Lớp 1 giả định trong trường mầm non

GD&TĐ - Nhiều trường mầm non tại TPHCM triển khai lớp học giả định giúp trẻ làm quen, chuẩn bị tâm lý để vững vàng bước vào tiểu học.

Trẻ Trường Mầm non Phú Mỹ hào hứng tham gia lớp học giả định tại trường. Ảnh: MA
Trẻ Trường Mầm non Phú Mỹ hào hứng tham gia lớp học giả định tại trường. Ảnh: MA

Chống sốc cho trẻ vào tiểu học

Ngày 7/5, Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7) tổ chức lớp học giả định cho trẻ lớp Lá làm quen lớp 1, với sự tham gia dự giờ của cán bộ quản lý các trường mầm non trên địa bàn và đông đảo phụ huynh.

Lớp học giả định được thiết kế ở hội trường của trường mầm non với bàn ghế chuẩn của học sinh tiểu học. Trong lớp không có các kệ đồ chơi như phòng học của trẻ mầm non. Trẻ được chuẩn bị học cụ như bảng, phấn, bút... Giáo viên yêu cầu trẻ ngồi tập trung trong 15 phút cho mỗi hoạt động làm quen chữ viết hoặc toán.

Trong quá trình diễn ra lớp học giả định, giáo viên chỉnh sửa, rèn cho trẻ tư thế ngồi ngay ngắn, cách lấy học cụ và cất gọn sau khi giờ học kết thúc. Trẻ được làm quen với cách giơ tay phát biểu, trình bày ý kiến trước cả lớp sao cho lễ phép, đầy đủ cả câu; cách làm việc nhóm với bạn.

Theo chia sẻ của cô Phạm Bảo Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, bước sang môi trường tiểu học, trẻ phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo tiến độ cả lớp, chấp hành nội quy, quy định nhà trường, tự phục vụ nhu cầu cá nhân... Những điểm mới này khó khăn đối với trẻ khi bắt đầu học lớp 1. Vì thế việc nhà trường, gia đình chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vô cùng quan trọng, để các em không sốc khi chuyển qua môi trường mới. Lớp học giả định sẽ triển khai cho đến hết năm học.

“Chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 phải đảm bảo nguyên tắc không dạy trước chương trình, tôn trọng khả năng, thiên hướng từng em, đồng thời đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Đó là trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục để phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, được sống trong môi trường học tập an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc, làm tiền đề cho trẻ học tốt ở lớp 1”, cô Hạnh cho hay.

Tương tự, từ tuần này đến hết năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Sơn Ca 14 (quận Phú Nhuận) cũng tổ chức mô hình lớp học giả định cho trẻ 5 - 6 tuổi. Ngoài ra, nhà trường có cách giúp trẻ làm quen với kỷ luật, nội quy, quy tắc… khi vào lớp 1 trong mọi hoạt động giáo dục.

Cô Lê Cẩm Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 14 cho biết, trong các hoạt động, giáo viên rèn cho trẻ tập trung chú ý lắng nghe yêu cầu của cô giáo, thực hiện theo hướng dẫn và biết hoàn thành công việc được giao trước khi làm việc khác. Trẻ tuân theo nội quy trong lớp, nếu đúng sẽ tuyên dương khen thưởng. “Hằng năm, trường còn tổ chức cho trẻ và bố mẹ tham quan thực tế tại Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch trên địa bàn để các em không bỡ ngỡ khi chuyển cấp”, cô Linh cho hay.

Trẻ lớp Lá Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) làm quen với toán. Ảnh: MA

Trẻ lớp Lá Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) làm quen với toán. Ảnh: MA

Tạo tâm thế sẵn sàng

Tháng 4/2024, Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) chỉ đạo các trường mầm non trên toàn TP thực hiện mở lớp tiểu học giả định giúp trẻ 5 tuổi có trải nghiệm thực tế trước khi bước vào cấp học mới.

Mô hình được triển khai theo hai cách: Một là trẻ mầm non trực tiếp đến trường tiểu học, tham quan và học tập cùng anh chị lớp 1; hai là các trường phối hợp tổ chức lớp học giả định tại trường mầm non. Lớp học này không có đồ chơi, các em phải ngồi học ngay ngắn, nền nếp. Một số lớp, cô giáo có thể tặng điểm số hoặc ngôi sao cho trẻ học tốt để các em hiểu một buổi học của lớp 1 diễn ra thế nào.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM), chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 quan trọng nhất là tâm thế. Cần làm sao để trẻ sẵn sàng chấp nhận môi trường mới. Ở mầm non, trẻ có hoạt động chủ đạo là vui chơi. Ở cấp tiểu học, hoạt động chủ đạo là học tập. Việc chuẩn bị tâm thế vào lớp 1 cho trẻ không phải là học toán hay chữ viết, mà cần biết, học thói quen, làm quen với môi trường mới. Việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 phải là sự phối hợp từ các phía: Nhà trường, giáo viên, cha mẹ và trẻ.

Cũng theo bà Điệp, trong chương trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, các trường mầm non tại TPHCM đã triển khai đưa trẻ lớp Lá đến tham quan trường tiểu học. Trong đó, tại một số trường mầm non, trẻ lớp Lá được học tiết học với giáo viên lớp 1.

“Hoạt động này thực sự có ý nghĩa với trẻ mầm non. Nếu được chuẩn bị tâm thế tốt, trẻ sẽ bước vào lớp 1 nhẹ nhàng hơn. Đó là lý do các lớp tiểu học giả định được mở ở trường mầm non”, bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Hiện từ lớp Mầm, lớp Chồi, chương trình giáo dục đã có cầu nối để trẻ vào lớp Lá đạt kết quả mong đợi. Khi trẻ 5 tuổi thực hiện chương trình làm quen chữ viết, học đọc, làm toán, rèn kiến thức và kỹ năng suốt năm lớp Lá. Với những gì trường mầm non cung cấp, trẻ chắc chắn không cần đi luyện chữ để vào lớp 1.

Mới đây, Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) yêu cầu tất cả trường mầm non trên địa bàn không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi. Dạy trẻ trước chương trình lớp 1 không phù hợp đặc điểm phát triển của trẻ dưới 6 tuổi và hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non, ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện. Các trường cần đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Du khách xếp hàng vào thăm quan Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.

Trải nghiệm khó quên ở Bắc Bộ phủ

GD&TĐ - Lần đầu tiên di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ mở cửa đón khách tham quan và đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.