Những phương pháp dạy học tích cực bậc ĐH

GD&TĐ - Việc tìm kiếm một phương pháp giảng dạy mới phù hợp với điều kiện thực tế tiếp thu của sinh viên đại học tại Việt Nam luôn là trăn trở các giảng viên hiện nay.

Những phương pháp dạy học tích cực bậc ĐH

Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp (Trường ĐH Lao động – Xã hội cơ sở II) cho biết: Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giảng dạy tích cực: Phương pháp nghiên cứu trường hợp; phương pháp dạy học dựa trên vấn đề; Phương pháp đóng vai; phương pháp học tập theo nhóm…

Phương pháp giảng dạy tích cực thực chất là tích cực hóa sinh viên trong giờ học. Kết quả tùy thuộc công tác chuẩn bị của giảng viên, trình độ năng lực của giảng viên, mức độ hợp tác của sinh viên, thói quen học tập của sinh viên.

Phương pháp nghiên cứu trường hợp

Theo giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp, đây phương pháp sử dụng một câu chuyện có thật hoặc chuyện được viết dựa trên những trường hợp thường xảy ra trong cuộc sống thực tiễn để minh chứng cho một vấn đề hay một số vấn đề phức hợp.

Vì vậy, sử dụng các chủ đề dạy học phức hợp góp phần khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn của các môn khoa học chuyên môn, rèn luyện cho học sinh năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, liên môn.

Phương pháp nghiên cứu trường hợp là một phương pháp dạy học điển hình của dạy học theo tình huống, trong đó học sinh tự lực giải quyết một tình huống điển hình, gắn với thực tiễn thông qua làm việc nhóm.

"Trước khi đưa ra một hình thái mới trong giảng dạy, điều quan trọng là cần xem xét lại các phương pháp giảng dạy hiện thời đã và đang được áp dụng để qua đó phân tích những điểm ưu nhược trên cơ sở các điều kiện hạ tầng dân trí ngày nay.

Điều này sẽ là nền tảng cho một hay nhiều phương pháp giảng dạy mới khác nhau, vẫn kế thừa và nối tiếp tính ưu việt của các phương pháp truyền thống, vừa bổ sung ý tưởng và cách tiếp cận mới, tiên tiến, khoa học và lôgíc của thế giới" - Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp.

Vận dụng dạy học theo các tình huống gắn với thực tiễn là con đường quan trọng để gắn việc đào tạo trong nhà trường với thực tiễn đời sống, góp phần khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn hiện nay của nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, nếu các tình huống được đưa vào dạy học là những tình huống mô phỏng lại, thì chưa phải tình huống thực. Nếu chỉ giải quyết các vấn đề trong phòng học lý thuyết thì học sinh cũng chưa có hoạt động thực tiễn thực sự, chưa có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề

Đây là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề.

Học được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức.

Dạy học giải quyết vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh.

Các tình huống có vấn đề là những tình huống khoa học chuyên môn, cũng có thể là những tình huống gắn với thực tiễn.

Trong thực tiễn dạy học hiện nay, dạy học giải quyết vấn đề thường chú ý đến những vấn đề khoa học chuyên môn mà ít chú ý hơn đến các vấn đề gắn với thực tiễn.

Tuy nhiên nếu chỉ chú trọng việc giải quyết các vấn đề nhận thức trong khoa học chuyên môn thì học sinh vẫn chưa được chuẩn bị tốt cho việc giải quyết các tình huống thực tiễn.

Vì vậy bên cạnh dạy học giải quyết vấn đề, lý luận dạy học còn xây dựng quan điểm dạy học theo tình huống.

Phương pháp đóng vai

Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp cho biết, phương pháp đóng vai là phương pháp tổ chức cho sinh viên thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.

Phương pháp đóng vai có quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau.

Trong quá trình học tập, học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm hành động, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động tay chân. Đây là một quan điểm dạy học tích cực hoá và tiếp cận toàn thể.

Vận dụng dạy học định hướng hành động có ý nghĩa quan trong cho việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp lý thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội.

Dạy học theo dự án là một hình thức điển hình của dạy học

định hướng hành động, trong đó học sinh tự lực thực hiện trong nhóm một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với các vấn đề thực tiễn, kết hợp lý thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể công bố.

Trong dạy học theo dự án có thể vận dụng nhiều lý thuyết và quan điểm dạy học hiện đại như lý thuyết kiến tạo, dạy học định hướng học sinh, dạy học hợp tác, dạy học tích hợp, dạy học khám phá, sáng tạo, dạy học theo tình huống và dạy học định hướng hành động.

Phương pháp học tập theo nhóm

Là phương pháp dạy học trong đó sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên làm việc cùng nhau trong những nhóm nhỏ để hoàn thành mục đích học tập chung của cả nhóm đặt ra.

Như vậy giảng viên sẽ chia sinh viên thành những nhóm học tập nhỏ phù hợp với điều kiện của lớp học và môn học.

Mỗi thành viên trong nhóm học tập này vừa có trách nhiệm tự hoạc tập, vừa có trách nhiệm hỗ trợ các thành viên khác trong nhóm hoàn thành mục tiêu học tập chung của cả nhóm.

Học tập trong môi trường nhóm sẽ thúc đẩy sự tích cực suy nghĩ của cá nhân, tạo sự gắn kết trong một “cộng đồng”. Trong khi làm việc nhóm, những mâu thuẫn sẽ nảy sinh và đòi hỏi sinh viên phải giải quyết “xung đột”. Từ đó họ sẽ có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này.

Tinh thần học tập và khả năng lắng nghe người khác cũng chính là điều mà sinh viên cần phải tiếp thu, học hỏi. Những kĩ năng này thực sự rất quan trọng khi họ bước ra môi trường làm việc, đây sẽ là tiền đề tốt để sinh biết cách làm việc trong một môi trường tập thể...

Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp đưa ra những vấn đề cần lưu ý trong học tập và giảng dạy theo nhóm như:

Một số thành viên không tích cực hoạt động nhóm như công việc của tập thể là “không phải việc của mình”. Và kết quả là không ai có trách nhiệm với mục tiêu chung của cả nhóm;

Làm việc theo nhóm nên sự hợp tác là rất quan trọng. Đòi hỏi sự tự giác của từng thành viên trong nhóm;

Sự phân công công việc không rõ ràng. Đôi khi một thành viên trong nhóm phải đảm nhiệm quá nhiều công việc, trong khi có thành viên không có việc gì để làm.

Thực tế cho thấy, công việc thường bị dồn quá nhiều cho nhóm trưởng, thậm chí sản phẩm đôi khi là kết quả của riêng nhóm trưởng chứ không phải là sản phẩm của cả nhóm.

Bên cạnh những phương pháp chủ yếu trên, cũng còn rất nhiều phương pháp giảng dạy tích cực khác với các cách tiệp cận vấn đề chuyên môn, tiếp cận sinh viên,… khác nhau, tạo ra sự đa dạng cho người dạy và thuận lợi cho người lĩnh hội. Đó chính là tính tích cực của phương pháp giảng dạy trong bậc đại học - Giảng viên Nguyễn Ngọc Diệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.