Dạy - học tiếng Anh vùng khó: Sáng tạo từ trong thực tiễn

GD&TĐ - Trước thực trạng dạy - học tiếng Anh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, nhóm các thầy giáo gồm: Đỗ Văn Nam, Lưu Hải Lý, Lò Văn Thân thuộc Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã từng bước tìm ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh cho các trường vùng khó.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

5 hạn chế trong dạy - học tiếng Anh vùng khó

 Trong tiết học chúng tôi luôn đan xen giữa các bài tập với việc tổ chức các trò chơi tạo sự hứng thú cho học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng thiết bị, phần mềm dạy học, tự học ngoại ngữ; thường xuyên sử dụng các thiết bị nghe nhìn, tranh ảnh. Nhờ đó tiết học trở nên sôi nổi và học sinh dần dần yêu thích môn tiếng Anh hơn.

Qua thực tế giảng dạy cũng như dự giờ đồng nghiệp tại đơn vị trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Điện Biên (Điện Biên), chúng tôi nhận thấy học sinh gặp một số khó khăn sau:

Thứ nhất: Học sinh trường THCS trên địa bàn huyện, đa số là con em dân tộc thiểu số, việc được tiếp cận với công nghệ thông tin là một vấn đề khó khăn. Chính vì vậy mà vốn từ, kiến thức, kĩ năng của các em rất hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình học tiếng Anh mới.

Thứ hai: Đa số học sinh là dân tộc thiểu số, ít được tiếp xúc với môi trường xã hội, nên rất nhút nhát, sự hiểu biết cũng nhiều hạn chế, đặc biệt vốn từ tiếng Việt còn hạn chế – kỹ năng giao tiếp và lĩnh hội thông tin chưa được tốt, nên việc dạy - học tiếng Anh đối với giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn.

Thứ ba: Các chủ đề trong sách giáo khoa tiếng Anh mới tuy rất phù hợp với lứa tuổi học sinh nhưng có một số kiến thức còn khá xa lạ với học sinh dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp còn gặp khó khăn. Một tiết học bao gồm nhiều lượng kiến thức khác nhau nên giáo viên khá vất vả để truyền tải được hết, học sinh cũng khó tiếp thu hơn.

Thứ tư: Để học tốt môn tiếng Anh người học phải thường xuyên trau dồi kiến thức kết hợp với thực hành giao tiếp. Nhưng đa số học sinh chỉ học tại các tiết học trên lớp, chưa có ý thức tự học ngoài giờ. chưa có ý thức thực hành giao tiếp Tiếng Anh với các bạn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các tiết dạy.

Thứ 5: Đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay còn thiếu so với nhu cầu và chưa đồng đều về trình độ; khả năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh, phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT yêu cầu dẫn đến hiệu quả dạy học chưa cao.

Sáng tạo trong dạy học

Từ thực trạng nêu trên, chúng tôi đã từng bước tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ nhữn khó khăn và ngày càng nâng cao chất lượng bộ môn tiếng Anh trong trường THCS trên địa bàn huyện. Cụ thể:

Trong tiết học chúng tôi đã tạo không khí học tập và các mối quan hệ trong nhóm/lớp. Tránh gây áp lực về tinh thần, không căng thẳng, không nặng nề, không gây phiền nhiễu, có các hoạt động giải trí nhẹ nhàng, truyện vui, hài hước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ cá nhân một cách tích cực; Tạo cơ hội để học sinh giao tiếp, thể hiện quan điểm, giá trị, mơ ước, chia sẻ kinh nghiệm,... và hợp tác trong các hoạt động học tập.

Do đối tượng học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế nên chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi một số bài tập trong chương trình sách giáo khoa cho đơn giản và phù hợp với đối tượng học sinh hơn.

Để phù hợp với đối tượng học sinh của mình, chúng tôi đưa ra những yêu cầu khá đơn giản, rõ ràng và nghiêm túc. Ví dụ ngoài việc sử dụng các kỹ năng cụ thể trong từng tiết dạy, chúng tôi luôn căn cứ vào khả năng ghi nhớ và thể hiện của từng học sinh để yêu cầu thực hành và giao bài tập về nhà tránh áp lực và quá tải với khả năng của học sinh yếu kém, tránh nhàm chán vì quá dễ đối với học sinh khá, giỏi.

Nhiệm vụ học tập gắn với các mối quan tâm của học sinh và thế giới thực tại xung quanh, tận dụng mọi cơ hội có thể để học sinh tiếp xúc với vật thật/tình huống thực, sử dụng các công cụ dạy học (trình chiếu, video, tranh ảnh, vật thật,...) để “đưa” học sinh lại gần đời sống thực tế.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng luôn chú trọng đến phạm vi tự do sáng tạo. Trong chương trình tiếng Anh mới các hoạt động của tiết học nói, viết còn chú trọng đến ý tưởng của riêng cá nhân từng học sinh.

Vì vậy sự tự do và thoải mái đưa ra ý kiến của mình cũng làm cho tiết học bớt căng thẳng hơn, và các em dần tự tin hơn. Học sinh được tạo điều kiện lựa chọn hoạt động theo sở thích; Học sinh được tham gia xây dựng kế hoạch và đánh giá bài học...

Bài viết được biên tập, lược ghi từ "Tham luận về khó khăn và giải pháp phát triển chương trình tiếng Anh hệ 10 năm trên địa bàn huyện Điện Biên" của ba thầy giáo gồm: Đỗ Văn Nam, Lưu Hải Lý, Lò Văn Thân - Tại Hội thảo nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ dạy - học Ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.