Ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Tiếng Đức và Tiếng Nhật trong Chương trình GDPT mới đều là ngoại ngữ 2, là môn học tự chọn, được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 12.

Trong giờ học Ngoại ngữ của HS Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)
Trong giờ học Ngoại ngữ của HS Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

Chương trình Tiếng Đức

Theo các chương trình môn học ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT: Chương trình môn Tiếng Đức - Ngoại ngữ 2 được xây dựng theo các bậc năng lực quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (KNLNNVN) có tổng thời lượng là 735 tiết (mỗi tiết là 45 phút), bao gồm cả thời lượng dành cho ôn tập, kiểm tra và đánh giá. Chương trình được chia thành hai giai đoạn.

Kết thúc giai đoạn 1, năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức của HS tương đương với bậc 1 KNLNNVN; kết thúc giai đoạn 2, năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức của HS tương đương với bậc 2 KNLNNVN. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 420 tiết (trong 4 năm học ở cấp THCS), dành cho giai đoạn 2 là 315 tiết (trong 3 năm học ở cấp THPT).

Nội dung cốt lõi của môn Tiếng Đức bao gồm các chủ điểm, chủ đề và các kĩ năng ngôn ngữ cơ bản: Nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức ngôn ngữ: Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp trong quá trình rèn luyện các kĩ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Kiến thức ngôn ngữ trong chương trình này gồm kiến thức về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Số lượng từ vựng tích cực được đề xuất trong chương trình là 700 - 800 từ đối với bậc 1 và 1.400 – 1.500 từ đối với bậc 2 (bao gồm cả những từ đã học ở bậc 1). Nội dung ngữ pháp được phân chia theo 5 cấp độ: Văn bản, câu, đơn vị cú pháp, từ và các đơn vị nhỏ hơn từ (liên quan đến tạo từ). Nội dung ngữ âm trong chương trình bao gồm nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đôi, tổ hợp phụ âm, các quy tắc phát âm cơ bản như cách phát âm nguyên âm dài, nguyên âm ngắn và một số âm không có trong tiếng Việt, trọng âm, ngữ điệu câu.

Nội dung của các năm học được xây dựng theo hệ thống các chủ điểm gần gũi với cuộc sống hằng ngày và phù hợp với lứa tuổi HS THCS và THPT; về đất nước, con người, văn hoá của các quốc gia nói tiếng Đức, của Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Môn học cung cấp kiến thức ngôn ngữ, tri thức văn hoá, xã hội liên quan đến các chủ điểm và rèn luyện kĩ năng giao tiếp tiếng Đức cơ bản, bồi dưỡng khả năng vận dụng ngôn ngữ toàn diện cho HS.

Để giúp HS hình thành năng lực giao tiếp và giao tiếp liên văn hoá, chương trình tập trung vào năm chủ điểm mà HS ở lứa tuổi thanh thiếu niên quan tâm như: Cuộc sống thường nhật; Văn hoá và Xã hội; GD-ĐT; Công nghệ và Truyền thông và Thiên nhiên.

Về kĩ năng ngôn ngữ, chương trình đưa ra các nhiệm vụ giao tiếp trong những lĩnh vực như: Thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội; Thể hiện cảm xúc, thái độ và quan điểm; Xử lý các tình huống bất đồng quan điểm, mâu thuẫn; Năng lực tìm hiểu thông tin và truyền đạt thông tin.

Học sinh Trường THPT Việt - Đức trò chuyện cùng thầy giáo dạy tiếng Đức
  • Học sinh Trường THPT Việt - Đức trò chuyện cùng thầy giáo dạy tiếng Đức

Chương trình tiếng Nhật

Với thời lượng được bố trí như chương trình môn Tiếng Đức, chương trình môn Tiếng Nhật được thiết kế theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra thể hiện qua việc quy định các yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) cho mỗi bậc học và mỗi năm học, đảm bảo tính liên thông và tiếp nối giữa bậc 1 và bậc 2, giữa các cấp học, năm học trong từng bậc của môn Tiếng Nhật; đảm bảo tích hợp giữa các chủ điểm và chủ đề, tích hợp 4 kĩ năng giao tiếp, tích hợp giữa ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2, tích hợp với nội dung có liên quan của các môn học khác trong chương trình GDPT.

Để thực hiện được chương trình, cần có đủ giáo viên dạy tiếng Nhật, tiếng Đức đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo quy định hiện hành. Giáo viên tham gia giảng dạy cần được tập huấn, quán triệt về toàn bộ nội dung của chương trình. Có đủ cơ sở vật chất, SGK, thiết bị đồ dùng dạy học theo tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình tại các trường phổ thông phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương mình. 

Chương trình môn Tiếng Nhật được xây dựng theo chủ điểm, lấy chủ điểm làm trục chính. Trong chương trình, nội dung chủ điểm được coi là cơ sở cho việc lựa chọn nội dung các bài học, bài tập và hoạt động trong mỗi bài học, do vậy chủ điểm sẽ chi phối việc lựa chọn và tổ chức nội dung ngữ liệu trong chương trình. Chương trình được xây dựng theo 4 chủ điểm lớn: Cuộc sống hằng ngày - Nhà trường - Thiên nhiên - Xã hội. Bốn chủ điểm tương ứng đối với mỗi bậc được lặp lại có mở rộng qua các cấp lớp, từ đó HS có thể củng cố và phát triển năng lực giao tiếp trong khuôn khổ một chương trình thống nhất.

Thông qua hệ thống chủ điểm nói trên, HS học cách sử dụng tiếng Nhật để giao tiếp về các lĩnh vực gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, về đất nước, con người, văn hoá Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác trên thế giới, về đời sống, tương lai của các em và xã hội. Thông qua các nội dung giao tiếp đó, HS có thêm hiểu biết về những vấn đề văn hoá, xã hội liên quan. Hệ thống chủ điểm được cụ thể hoá thành các chủ đề. Chương trình đưa ra một danh mục các chủ đề gợi ý tương ứng với mỗi chủ điểm cho từng năm học. Người biên soạn SGK và tài liệu tham khảo có thể sử dụng hệ thống chủ đề này, hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chủ đề cho phù hợp với các chủ điểm tuỳ theo nhu cầu, hứng thú và khả năng học tập của HS.

Lưu ý phương pháp GD và kiểm tra, đánh giá

Theo các chương trình môn học ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT: Phương pháp giáo dục môn Tiếng Đức, Tiếng Nhật phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; tạo hứng thú cho HS; phát triển năng lực giao tiếp của HS trong những ngữ cảnh giao tiếp thực, liên quan tới các lĩnh vực khác nhau; giúp HS huy động kiến thức về ngôn ngữ, về văn hóa và xã hội, các năng lực ngôn ngữ, các chiến lược học ngoại ngữ đã được lĩnh hội và hình thành từ việc học ngoại ngữ 1 để có phương pháp học hiệu quả môn Tiếng Đức - Ngoại ngữ 2.

Căn cứ chương trình môn Tiếng Đức, chương trình môn Tiếng Nhật, giáo viên chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung dạy học. Tuỳ vào đối tượng HS ở từng cấp, lớp và nội dung dạy học, giáo viên đa dạng hóa các hình thức, phương tiện dạy học và học liệu, đặc biệt sử dụng các tư liệu dạy học thực, đưa người học vào hoàn cảnh giao tiếp sát thực giúp HS hoàn thành các nhiệm vụ gần với thực tế cuộc sống.

Giáo viên cần chú trọng việc rèn luyện cả bốn kĩ năng giao tiếp: Nghe, nói, đọc, viết (tuy nhiên nghe, nói đi trước một bước), kết hợp đồng thời giữa rèn luyện và phát triển năng lực giao tiếp với dạy và phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn hoá và liên văn hoá, trong đó mục tiêu cuối cùng là năng lực giao tiếp, bám sát các chủ điểm, chủ đề trong chương trình nhằm giúp HS lĩnh hội các giá trị văn hóa.

Về đánh giá kết quả GD, mục tiêu đánh giá kết quả GD là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của HS để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển GD, bảo đảm sự tiến bộ của từng HS và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và môn Tiếng Đức, môn Tiếng Nhật nói riêng.

Đánh giá kết quả giáo dục môn Tiếng Đức, Tiếng Nhật phải bảo đảm độ tin cậy, tính hiệu lực, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên HS, hạn chế những tốn kém không cần thiết cho gia đình HS và xã hội. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Kết hợp giữa: Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; Đánh giá chẩn đoán, đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết (ưu tiên đánh giá quá trình); Đánh giá tham chiếu tiêu chí và đánh giá tham chiếu định chuẩn (ưu tiên đánh giá tham chiếu tiêu chí); Đánh giá tích hợp năng lực sử dụng ngôn ngữ và đánh giá riêng lẻ từng kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), ở giai đoạn đầu có thể đánh giá riêng lẻ kiến thức ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm). Đồng thời, kết hợp các hình thức đánh giá định tính và định lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện cho HS tự đánh giá và tham gia vào quá trình đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...