Sự kiện được ví như một festival nghệ thuật thể hiện ý tưởng, khát vọng và đam mê của người nghệ sĩ đã thu hút hàng nghìn người thưởng lãm. Khen, chê thì nhiều nhưng những ấn tượng và dư âm sẽ còn mãi…
“Đáo Xuân 9” của Đào Anh Khánh vừa được tổ chức trong không gian rộng lớn của thung lũng Gầm Trời, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
6 sân khấu đặc biệt được dựng giữa không gian hoang sơ, khoáng đạt, đặt nơi bờ suối hoặc dựng trên sườn núi. Chinh phục, Hạt của Chúa, Hoa trời, Giấc mơ, Ngựa trời, Thần bí là các chủ đề tương ứng với những màn trình diễn theo từng loại hình âm nhạc đương đại, điêu khắc, hội họa, thơ ca, nhảy hiện đại, nghệ thuật sắp đặt, Len Arts, Visual Arts, Design Arts...
Những sân khấu ngoài trời đem lại trải nghiệm độc đáo, hiếm có khiến các nghệ sĩ bùng nổ và thăng hoa hơn. Liên tục trong 24 giờ, các tiết mục biểu diễn được thực hiện bởi hơn 300 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Chương trình đã mang đến bầu không khí sôi động, náo nhiệt của một bữa tiệc nghệ thuật.
Gác lại công việc và các thú vui, giới văn nghệ sĩ cùng với một lượng khán giả không dính dáng gì đến nghệ thuật đã nườm nượp đổ về Thung lũng Gầm Trời để thưởng thức “Đáo Xuân 9”.
Không gian nghệ thuật đầy màu sắc, huyền ảo và bầu không khí háo hức khám phá, chiếm lĩnh thứ nghệ thuật biến thành chất truyền dẫn gắn kết mỗi người, thổi bùng khát khao yêu thương, chia sẻ. Đào Anh Khánh đã trả giá và nỗ lực vắt mình để cố gắng với tới, chạm vào những tưởng vọng nghệ thuật của mình…
Sự quyết liệt và mê đắm của anh với thứ nghệ thuật tổng hợp này thật mãnh liệt. Tính tới nay, anh đã có hàng chục cuộc trình diễn, đã chu du khắp năm châu bốn bể cùng niềm đam mê nghệ thuật đương đại của mình.
Tự đánh giá một cách “biết người biết ta”, Đào Anh Khánh không nhận mình hay hoặc dở, anh khẳng định như vậy sẽ là chủ quan nhưng một điều không thể phủ nhận những gì anh dâng hiến cho nghệ thuật ngày càng được công chúng đón nhận nhiều hơn.
Luôn khẳng định nghệ thuật đương đại là định mệnh của mình, Đào Anh Khánh thừa nhận: “Nỗi đam mê ấy khiến tôi bồn chồn, nôn nóng. Nếu không được làm nghệ thuật thì nỗi đam mê sẽ phá hủy chính tôi mất. Nói ra thì có vẻ văn vẻ, nhưng hạnh phúc của tôi là được cống hiến và xét về việc đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng, với tôi thế là thành công”.
Trong giới nghệ sĩ, không chỉ họa sĩ Đào Anh Khánh là người sở hữu lắm đất đai. Nhưng mua 6ha đất chỉ với mục đích kiến tạo không gian nghệ thuật để trình diễn và cống hiến “miễn phí” thì quả hiếm hoi.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ, ông thích không gian núi rừng. Trong không gian đó, nghệ thuật thị giác, sắp đặt, hình thể và âm nhạc hòa quyện thực sự là một ý tưởng độc đáo, hấp dẫn. Khi được thưởng thức chương trình, quả thật không thất vọng.
Khán giả sẽ có nhiều luồng ý kiến khen chê và thái độ cảm nhận về các sự kiện “Đáo Xuân”, điều này phụ thuộc vào trình độ nhận thức và cảm giác, mỹ cảm riêng.
Nhưng một điều rất rõ ràng là sức hút của cái tên Đào Anh Khánh rất lớn. Chẳng thế mà dù trời trở lạnh và khoảng cách di chuyển khá xa, giới nghệ sĩ và công chúng vẫn hăm hở gác lại mọi công việc tìm đến Gầm Trời, tìm đến với không gian sáng tạo độc đáo mới.
|
Tận hiến cho nghệ thuật
Tham dự cả 9 lần “Đáo Xuân”, diễn viên Trần Quỳnh Trang chia sẻ: Cuộc chơi nghệ thuật với qui mô hoành tráng nhất đòi hỏi sự đầu tư “khủng” về mọi phương diện đã thể hiện sự tâm huyết tận hiến cho nghệ thuật của người nghệ sĩ đích thực.
Duy trì được sự kiện thường niên đã khó, liên tục mở rộng và sáng tạo không ngừng càng khó bội phần. Tầm vóc và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ phải đạt đến ngưỡng giá trị nào mới có thể lôi kéo được đông đảo bạn bè quốc tế và khán giả như vậy.
Chương trình nào cũng hoàn toàn miễn phí và anh Khánh thực sự sống chết cùng “Đáo Xuân”, không chỉ là thời gian, tiền bạc, công sức mà không ít lần nguy hiểm đến cả tính mạng mình.
“Trong mỗi cuộc trình diễn, dù lớn hay nhỏ, dù thể hiện những ý tưởng “điên rồ” nhất, khát vọng và đam mê tình yêu của Đào Anh Khánh luôn hiện hữu. Tôi trân trọng, nể phục sức lao động và sự nuôi dưỡng đam mê bền bỉ của nghệ sĩ Đào Anh Khánh.
Không chỉ bị ấn tượng bởi hiệu ứng thị giác, bởi không khí lễ hội, tôi được truyền cảm hứng từ sức mạnh và sự mãnh liệt của một nội tâm luôn hướng về nghệ thuật. Giới nghệ sĩ không ít người làm nghệ thuật nửa vời hoặc rẽ ngang. Để trụ được với nghề, luôn sung mãn, không ngừng sáng tạo, đam mê tận hiến và dám theo đuổi đến cùng như anh Khánh là một tấm gương lớn”, diễn viên Trần Quỳnh Trang bày tỏ.
Đắm mình trong gió núi Gầm Trời, lơ lửng trên sân khấu khoáng đạt, thả tâm thế và cảm xúc giao hòa cùng trời đất, ca sĩ Tùng Dương đã thể hiện “Phù vân Yên Tử” với cuộc phiêu lưu bay bổng kỳ lạ.
“Tôi hiểu và đồng cảm với tâm thế, tâm nguyện làm nghệ thuật hết mình của anh Khánh. Làm nghệ thuật đương đại khó vì không ai giống ai mới tạo được sự mới lạ, khác biệt. Không ngừng trăn trở tìm cách biểu đạt qua ngôn ngữ hình thể, hội họa ở đỉnh cao, anh Khánh “điên” trong sự thăng hoa, đi đầu về sức sáng tạo và táo bạo trong thể nghiệm, hướng tới cái đẹp.
“Đáo Xuân” không phải là một chương trình “tự sướng” với nhau mà hội tụ sự sáng tạo của anh em nghệ sĩ, cùng xác định làm nghệ thuật, đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại”, Tùng Dương xúc động chia sẻ.
Theo ca sĩ Tùng Dương, “Đáo Xuân 9” cho thấy Đào Anh Khánh là một thủ lĩnh giỏi kết nối các tài năng ở nhiều lĩnh vực, nhiều quốc giakhác nhau, tạo thành một bản giao hưởng đa thanh sắc, hình khối… Bản hòa tấu đã lột tả những vẻ đẹp mà nhiều nghệ sĩ được tự do thể hiện một phần chân dung, cá tính sáng tạo của mình.
“Điều đáng tiếc nhất là “Đáo Xuân” tuy đã đạt qui mô lớn của một festival nghệ thuật nhưng vẫn dừng ở cấp độ cá nhân. Do đó, sự kiện chỉ thu hút được một bộ phận giới làm nghệ thuật tham gia, việc tổ chức còn gặp nhiều khó khăn, việc quảng bá cũng hạn chế nên chưa đạt được tính phổ cập rộng rãi tới công chúng.
Hy vọng đây chưa phải là “Đáo Xuân” cuối cùng để giới nghệ sĩ và công chúng Việt có cái nhìn tích cực và rộng mở hơn về nghệ thuật trình diễn đương đại”, Tùng Dương nói.