Cảm nhận văn chương từ nghệ thuật sân khấu

GD&TĐ - Học văn là một cuộc chơi thú vị - một cuộc chơi văn hóa đậm chất trí tuệ và nghệ thuật. Đó là khi không thụ động ghi chép, người tiếp cận tác phẩm văn học được chủ động chiếm lĩnh tác phẩm bằng con người nghệ sĩ ẩn náu bên trong thông qua những hình thức biểu đạt sinh động…

Cảnh diễn Mỵ Châu - Trọng Thủy trong đêm “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” lần thứ tư của HS Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)
Cảnh diễn Mỵ Châu - Trọng Thủy trong đêm “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” lần thứ tư của HS Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)

Văn là người

14 kịch mục được Ban tổ chức lựa chọn vào vòng chung kết đêm “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” lần thứ tư của TrườngTHPT chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đã tỏa sắc, khoe hương. Khán giả vừa run rẩy với màn hát múa dạt dào cảm xúc “Cúc ơi”, lại thấy hào hứng, mê say với lí tưởng sống cao đẹp của người thanh niên yêu nước Tố Hữu trong vở kịch “Từ ấy”. Vừa đắm say cùng câu chuyện tình yêu mang nỗi đau về bài học cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù trong kịch phẩm “Mị Châu - Trọng Thủy” khán giả lại tiếp tục bị cuốn theo khúc bi tráng trước sức sống mãnh liệt của cây xà nu, cùng tinh thần anh dũng, bất khuất của Tnú và buôn làng Xô Man qua tiểu phẩm “Rừng xà nu”…

Cứ như vậy, những cô cậu học sinh lớp 10, lớp 11 đã hóa thân thành Chí Phèo, Thúy Kiều, Hàn Mặc Tử, Vũ Như Tô, Đỗ Phủ, Xuân tóc đỏ… tái hiện lại những bối cảnh lịch sử, xã hội trong tác phẩm văn học mà các em được học trên lớp một cách nhuần nhuyễn mà không kém phần sâu sắc. Bằng nhiều hình thức thể hiện phong phú, hát, múa, kịch thơ, kịch hát… những tiết mục đã đưa người xem về với những giá trị của cội nguồn, đánh thức tình yêu, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Nhiều khán giả tham dự đêm diễn của các em dù đã nghe nói về phương pháp “Trả tác phẩm văn học cho học sinh” nhưng hôm nay mới được tận mục sở thị. Thì ra, cách biến quá trình học thành quá trình tự học, khơi gợi để các em chủ động chiếm lĩnh kiến thức, sống cùng tác phẩm, kéo trang sách về gần với cuộc đời không quá cao xa hay khó khăn lắm.

“Ban đầu tôi không hứng thú lắm với việc con gái tham gia dựng kịch “Romeo và Juliet” cùng các bạn trong lớp. Bi kịch tình yêu với thù hận trong tác phẩm văn học nước ngoài ấy khiến tôi không muốn các cháu sa đà hay suy tư nhiều. Cháu có năng khiếu hội họa nên xông xáo vẽ thiết kế, trang trí, dựng bối cảnh, phục trang.

Bọn trẻ tự làm hết, ngay cả biên đạo cũng không thuê. Chúng bàn bạc, thảo luận, phân công nhau thực hiện mọi công đoạn với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và thích thú. Học văn mà góp phần rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm và bồi bổ giá trị tinh thần, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho giới trẻ theo cách này rất hiệu quả”, chị Nguyễn Minh Thu, phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội chia sẻ.

Đánh thức tâm hồn nghệ sĩ

Nguyên Hạnh, học sinh lớp 11 chuyên Anh vừa hoàn thành xuất sắc vai diễn Mị cởi mở: Để dựng được kịch hát “Vợ chồng A Phủ” chúng em lên ý tưởng rồi thống nhất trong một tuần và tập trong một tháng. Chúng em thấy cái hay của tác phẩm là đi sâu vào phân tích tâm lý, sức sống tiềm tàng của Mị nhưng sẽ khó tạo điểm nhấn. Chúng em bàn bạc, thấy trong lớp có nhiều bạn giỏi về âm nhạc nên chuyển “Vợ chồng A Phủ” thành nhạc kịch để tạo cao trào và nút thắt.

Phần đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… chúng em tự làm hết. May mắn là một bạn có anh trai là biên đạo múa nên anh ấy đã dạy chúng em điệu múa đặc trưng của đồng bào dân tộc. Mới đầu em không thích làm Mị, nhưng khi tập, dựng kịch em lại rất yêu Mị. Em đã đọc, tham khảo thêm tác phẩm khác nên hiểu rõ hơn thân phận, tâm lý nhân vật và hoàn cảnh khắc nghiệt, bối cảnh diễn biến một giai đoạn lịch sử của đất nước…”.

Điều thú vị nhất với Nguyên Hạnh không chỉ là “Vợ chồng A Phủ” của lớp em đoạt giải Nhì mà chính là việc em phải ngồi chờ bố “dài cả cổ” bên ngoài hội trường. Bố Hạnh dù biết lớp con đã diễn xong nhưng vẫn say sưa xem hết cả 14 kịch mục trong đêm công diễn. Hóa ra phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” không chỉ hấp dẫn học sinh mà còn tác động tích cực đến các bậc phụ huynh.

“Vượt ra ngoài khuôn khổ của một phương pháp dạy Văn - học Văn, “Trả tác phẩm cho học sinh” thực sự biến thành những trải nghiệm đáng giá. Hàng trăm tác phẩm văn học đã được học sinh các Trường Newton, Welsping, chuyên Ngoại ngữ… chủ động chiếm lĩnh và chuyển thể.

Trong vai trò diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch, họa sĩ thiết kế… những giờ học đã được các chủ thể biến thành cuộc chơi nghệ thuật đầy chất trí tuệ và cảm xúc. Sau 17 năm thực hiện ở Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả không chỉ thổi bùng tình yêu văn chương cho nhiều thế hệ học sinh mà còn đem lại cho các em một phương pháp tư duy, cảm thụ nhiều loại hình nghệ thuật khác”, giảng viên Đỗ Thị Ngọc Chi khẳng định.

Tổ trưởng Tổ Xã hội - Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, “cha đẻ” của phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” TS Nguyễn Quang Trung lý giải: Mỗi học sinh đều là một nguồn năng lực sáng tạo. Em thì giỏi vẽ, giỏi trình bày, có em lại thích tranh biện. Nếu người giáo viên nắm được từng thế mạnh của học sinh để khơi gợi, “giao việc” thì sẽ đánh thức được con người nghệ sĩ, khoa học, cả lý trí và cảm xúc của mỗi cá nhân.

Các em đọc văn chương không phải là đọc tĩnh tại, trong một không gian hẹp mà đọc bằng toàn bộ con người mình. Các em được bộc lộ bản thân “tự mình” khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm và tạo ra mối liên kết về cách đọc. Đây là một nhóm, một tập thể cùng đọc với nhau chứ không thể là một người đơn độc đọc nữa. “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” làm cho tác phẩm có sức sống độc lập, là cách xâm nhập tác phẩm văn học, nghệ thuật sáng tạo, chủ động và tích cực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ