phản hồi của sinh viên về đánh giá nguồn học liệu này

Đồng thời, xem xét việc công bố OER do mình tạo ra, hợp tác với đồng nghiệp để công bố công khai các tài liệu đang được soạn thảo cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Thu thập và điều chỉnh học liệu mở cho phù hợp với bối cảnh nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu học đa dạng của sinh viên và hỗ trợ các hình thức tiếp cận học tập khác nhau để đạt được mục đích học tập đề ra.

Học tập các kiến thức và công nghệ liên quan đến OER. Xây dựng mạng lưới chuyên môn. Hợp tác các giảng viên/nhà nghiên cứu cùng lĩnh vực để xây dựng các tài liệu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng OER.

Giảng viên cũng khuyến khích sinh viên tham gia OER. Hướng dẫn sinh viên khai thác các học liệu mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến phản hồi của sinh viên.

Với sinh viên, cần chủ động tham gia sử dụng OER, xem OER là nguồn học liệu chính thống sử dụng nguồn học liệu này vào việc nâng cao hiểu biết, làm các bài nghiên cứu cũng như hoàn thành các bài tập trong từng môn học.

Sinh viên cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản liên quan đến việc sử dụng OER. Trong khả năng của mình tham gia đóng góp vào việc xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở thông qua các phản hồi, đóng góp ý kiến khi sử dụng OER.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.