Kỷ luật bằng tình yêu thương

GD&TĐ - “Giống như những người nông dân bỏ bao tâm huyết, sức lực cày bừa, cấy hái, bắt sâu, nhổ cỏ, chăm bón để gặt hái một mùa vàng bội thu, người thầy phải biến những công việc lao động vất vả ấy bằng tình yêu thương để hỗ trợ, giúp đỡ các em phát triển nhân cách”. Đó là chia sẻ của cô Bùi Ngọc Lan, GV môn Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa - Hà Nội). 

Cô Bùi Ngọc Lan cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu trong dịp Trung thu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Bùi Ngọc Lan cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu trong dịp Trung thu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỷ luật thép - bước lùi của giáo dục

Cô giáo Bùi Ngọc Lan cho biết: Ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt cấp THPT, các em rất dễ “nổi loạn”, dễ sai lầm trong cách nhìn nhận, đánh giá dẫn đến những hành vi không chuẩn mực. Những sai lầm ở lứa tuổi còn nhiều “chông chênh” này, khi bị gia đình, nhà trường chối bỏ, các em thường mặc cảm, tự ti, tuột dốc và có khi cuộc đời rẽ theo hướng càng tồi tệ hơn.

“Một cái hạ bút hạnh kiểm yếu, một lời nhận xét không hay ghi vào học bạ của giáo viên ngày hôm nay như là một nỗi ám ảnh cuộc đời học sinh sau này - khó mà xóa nhòa được”, cô Lan chia sẻ.

Có bao nhiêu câu chuyện tiếc nuối từ những người thầy về cách đánh giá, kỷ luật học sinh trong quá khứ khiến chúng ta day dứt. Ngược lại, cũng có không ít học trò thành đạt trở về, cảm ơn những người thầy biết cảm thông, chia sẻ, tha thứ, tìm cách dạy dỗ những học sinh chưa ngoan để họ đứng dậy đi tiếp, làm lại cuộc đời.

Luôn bao dung nhưng nghiêm khắc

Cô Bùi Ngọc Lan cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu trong ngày khai giảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
 Cô Bùi Ngọc Lan cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu trong ngày khai giảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo cô Bùi Ngọc Lan, một trong những nguyên tắc giáo dục mà các thầy cô giáo giúp đỡ học trò của mình trong việc hoàn thiện nhân cách, đó là luôn bao dung nhưng nghiêm khắc.

Thầy cô luôn là người bạn, trân trọng học sinh của mình khi các em làm được một việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Phần thưởng mà các học trò đều mong chờ là những lời khen tặng, động viên nhẹ nhàng, những cuốn sách, hay đôi khi chỉ là chiếc kẹo nhỏ. Điều này dạy cho học sinh biết trân quý tấm lòng của bạn, biết khích lệ, động viên người khác…

Khi học trò mắc lỗi, GV không nên quát mắng hay trách phạt. GV luôn ân cần giảng giải, phân tích để các em hiểu ra những lỗi sai và biết cách sửa sai, từ đó giúp học sinh hình thành phẩm chất biết vị tha, nghiêm khắc tự phê, biết cảm thông, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân.

Đôi khi những biểu hiện bề nổi như lếu láo, văng tục, không nghe lời… chỉ để che giấu tình cảm sâu kín hơn trong tâm hồn các em. Đó có thể là những tổn thương do gia đình mang lại, là nỗi cô đơn của những đứa trẻ thiếu sự quan tâm.

Cô Bùi Ngọc Lan cho rằng: Nếu giáo viên chỉ sử dụng biện pháp mạnh mà không chịu thấu hiểu sẽ dẫn đến những tổn thương lớn hơn, khiến các em có những phản kháng tiêu cực. Giáo viên không chỉ là người thầy cung cấp tri thức mà đóng nhiều vai: Gần gũi học sinh như một người bạn, tình cảm như một người mẹ, để các em tin tưởng, tâm sự khi cảm thấy hoang mang trước cuộc sống.

“Kỷ luật bằng tình yêu thương” - Bài toán khó cho người thầy

Theo cô Bùi Ngọc Lan, trong nhiều phương pháp giáo dục, có lẽ giáo dục bằng tình yêu thương tưởng dễ dàng nhưng thực ra là khó nhất. Đuổi học một học sinh, kỷ luật hạ hạnh kiểm thì dễ nhưng đó không phải là cách giáo dục tốt nếu không muốn nói là một sự thất bại. Nó cũng không phải là cách giúp người ta nhìn nhận ra sai lầm và cũng không khuyến khích vươn lên. Kỷ luật bằng tình thương không có nghĩa ve vuốt, chiều chuộng mà là đi từ tấm lòng yêu thương với một khát khao đem lại cho học sinh những gì tốt nhất.

Nhưng kỷ luật học sinh như thế nào, bằng hình thức nào để các em ý thức được những sai phạm của mình để tự sửa lỗi điều cô Lan luôn trăn trở. Kỷ luật để không bị tác dụng “ngược”, gây nên những bức xúc không chỉ cho phụ huynh mà cho chính học sinh là một bài toán rất khó đối với mỗi người thầy. Song, hình thức kỷ luật ngoài mục đích giáo dục nhân cách cho học sinh là sự tự ý thức, tự giáo dục còn đem lại giá trị sống và mang đậm tính nhân văn đối với các em.

Nhà trường, vì vậy, phải là nơi an trú của tình thương và giờ đây các thầy cô có công cụ kỷ luật vô cùng nhân ái - “Kỷ luật bằng tình yêu thương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ