Điểm tựa sau những kỳ thi

GD&TĐ - Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT bên cạnh niềm vui đỗ đạt, không ít thí sinh có kết quả thi không đúng mong muốn, biểu hiện “sốc” tâm lý, suy nghĩ thiếu tích cực…

Gọi thí sinh vào phòng thi tại Điểm thi Trường THPT Bác Ái (Bác Ái – Ninh Thuận).	Ảnh: Đức Trí
Gọi thí sinh vào phòng thi tại Điểm thi Trường THPT Bác Ái (Bác Ái – Ninh Thuận). Ảnh: Đức Trí

Đây là khoảng thời gian gia đình, nhà trường, thầy cô cần tăng cường vai trò, trách nhiệm như “điểm tựa”, đồng hành giúp các em vượt qua thất bại.

Khó lường từ tác động tiêu cực

TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành công) cho biết: Theo thống kê của Khoa Khám bệnh trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây lượt bệnh nhân là trẻ em đến khám tăng. Mỗi em đến khám có biểu hiện bệnh lý tâm thần khác nhau song điều đáng nói nhiều em trầm cảm nghiêm trọng dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân.

Do đó, TS Vũ Việt Anh lưu ý, nếu gia đình và HS  tạo quá nhiều áp lực cho HS sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,các em khó tránh khỏi stress, căng thẳng thậm chí trầm cảm.

Mặt khác, sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu bố mẹ thấy biểu hiện bất thường của con em mình như thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, cáu gắt, lo âu... Nghiêm trọng hơn có biểu hiện loạn thần nói năng lung tung, dễ khóc, dễ cười, hoảng sợ, ngại tiếp xúc với mọi người...  nên động viên, quan tâm, khích lệ con thay vì chỉ trích, trách mắng. Hơn lúc nào hết, “hậu” kỳ thi là giai đoạn để cha mẹ gần gũi, chia sẻ, đồng hành.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục) cũng khẳng định: Nhiều hậu quả thương tâm đến với HS và gia đình sau các kỳ thi quan trọng được ghi nhận trong xã hội. Nguyên nhân do gia đình, cha mẹ chì chiết, so sánh, mắng mỏ vì kết quả thi chưa tốt. Điều đó sẽ đẩy trẻ vào suy nghĩ tiêu cực.

Khi trẻ đang sốc về mặt tâm lý nếu tiếp tục bị tác động bên ngoài sẽ chuyển trạng thái tổn thương tâm lý, tâm lý tiêu cực khó cứu vãn. Khi trẻ tiêu cực sẽ cảm thấy chấp chới về tương lai, người thân bỏ rơi, bạn bè coi thường, xã hội không công nhận, bản thân bất tài không làm được điều mong muốn…dẫn tới phá phách, chống đối, bỏ nhà ra đi hay nặng hơn là hành động tiêu cực.

“Trong mọi trường hợp, hãy động viên, chia sẻ, giúp trẻ biết chấp nhận và làm lại tốt hơn thay vì mắng mỏ, so sánh… Tất cả tác từ người lớn không thay đổi được kết quả thi cử mà chỉ dẫn tới hành động tiêu cực ở lứa tuổi rất nhạy cảm…”- PGS. TS Trần Thị Minh Hằng khuyến cáo. 

Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần động viên HS với kết quả đạt được.
Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần động viên HS với kết quả đạt được. 

Giải quyết tâm lý từ “gốc”

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải – Giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) cho rằng: Đạt được kết quả cao thấp trong các kỳ thi nói chung, Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng không phải là điều bất thường bởi HS có năng lực, ôn tập, rèn luyện khác nhau. Điều quan trọng hãy giúp HS hiểu năng lực bản thân tới đâu để chọn trường, nghề… phù hợp; biết chấp nhận thực tế về mình để không bị “sốc” khi kết quả không theo mong muốn.

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Hải, để giải quyết những cú sốc tâm lý sau các kỳ thi, nhà trường, GV phải tiến hành sớm. Trước khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường luôn tổ chức họp phụ huynh. GV sẽ tư vấn cho gia đình hiểu về tính cách, đặc điểm, sức học… mỗi HS ra sao? nên đăng ký trường; ngành nghề, khoa… phù hợp năng lực; có hình thức xét tuyển nào...

Khi phụ huynh hiểu con em mình thì kết quả dù không theo mong muốn cũng biết chấp nhận, không trở thành cú “sốc” đối với bố mẹ để rồi về nhà lại dồn lên con trẻ bằng lời lẽ thái độ thiếu tích cực.

Mặt khác, trong quá trình ôn tập, thầy cô cũng cần giúp HS hiểu đúng khả năng của mình rơi vào “khoảng” nào. Như vậy, không chỉ tốt cho việc chọn trường, chọn nghề mà kết quả thi cũng nằm trong tầm kiểm soát của các em. Từ đó không bất ngờ và biết chấp nhận kết quả.

Thi xong GV chủ nhiệm cần nắm thông tin để có thể tư vấn thêm cho HS có cần thiết thay đổi nguyện vọng phù hợp với năng lực, sở trường bản thân hay không? Động viên HS dù kết quả đạt được ra sao… “Giải tỏa tâm lý HS sau các kỳ thi phải tiến hành từ “gốc”. Đó chính là sự tư vấn chọn trường, nghề phù hợp khả năng. Đây cũng là cách giải tỏa tốt tâm lý của HS khi kết quả thi cử đã phản ánh đúng năng lực…” – cô Nguyễn Hồng Hải khẳng định.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng chỉ ra: Khi HS không đạt kết quả như mong muốn, bố mẹ phải chỗ dựa về mặt tinh thần, phân tích giúp con hiểu thành công với mỗi người là việc biết đứng dậy tại chỗ mình ngã, làm lại để đạt kết quả mà mình chưa đạt được.

Bố mẹ, cần giúp con thấy được kết quả thi cử đã phải phán đúng năng lực của con. Hãy tìm một hướng đi khác, ngành nghề phù hợp với mức điểm thực tế. Gia đình sẽ luôn bên cạnh, tạo điều kiện ủng hộ để trẻ làm lại từ đầu. Hãy nêu những tấm gương của những người thành đạt trong cuộc sống dù trước đó kết quả học tập không giỏi. Nhưng họ đã xuất sắc trong việc chấp nhận sự thật và đứng dậy sau vấp ngã đầu đời.

Đối với những HS, TS Vũ Việt Anh lưu ý: Không có thất bại, chỉ có thêm bài học kinh nghiệm. Mỗi thử thách là dịp để nhìn nhận lại bản thân, thay đổi thói quen, lối sống phù hợp với thực tế. Cần điều chỉnh phương pháp học tập, đặt lại mục tiêu phù hợp, có kế hoach hành động chi tiết, cam kết với bản thân, kiên trì hành động, nhất định các em sẽ chạm tới thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ