An toàn trường học: Trăn trở vị trí bảo vệ

GD&TĐ - Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trường học là trách nhiệm của tất cả thành viên trong nhà trường; trong đó có vai trò của nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trăn trở với đội ngũ này.

Cần đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp trong trường học. Ảnh minh họa
Cần đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp trong trường học. Ảnh minh họa

Đãi ngộ chưa tương xứng

Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, nhiệm vụ chính của nhân viên bảo vệ trường học là bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên trong trường; không phải chỉ là người gác cổng, hay giữ xe, trực đêm tại trường. Khi có sự cố xảy ra, các bảo vệ có nhiệm vụ phối hợp ngay với nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương để xử lý và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, nhân viên bảo vệ còn là người nhắc nhở học sinh (thậm chí là giáo viên) thực hiện đúng nội quy của nhà trường, quy ước của địa phương và chấp hành pháp luật; bảo đảm không có sự cố mất an ninh trật tự trước trong và sau giờ học; kiểm tra các phòng học, mở cửa trước khi ngày học bắt đầu và đóng cửa sau khi ngày học kết thúc; đảm bảo tài sản và cơ sở vật chất của nhà trường... 

Người bảo vệ phải có thái độ làm việc nghiêm túc, luôn tập trung cảnh giác, nhưng cũng luôn cần có thái độ hòa nhã, cởi mở, trung thực, là tấm gương tốt với học sinh và xây dựng cái nhìn thân thiện với khách đến trường. Nhân viên bảo vệ phải chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với “nghề” của mình và với hoạt động sư phạm của nhà trường… Đội ngũ bảo vệ phải làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi. 

“Với những trường quy mô lớn, có thể cần từ hai bảo vệ, thì chia ca để bảo đảm cho mỗi người có thời gian nghỉ ngơi; nhưng nếu trường chỉ có 1 bảo vệ, người làm công việc này rất vất vả. Thế nhưng chế độ đãi ngộ với vị trí này chưa tương xứng với nhiệm vụ. Nhân viên bảo vệ có lương bậc 1 với hệ số là 1,5 và kết thúc ở bậc 12 với hệ số 3,48. Sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương. Vậy để được hưởng mức lương cao nhất với mỗi tháng trên 5 triệu đồng, nhân viên bảo vệ đó phải làm việc liên tục 24 năm, một khoảng thời gian gần như “không tưởng”, do nhân viên bảo vệ khi vào làm việc (với mức lương khởi điểm) có tuổi đời khá cao (thường là trên 40)”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Lớn tuổi, thiếu nghiệp vụ

Tại huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, công tác an toàn trường học luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là công tác bảo vệ trong trường học. Ông Phan Mạnh Hùng, chuyên viên Phòng GD&ĐT Thanh Thủy, Phú Thọ cho biết: Trên cơ sở hỗ trợ kinh phí của huyện (2,5 triệu đồng/người/tháng) các đơn vị được chủ động trong việc ký hợp đồng với người làm công tác bảo vệ trong nhà trường. Trên địa bàn huyện, 51/51 đơn vị trường học ký hợp đồng lao động với người làm công tác bảo vệ trường học (mỗi trường có 1 bảo vệ,  trường có 2 điểm trường thì có 2 bảo vệ). Tuy nhiên, do lương chi trả cho nhân viên bảo vệ còn thấp, không bảo đảm mức sống của người lao động, do đó các nhà trường hầu hết phải hợp đồng với người nhiều tuổi, sức khỏe yếu. Một số đơn vị trường học có quy mô lớp, học sinh lớn, điạ bàn phức tạp nhưng chỉ có 1 nhân viên bảo vệ; trong khi yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ đòi hỏi bảo đảm an toàn 24/24 giờ/ngày... Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí, sắp xếp công việc của nhân viên bảo vệ của các nhà trường.

“Thời gian qua, phòng GD&ĐT tích cực tham mưu cho UBND huyện cân đối, hỗ trợ kinh phí để các trường chi trả tiền công cho nhân viên bảo vệ. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục quan tâm, tạo điều kiện, bố trí công việc kiêm nhiệm khác để tăng thêm thu nhập cho nhân viên bảo vệ như cắt tỉa, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; vệ sinh trường, lớp... quan tâm, giúp đỡ để nhân viên bảo vệ yên tâm công tác. Để làm tốt công tác này, cần bảo đảm chế độ tiền lương hoặc định mức biên chế vị trí việc làm cho nhân viên bảo vệ trong các trường công lập. Khi đó, cơ sở giáo dục sẽ có đủ các điều kiện để lựa chọn người phù hợp, có chất lượng đảm đương nhiệm vụ công tác bảo vệ. Với những trường hạng I (có quy mô lớp, học sinh lớn), nên bố trí từ 2 nhân viên bảo vệ trở lên để bảo đảm công tác an toàn trong trường học” – ông Phan Mạnh Hùng nếu ý kiến.

“Bảo vệ trường học là không thể thiếu”. Khẳng định điều này, nhưng ông Trần Tuấn Khanh cũng đưa ra thực trạng phần lớn bảo vệ trường học lớn tuổi, sức khỏe không bảo đảm, trình độ học vấn thấp, thiếu nghiệp vụ và trang thiết bị cần thiết. Khắc phục hạn chế này, ngành Giáo dục An Giang đã phối hợp với công an tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ năm 2020 cho bảo vệ các cơ sở giáo dục công lập. Các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thực hiện đủ, kịp thời trang phục bảo vệ theo quy định tại Thông 08/2016/TT-BCA. Cùng với đó, thực hiện Văn bản hợp nhất số 04/NĐHN-BNV của Bộ Nội vụ về thực hiện chế độ hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập, sở GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 3478/SGDĐT-TCCB và Văn bản số 3600/SGDĐT-TCCB về hướng dẫn thực hiện hợp đồng lao động theo mức lương vùng. 

Lãnh đạo các nhà trường, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và bản thân học sinh phải có cái nhìn thân thiện với nhân viên bảo vệ; có sự cảm thông cần thiết để bảo vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà trường có thể phần nào giải quyết thỏa đáng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp lực lượng này; và nếu có điều kiện cần có sự đãi ngộ phù hợp để những người làm công tác bảo vệ an tâm cống hiến lâu dài cho trường, cho ngành. - Ông Trần Tuấn Khanh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ