Cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo vệ trường học

GD&TĐ - Vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) có phần trách nhiệm của nhân viên bảo vệ khi không có mặt tại hiện trường khiến hung thủ có cơ hội đột nhập vào lớp học. Qua vụ việc này, có ý kiến đề xuất phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên bảo vệ trường học.

Trường Tiểu học Đồng Lương nơi xảy ra sự việc
Trường Tiểu học Đồng Lương nơi xảy ra sự việc

Không có quy định vị trí việc làm cho bảo vệ

Qua vụ việc xảy ra tại Trường TH Đồng Lương đã nảy sinh một bất cập về lực lượng bảo vệ trong trường học. Hiện nay trong Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập không có điều khoản quy định vị trí việc làm cho bảo vệ.

Thông tư nói trên quy định các nhà trường phải có trách nhiệm hợp đồng, tuyển dụng, chi trả và bố trí công việc cho nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, việc trả lương cho bảo vệ ở mỗi địa phương, mỗi trường học lại khác nhau. Nhiều trường học, nhân viên bảo vệ vốn được nhắc đến với tính chất bảo đảm an toàn trường học nhưng thực tế là “có cũng như không”.

Ông Lê Thiên Quang - Hiệu trưởng Trường TH Đồng Lương cho biết: Đúng là sự việc xảy ra có lỗi của bảo vệ khi không có mặt tại hiện trường kịp thời. Tuy nhiên giả sử lúc đó có mặt bảo vệ thì cũng không biết sự việc sẽ diễn biến thế nào khi họ không được trang bị kĩ năng cần thiết để ứng phó với sự cố. Lương thấp nên cũng khiến nhiều bảo vệ không trách nhiệm với công việc.

Ông Quang chia sẻ: “Giống các trường khác trong huyện, chúng tôi ký hợp đồng bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, sửa chữa điện nước đơn giản. Các điều khoản trong hợp đồng cũng rất chặt chẽ. Nhưng thực tình, giả sử trả lương cho họ 4 - 5 triệu đồng/tháng thì khác; đằng này chúng tôi chỉ trả được 1 - 2 triệu đồng nên họ cũng phải tranh thủ đi kiếm sống thêm.

Thêm vào đó, Trường TH Đồng Lương có 3 khu, gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ, ít nhất cần đến 3 bảo vệ. Nếu trả mỗi người từ 3 triệu đồng/tháng thì trường ở vùng quê không thể đủ tiền. Mỗi năm, nhà trường có khoảng 150 - 200 triệu đồng để chi cho tất cả hoạt động chung. Theo cân đối, chỉ có từ 20 - 30 triệu đồng cho bảo vệ, nên mỗi tháng, Trường TH Đồng Lương chỉ trả được cho mỗi bảo vệ khoảng 1 triệu đồng. Do vậy, việc tìm bảo vệ là rất khó”.

Bảo vệ Lê Văn Khánh
  • Bảo vệ Lê Văn Khánh

Cần bảo đảm an toàn tuyệt đối trong trường học

Đánh giá sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Đồng Lương là nghiêm trọng, ông Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho rằng, qua sự việc lần này cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, đưa ra các giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong các trường học.

Mấu chốt là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho GV, HS. Trong đó, trách nhiệm của nhà trường là phải rà soát các điều kiện an toàn và có biện pháp khắc phục trong điều kiện có thể thực hiện. Đối với chính quyền địa phương, ông Linh đề nghị cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm an toàn cho trường học, nhất là những hạng mục như cổng trường, tường rào bảo vệ.

Sự việc vừa rồi là khó lường nhưng điều cần bàn là tăng cường các biện pháp chủ động để ứng phó khi sự việc xảy ra.

Giải pháp quan trọng trong thời gian tới là tăng cường quán triệt các giải pháp bảo đảm an toàn trường học xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Có nhiều nhóm văn bản mà Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành, mới đây nhất, ngày 12/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa kí Chỉ thị 993 về việc tăng cường biện pháp phòng chống BLHĐ. Đây là những văn bản quan trọng giúp các nhà trường căn cứ, xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo môi trường trường học an toàn.

Ông Bùi Văn Linh cho biết thêm: Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập không quy định về biên chế bảo vệ trong trường học. Tuy nhiên tại Điều 10 có quy định: Các trường được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ vệ sinh, bảo vệ.

Các nhà trường được tuyển bảo vệ theo nhu cầu, tuy nhiên lực lượng này chưa được tập huấn nghiệp vụ, do đó khó có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ như sự việc vừa qua. Đây là vấn đề cần được quan tâm khắc phục, đảm bảo chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo vệ trường học. Cần có chế độ tốt hơn cho đội ngũ này để họ yên tâm công tác.

Thanh Hóa yêu cầu bố trí ngay bảo vệ tại trường học

Ngày 6/5, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã kí công văn gửi chủ tịch UBND huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh, yêu cầu bố trí lao động hợp đồng làm nhiệm vụ bảo vệ trường học. Công văn có nêu: Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT đề nghị chính quyền địa phương các cấp, yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chỉ đạo nhà trường bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại nhà trường (quy định tại Điều 10, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.