Sáng 10/5, tại Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh), Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương trực thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết, với vai trò là một trường đại học địa phương trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, trường đã khẳng định vai trò trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng phụ cận.
Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành trung tâm đào tạo của khu vực và cả nước, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư nhằm phát triển nhanh, mạnh mẽ nhà trường.
“Có thể nói, trong nhóm các trường đại học địa phương ở Việt Nam, Trường Đại học Hạ Long là một trong những trường có tốc độ phát triển nhanh. Giáo dục đại học ở tỉnh Quảng Ninh đã được thiết lập với nòng cốt là trường đang dần có được vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục đào tạo trong khu vực và cả nước”, TS Tiệp nói.
Theo TS Tiệp, trường đang từng bước nhận được sự tin cậy, quan tâm của xã hội, của người học. Những kết quả đó cho thấy, việc thành lập Trường Đại học Hạ Long là một quyết sách rất đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhân lực của tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long phát biểu tại hội thảo. |
Sau gần 10 năm thành lập, trường đã cung cấp cho thị trường lao động tỉnh nhà và khu vực lân cận tổng số 8.050 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, trong đó: trình độ đại học là hơn 2.000 sinh viên, trình độ cao đẳng hơn 4.000 sinh viên, trình độ trung cấp trên 1.500 học sinh.
Được sự định hướng của tỉnh, trên cơ sở bám sát nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và các khu vực lân cận, với sự hỗ trợ của các chuyên ngành đào tạo giàu kinh nghiệm, những năm qua, trường đã cung cấp một lực lượng lao động được đào tạo bài bản cho xã hội nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt là những ngành mũi nhọn mà tỉnh đang cần như du lịch, dịch vụ, ngôn ngữ…
Tại hội thảo, đại diện các trường đại học địa phương và các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều tham luận tập trung vào một số nội dung chính, như: Trường đại học địa phương là cơ sở giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và các vùng phụ cận.
Vai trò động lực của trường đại học địa phương trong việc tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các trường đại học địa phương và giải pháp khắc phục...
Đồng thời chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực tiễn hoạt động một số trường đại học địa phương.
Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp tạo điều kiện phát triển các trường đại học, cao đẳng địa phương nhằm củng cố mạng lưới trong phân tầng giáo dục đại học với sự quan tâm của chính quyền địa phương. Đưa ra một số đề xuất kiến nghị với chính quyền địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các trường đại học địa phương để phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và vùng phụ cận.