Liệu sự thờ ơ, vô cảm từ chính những người làm công tác quản lý giáo dục ảnh hưởng đến môi trường GD mầm non – nơi văn hóa ứng xử của nhà giáo phải được đặt lên hàng đầu?
Chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện phụ huynh và một số giáo viên Trường Mầm non Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tố nhà trường sử dụng gạo mốc, gạo cũ nấu cơm cho trẻ và món ăn chính chỉ là đầu cá kèm canh cải đầy thịt mỡ. Hay sự việc một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đánh hội đồng, lột quần áo và quay phim clip gửi cho nhau xem nhưng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lại che giấu, không muốn cho gia đình biết. Những thực tế đó là tiếng chuông báo động về sự vô cảm trong xã hội hiện đại.
Với môi trường giáo dục, sự vô cảm là điều cấm kỵ. Môi trường học đường vốn được xem là môi trường trong lành nhất, nơi rèn đức luyện tài cho những chủ nhân của xã hội. Với trách nhiệm “đầu tàu”, người hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, cách ứng xử của hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đồng trong câu chuyện nói trên cho thấy cái tâm, cái tầm của người làm giáo dục.
Chúng ta thường đặt câu hỏi: Vì sao người ta thờ ơ trước cái đẹp? Vì sao người ta dửng dưng trước cái xấu? Và vì sao người ta bàng quan trước cái ác? Bởi vì người ta không còn tâm hồn, lòng trắc ẩn nữa. Thầy cô hơn ai hết - có tâm hồn và giàu lòng trắc ẩn thì mới có thể giúp cho con trẻ có tâm hồn.
Trong một cuộc trò chuyện về văn hóa nhà trường, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhấn mạnh: Việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử là điều cần thiết, tạo ra hành lang cho các trường trong việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh trong trường học. Nhà trường là môi trường giáo dục có vai trò lớn trong việc giáo dục nhân cách cho học trò. Văn hóa ứng xử trong trường học đóng vai trò làm cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Xây dựng văn hóa ứng xử giao tiếp trong nhà trường là một trong những vấn đề có ý nghĩa nhất trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện GD. Ngôn ngữ, thái độ và hành động là 3 khía cạnh của giao tiếp ứng xử. Nếu chỉ thấy văn hóa giao tiếp ứng xử ở một khía cạnh nào đó là còn phiến diện.
Năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh câu chuyện ứng xử sư phạm chưa chuẩn là hình ảnh các thầy cô giáo ở vùng sâu Tu Mơ Rông (Kon Tum) chắp cánh ước mơ theo đuổi con chữ cho học sinh dân tộc thiểu số đang làm ấm lòng người. Ở nơi đó, Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ngọc Yêu (xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) từ đầu tháng 8, đã khăn gói vượt quãng đường hàng chục, có khi hàng trăm kilomet đến từng nhà “mời” trẻ đi học. Sự tận tâm của các thầy cô giáo đang dệt nên câu chuyện đẹp về nghề, xóa đi những dấu ấn không tốt về hình ảnh người thầy.
Cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa, xã hội không thể xem là tốt, là nhân văn khi thiếu vắng sự quan tâm giữa người với người. Mỗi cá nhân hãy bắt đầu từ sự mở lòng với người xung quanh, bớt đi sự hoài nghi tiêu cực, những toan tính ích kỷ. Đừng chỉ biết lướt qua nhau mà hãy quan sát, đồng cảm, chia sẻ . Hãy lấy tình thương yêu làm ngôi vị trung tâm của cuộc sống, dang rộng trái tim mình để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương và rung cảm với cuộc đời. Hãy dùng nụ cười để có nụ cười.