Bí quyết ôn tập, làm bài môn Tiếng Anh

GD&TĐ - Cô Thái Nguyễn - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch ôn tập, quá trình ôn tập môn Tiếng Anh, cũng như lưu ý kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm cho học sinh trước Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.   

Học sinh Bắc Giang  trong giờ học. Ảnh: T.G.
Học sinh Bắc Giang trong giờ học. Ảnh: T.G.

Xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp

Giáo viên căn cứ vào thực tế lớp mình giảng dạy để điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh. Đề thi THPT tập trung kiểm tra kiến thức ngữ pháp và đòi hỏi vốn từ vựng, do đó giáo viên trong quá trình ôn tập phải cung cấp đầy đủ các chuyên đề ngữ pháp, bổ sung vốn từ vựng cho học sinh và học sinh phải được luyện tập nhiều để nắm vững kiến thức cơ bản yêu cầu trong sách giáo khoa và kiến thức nâng cao.

Mỗi đơn vị bài học trong sách giáo khoa sẽ có 1 phiếu bài tập bổ trợ được thiết kế với nhiều dạng bài khác nhau bám sát cấu trúc đề thi THPT để củng cố kiến thức ngữ pháp, từ vựng và các kiến thức cần thiết khác cho học sinh tương ứng với nội dung của đơn vị bài học đó.

Sau khi hoàn thành phiếu bổ trợ, học sinh sẽ làm 1 bài thi thử với cấu trúc đề thi THPT trong 60 phút để kiểm tra toàn bộ phần kiến thức của đơn vị bài học đó. Mỗi chuyên đề ngữ pháp sẽ phải có bài luyện tập và 1 bài kiểm tra kiến thức. Giáo viên chấm, chữa bài để rút kinh nghiệm cho bài thi thử sau.

Vững cấu trúc, yêu cầu của đề đối với các dạng bài

Trong quá trình ôn tập, cần hướng dẫn học sinh nắm vững cấu trúc và yêu cầu của đề đối với các dạng bài, cụ thể:

Phần đọc hiểu (15 câu) và ngữ pháp (14 câu) là 2 phần bao gồm nhiều mảng kiến thức khác nhau và chiếm tỷ trọng lớn trong đề thi do đó học sinh dễ bị mất điểm. Các phần còn lại như chức năng giao tiếp, viết phần lớn có độ khó trung bình vì vậy cần hạn chế tối đa việc làm sai.

Về ngữ âm: Gồm 2 câu phát âm và 2 câu trọng âm. Học sinh chỉ nên học một vài ví dụ tiêu biểu của từng nguyên tắc từ đó suy ra nguyên tắc chung và áp dụng. Tuy nhiên vẫn cần học thêm những trường hợp ngoại lệ.

Về ngữ pháp - từ vựng: Gồm 14 câu tổng hợp các mảng ngữ pháp và các chủ đề từ vựng. Ngữ pháp thường tập trung vào câu chủ động - bị động, câu trực tiếp - gián tiếp, mệnh đề quan hệ, so sánh, câu điều kiện, hòa hợp chủ từ và động từ, đảo ngữ… Học sinh khi làm bài cần nhanh chóng xác định mảng ngữ pháp đang được hỏi và xử lý các câu dễ trước.

Về từ vựng: Đề thi THPT đòi hỏi học sinh phải có vốn từ nhất định không chỉ về các chủ đề trong sách giáo khoa mà còn một số chủ đề khác. Do đó, giáo viên nên hướng dẫn học sinh học từ vựng theo các chủ đề và theo sự kết hợp từ để học sinh sử dụng đúng ngữ cảnh.

Về chức năng giao tiếp: Gồm 2 câu, thường về xin lỗi, gợi ý, khen ngợi, đáp lời… Đây là phần dễ có điểm vì vậy giáo viên nên hướng dẫn học sinh liên hệ thực tế cuộc sống để có thể đạt tối đa điểm ở phần này.

Đọc hiểu: 18 câu chiếm gần 4 điểm trong bài thi. Các bài đọc gắn với chủ đề trong sách giáo khoa vì vậy học sinh phải có vốn từ vựng lớn và có kỹ thuật làm bài. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh nắm vững kĩ năng skimming và scanning và chiến thuật đối với từng loại câu hỏi để áp dụng cho đúng (câu hỏi từ vựng, tham chiếu, suy luận…).

Phần viết: Đòi hỏi học sinh nắm vững từ vựng và ngữ pháp để chọn câu đúng nghĩa và đúng cú pháp. Phần này kiến thức không quá khó nhưng học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản.

Lưu ý kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm

Về kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm, học sinh cần đọc lần lượt từ trên xuống dưới, câu nào chắc chắn làm được thì làm ngay và tô phương án lựa chọn vào phiếu trả lời.

Lần làm đầu tiên không nên sa đà vào những câu làm mất quá nhiều thời gian, vì câu nào cũng có điểm như nhau, không phân biệt câu dễ hay khó. Mặt khác, nếu số câu hỏi còn nhiều mà thời gian làm bài còn ít sẽ mất bình tĩnh dẫn đến làm sai nhiều.

Lần thứ hai tiếp tục giải những câu khó hơn và cứ tiếp tục đến khi hết thời gian. Khi thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa làm xong, nên chọn nhanh phương án trả lời cho tất cả câu này, không bỏ sót câu nào.

Đối với học sinh có học lực trung bình: Để đạt điểm năm không quá khó. Các em cần ôn tập thật kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập, vì trong đề bài có tới 50% số câu hỏi là phù hợp với năng lực của học sinh.

Đối với học sinh có học lực khá và giỏi: Nên chú trọng ôn kỹ và ôn sâu vào các trường hợp ngữ pháp ngoại lệ và thành ngữ, cụm động từ khó. Ôn toàn diện, làm nhiều đề luyện tập để đạt số điểm cao nhất.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức hoặc tiếng Nhật. Thí sinh được đăng ký thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.