Nhiều HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, gồm: Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Mường. Điều kiện cuộc sống của HS đang rất khó khăn, nên khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhà trường thực hiện dạy trực tuyến, các em không có thiết bị học tập. Không những thế, ở Mường Lát hiện nay còn rất nhiều bản chưa có sóng điện thoại, nên việc áp dụng công nghệ thông tin là điều vô cùng khó khăn đối với HS.
Em Thao Văn Chá - người dân tộc Mông, ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (Mường Lát). Chá mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn kiên cường vượt qua mọi gian khó để đến trường.
Còn em Đinh Công Tú, nhà ở bản Đông Ban, xã Pù Nhi (Mường Lát), gia đình đặc biệt khó khăn nhưng Tú vẫn là HS chăm chỉ, luôn vươn lên trong học tập.
Nhận được điện thoại mới để phục vụ cho việc học tập, em Thao Văn Chá phấn khởi, chia sẻ: “Em đang ở với bà nội. Do cuộc sống gia đình rất khó khăn, bà không có tiền mua điện thoại cho em để học.
Đợt học trực tuyến vừa qua, không có điện thoại, máy tính nên em phải đi học nhờ điện thoại của bạn. Giờ đây, em được tặng chiếc điện thoại mới, em hứa sẽ dùng để học tập thật tốt. Em chân thành cảm ơn tấm lòng hảo tâm của bạn đọc Báo GD&TĐ, cô, chú phóng viên và các thầy, cô giáo nhà trường đã giúp đỡ em trong lúc khó khăn”.
Thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, cho biết: Hoàn cảnh của Thao Văn Chá rất đáng thương. “Bố qua đời khi mẹ của Chá đang mang thai tháng thứ 8. Vì quá đau buồn, mẹ em đã không chịu đựng được nên cũng bỏ lại 2 chị em Chá côi cút giữa dòng đời. Chị gái Chá hiện đã lấy chồng, nhưng gia đình cũng khó khăn, không thể nuôi em trai được.
Trường THPT Mường Lát đang còn nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn. Có em nhà ở cách trường hơn trăm km. Em ở vùng sâu, bản cao, xa xôi thuộc vùng chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại... Do đó, đợt học trực tuyến hồi đầu tháng 9 vừa qua, tỷ lệ HS có thiết bị để học chỉ được khoảng 50% của nhà trường.
“Món quà của nhà hảo tâm góp phần giúp cải thiện điều kiện học tập của HS vùng khó Mường Lát. Chúng tôi mong các em biết cách khắc phục khó khăn khi môi trường học tập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để nỗ lực vươn lên trong học tập”, thầy Anh Văn chia sẻ.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có hơn 26.500 HS thiếu thiết bị học trực tuyến. Trong đó, tập trung ở các huyện miền núi khó khăn, như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc...
Ông Trần Văn Bình – Chủ tịch Công đoàn ngành GD Thanh Hóa thông tin: Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa đã phát động, kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội, ủng hộ tiền mặt, trang thiết bị để hỗ trợ HS nghèo, gia đình khó khăn không đủ điều kiện trang bị thiết bị tham gia học tập trực tuyến.