Hiệu trưởng trường ĐH trăn trở về văn hóa học đường

GD&TĐ - Văn hóa học đường là vấn đề được PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – chia sẻ tại hội nghị “Truyền thông và văn hóa giáo dục: đổi mới và phát triển” diễn ra mới đây.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhấn mạnh văn hóa học đường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền giáo dục, theo PGS Trần Đức Quý, trong môi trường này, tất cả các chủ thể tham gia từ người học đến nhà quản lý, giáo viên, nhân viên đều phải tuân thủ pháp luật, quy định, rèn luyện đạo đức, lối sống…

Nếu môi trường học đường không giữ được nền nếp, giá trị, chuẩn mực, thầy không ra thầy, trò không ra trò thì nhà trường không thể thực hiện được chức năng truyền tải, giáo dục văn hóa.

 Văn hóa học đường là môi trường để giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu môi trường học đường bị “ô nhiễm” thì nhà trường không thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa đến thế hệ trẻn
 Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nêu quan điểm

Trong môi trường ĐH hiện nay, đa số các chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục vẫn giữ được các giá trị, nét đẹp của nền giáo dục truyền thống, đặc biệt chuẩn mực đạo đức yêu trò, kính thầy vẫn là tư tưởng chủ đạo.

Bên cạnh đó, trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự bùng bổ của công nghệ thông tin, những năm vừa qua, môi trường giáo dục ĐH của Việt Nam có nhiều biểu hiện tiêu cực.

PGS.TS Trần Đức Quý chia sẻ tại hội nghị “Truyền thông và văn hóa giáo dục: đổi mới và phát triển”
PGS.TS Trần Đức Quý chia sẻ tại hội nghị “Truyền thông và văn hóa giáo dục: đổi mới và phát triển” 

Tuy nhiên, theo PGS Trần Đức Quý, có một điểm đáng lưu ý là sự vị phạm văn hóa học đường thời gian qua không chỉ xuất phát từ người học mà không ít trường hợp đến từ những người thầy, người cô, người làm công tác quản lý giáo dục – những người đáng lẽ phải là khuôn mẫu đạo đức, văn hóa trong môi trường giáo dục.

Như vậy, để đánh giá khách quan, toàn diện hiện tượng vi phạm văn hóa học đường, phải xét toàn diện các chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục, như nhà quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên từ pháp luật đến quy định nhà trường…

Để xây dựng văn hóa học đường trong môi trường ĐH hiện nay, PGS Trần Đức Quý cho rằng cần phải có sự tác động nhiều chiều, từ nhiều chủ thể khác nhau, trong đó giảng viên giữ vai trò quan trọng nhất.

Giảng viên phải là người mẫu mực về chuyên môn, nhân cách, đạo đức, lối sống thì mới làm tròn chức năng truyền tải tri thức, văn hóa, góp phần phát triển nhân cách sinh viên.

Giảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giáo dục để phát huy tính tích cực của sinh viên trong quá trình học tập.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ dừng lại ở trang bị, định hướng, gợi mở tri thức cho người học mà còn phải truyền lửa, sự tâm huyết, để kiến thức, văn hóa trở thành niềm tin, động lực thúc đẩy sinh viên điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của mình, khơi dậy ở họ ý chí vượt qua khó khăn, chiếm lĩnh tri thức khoa học, đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ