Cần phải có kịch bản hay
Diễn ra trong không khí ấm cúng, cởi mở của những ngày cuối năm các nghệ sĩ đã bộc bạch chân thành những suy nghĩ, trăn trở với nghề và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết mong muốn phát triển văn hóa, nghệ thuật TP tương xứng với những thành tựu về kinh tế, xã hội.
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, muốn có được sự hưởng ứng của khán giả nhất định phải có tác phẩm hay mà đó dường như là điều đang thiếu ở sân khấu hiện nay, đặc biệt ở lĩnh vực sân khấu truyền thống như cải lương, hát bội.
Theo NSƯT Thanh Bạch thì tác phẩm hay cần sự kết hợp của nhiều yếu tố nhưng chung quy vẫn là sức mạnh kịch bản.
“Hiện nay, việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ biên kịch là chưa có, trong khi lực lượng tác giả gạo cội ngày càng vắng bóng, đội ngũ tác giả trẻ năng động nhưng đôi khi chỉ chạy theo tiếng cười mà không chú trọng thông điệp tác phẩm.
Chưa kể nếu là biên kịch cải lương còn phải giỏi về tất cả bài bản cải lương. Với tình trạng người viết kịch bản không sống nổi như hiện nay thì rất khó. Do đó, rất cần sự xúc tác từ Nhà nước để khơi gợi sức sáng tạo của lực lượng cầm bút qua việc nâng cao thù lao cho biên kịch, có những cuộc thi tìm kiếm kịch bản hay với giải thưởng thật cao…”, NSƯT Thanh Bạch chia sẻ.
Đồng ý kiến, soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ kỷ niệm từ giải 3 một cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu năm 1992 mà bản thân có thêm động lực, niềm tin theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp đến hôm nay.
Soạn giả Hoàng Song Việt đề xuất, hàng năm, ngoài các trại sáng tác của các hội văn học nghệ thuật, TP có thể tập trung tài lực tổ chức cuộc thi tìm kiếm kịch bản hay với giải thưởng thực sự thỏa đáng để các tác giả có thể bỏ thời gian, tâm huyết đầu tư cho kịch bản và được nghiệm thu bởi một hội đồng nghệ thuật thật chuyên nghiệp, công tâm và có nghề. Qua cuộc thi như thế sẽ tập hợp được nguồn kịch bản tốt cho sân khấu và quan trọng hơn, tạo động lực sáng tạo cho lực lượng biên kịch, nhất là tác giả trẻ.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm là cơ sở vật chất phục vụ nghệ thuật còn hạn chế. Đó gần như là nỗi lòng chung của các nghệ sĩ cải lương, hát bội, kịch nói, múa rối tham gia buổi họp mặt khi thực tế cơ sở vật chất cho hoạt động biểu diễn sân khấu hiện nay không đáp ứng được nhu cầu.
NSƯT Ca Lê Hồng cũng đề xuất TP từng bước xem lại tất cả cơ sở vật chất để đầu tư cho hợp lý và nên chăng hỗ trợ một số đơn vị xã hội hóa hiệu quả ổn định điểm diễn. NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Hoa Hạ, họa sĩ Lê Văn Định, họa sĩ Đức Trí… cũng kỳ vọng về những điểm diễn đủ chuẩn để người nghệ sĩ phát huy năng lực sáng tạo mang đến những vở diễn hấp dẫn, mới lạ, thu hút công chúng cho nghệ thuật cải lương, hát bội, múa rối…
Cần thay đổi tư duy
Ở một góc nhìn khác, “ông bầu” của Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh nghệ thuật vốn dĩ không thể chết nhưng sàn diễn, kể cả cải lương và kịch nói, cũng sẽ chết nếu chúng ta không đổi mới, thay đổi tư duy.
“Các loại hình nghệ thuật của TP hiện nay cũng là sản phẩm giải trí vì thế phải có nhà sản xuất và phải có nhà tiêu thụ. Nhưng tất cả những người làm sân khấu hôm nay đều không chỉ làm theo cảm tính, kinh nghiệm. Khi một loại hình mới nổi lên như gameshow truyền hình, như một quy luật tất yếu các loại hình cũ là sân khấu sàn diễn sẽ bị thu hẹp.
Chúng ta phải chấp nhận quy luật đó và nhìn ra vấn đề là mình còn thiếu những nhà quản lý, nhà sản xuất làm việc thật bài bản, khoa học, biết nắm bắt, đáp ứng và đón đầu thị hiếu khán giả, biết nuôi dưỡng thế hệ khán giả kế thừa. Với khán giả chỉ có khái niệm “hay” hoặc “không hay” và cần có những con người phù hợp để làm ra những tác phẩm hay đáp ứng nhu cầu khán giả”, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS. Mai Mỹ Duyên đưa ra các giải pháp, chính sách thúc đẩy nghệ thuật truyền thống, như việc khai thác các di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch quảng bá nghệ thuật dân tộc, đồng thời tạo thêm không gian sinh tồn cho nghệ thuật truyền thống phát triển; cùng với đó là việc “đào tạo công chúng”, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - đào tạo, với một chương trình sân khấu học đường bài bản, phù hợp từng lứa tuổi, từng cấp học.
Ghi nhận những đóng góp tâm huyết của các văn nghệ sĩ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định trách nhiệm của TP là phải chăm lo đầy đủ để nghệ sĩ an tâm hoạt động, phục vụ đời sống tinh thần người dân TP.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất đang quản lý, đánh giá hiệu quả hoạt động và cần thiết đổi mới cơ chế quản lý, bố trí lại cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng; cũng như rà soát những cơ ngơi có sẵn của TP hiện nay, cần thiết đầu tư nâng cấp, bố trí, ưu tiên tối đa cho các chương trình biểu diễn của những loại hình nghệ thuật truyền thống; tham mưu kinh phí thực hiện, hỗ trợ cho những vở diễn, những chương trình nghệ thuật chất lượng cao cần quảng bá đại chúng…
Dịp này, UBND TPHCM tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018; đồng thời ủng hộ 500 triệu đồng chăm lo Tết cho văn nghệ sĩ.