Cô hiệu trưởng "vượt rào" tìm lại danh phận cho học trò nghèo

GD&TĐ - Nhiều người biết đến cô giáo Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên - Hà Nội) bởi tấm lòng nhân ái, kết nối và lan tỏa yêu thương với nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo. Đó là những câu chuyện về tình thương, về tâm huyết và trách nhiệm đối với sự nghiệp “trồng người” vinh quang và cao quý, là nét đẹp tâm hồn của nhà giáo.

Bà nội Nguyễn Thị Lộc và cháu Minh Anh nhận học bạ và hồ sơ chuyển trường từ cô Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền
Bà nội Nguyễn Thị Lộc và cháu Minh Anh nhận học bạ và hồ sơ chuyển trường từ cô Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền

Có một câu chuyện xúc động mà ít ai biết đến, đó là hành trình cô biến "ước mơ được đến trường" của một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở thành hiện thực. Đã đến tuổi đi học nhưng 2 năm liền em bị các nhà trường nơi em sinh sống từ chối nhận vào học lớp 1 chỉ vì lý do không có giấy khai sinh.

“Vượt rào” các quy định vì quyền lợi của học sinh

Cô giáo Thu Huyền chia sẻ lý do cô đã dám "vượt rào" các quy định của Ngành để nhận một học sinh “trái tuyến”, “không có giấy khai sinh” và “quá tuổi” vào học tại trường Tiểu học Giang Biên:

“Một buổi tối cuối tháng 7/2018, tôi nhận được điện thoại từ một người bạn là giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn Phường Bách Khoa - Quận Hai Bà Trưng, trao đổi về trường hợp cháu Nguyễn Minh Anh (7 tuổi) ở Khu tập thể Bách Khoa - Phường Bách Khoa - Quận Hai Bà Trưng, vì không có “Giấy khai sinh” nên không được tuyển sinh vào lớp 1.

Năm học 2017-2018 em đã bị thất học. Năm học 2018-2019 em lại tiếp tục bị nhà trường từ chối. Hoàn cảnh của em rất khó khăn: Bố mẹ em lấy nhau không đăng ký kết hôn; khi sinh em được một thời gian thì bố em sa ngã, phải đi trại cải tạo, mẹ em bỏ đi biệt tích, để lại em cho bà nội nuôi. Em lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà nội nhưng thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ.

Trước kỳ tuyển sinh, bà nội em đã đến UBND Phường hỏi về thủ tục làm giấy khai sinh cho cháu nhưng cán bộ tiếp dân yêu cầu bà phải có “giấy chứng sinh”. Vì không rõ em được sinh ở bệnh viện nào nên bà đã lặn lội đến một số bệnh viện ở Hà Nội để hỏi, xin cấp lại "giấy chứng sinh” cho cháu, nhưng các bệnh viện đều không tìm được tên sản phụ và tên của cháu trong hồ sơ lưu. Bà lại tất tả đến các trường tiểu học trên địa bàn phường để xin học cho cháu nhưng tiếp tục bị từ chối.

Mặc dù rất thương hoàn cảnh của Minh Anh nhưng cô giáo đành bất lực không giúp được gì cho em và rồi cô Thu Huyền quyết định cùng bạn mình “tìm lại danh phận” cho cô học trò đáng thương này.

Cô Hứa Thu Huyền trong một chuyến từ thiện ở vùng cao.
Cô Hứa Thu Huyền trong một chuyến từ thiện ở vùng cao.

Hành trình tìm lại "danh phận" cho học sinh

Cô Thu Huyền chia sẻ rằng: “Nghe bạn nói về hoàn cảnh của cháu mà xót xa, thương cháu quá. Không có giấy khai sinh, đâu phải lỗi của cháu? Nhưng quy định của Ngành GD&ĐT về hồ sơ tuyển sinh, bắt buộc trẻ phải có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú...) mới đủ điều kiện để tuyển sinh vào lớp 1, có trường nào dám nhận học sinh không có giấy khai sinh? mà thời điểm này hầu hết các nhà trường đã hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm học 2018-2019 rồi.

Tôi chủ động gọi điện cho bà của cháu Minh Anh để xác minh. Bà nội cháu tha thiết mong tôi thương cháu, giúp đỡ cháu, để cháu được đi học cùng chúng bạn.

Sau khi tìm hiểu các quy định của Pháp luật về đăng ký khai sinh cho trẻ em, tôi đã liên lạc với UBND phường Bách Khoa để trao đổi cụ thể, đề nghị hướng dẫn cho gia đình cháu các thủ tục cấp giấy khai sinh cho cháu theo quy định, để đảm bảo quyền lợi cho cháu, không thể để cháu thất học vì không có giấy khai sinh và hộ khẩu.

UBND phường Bách Khoa sau đó đã hướng dẫn gia đình làm thủ tục. Gia đình cũng được yêu cầu thực hiện giám định AND, có kết quả xác định cha con thì cháu sẽ được cấp giấy khai sinh.

Ngày 4/9/2018, trước ngày khai giảng năm học 2018-2019 một ngày, tôi nhận được điện thoại của bà nội cháu Minh Anh, giọng bà buồn như sắp khóc, bà khẩn khoản cầu cứu tôi: “Cô ơi, đến giờ cháu Minh Anh vẫn chưa có giấy khai sinh, chẳng có trường nào chịu nhận cháu vào học cô ạ. Cháu cứ hỏi tôi: “Bà ơi, tại sao các bạn được đi học mà cháu lại không được? Cháu không ở nhà nữa đâu, cháu muốn đi học cùng các bạn”. Giờ tôi không biết làm sao để cháu được tọai nguyện ước mơ đến trường. Hay là nhờ cô giúp đỡ cho cháu được dự lễ khai giảng năm học mới ở trường của cô, cô cho cháu học nhờ một thời gian?”.

Tôi nghẹn lòng và hình dung cảnh một đứa trẻ vô tội, sống giữa Thủ đô mà không được xã hội thừa nhận, không được nhà trường tiếp nhận... tương lai của cháu rồi sẽ ra sao? "Lỗi" của người lớn sao bắt con trẻ phải chịu thiệt thòi?

Luật pháp quy định, trẻ sinh ra có quyền được khai sinh, được đi học, được chăm sóc và bảo vệ. Lẽ nào chỉ vì không có đủ hồ sơ mà để trẻ phải chịu cảnh thất học? Nếu là "lỗi" của người lớn có thể khắc phục được thì tại sao không thể cho trẻ một cơ hội để có được niềm vui ngày khai giảng?. Vậy là tôi quyết định vượt qua mọi rào cản về quy định tuyển sinh để biến ước mơ được đến trường của cháu bé mình không hề quen biết thành hiện thực.

Sáng 5/9/2018, tôi đang chuẩn bị cho Lễ khai giảng thì bà đưa cháu đến gặp tôi. Ngay lần gặp mặt đầu tiên, tôi đã có cảm tình với cô bé trông thông minh, nhanh nhẹn,  rất ngoan và lễ phép. Tôi tặng cháu 1 bộ đồng phục mới và tôi đưa cháu đến gặp cô giáo Nguyễn Thị Lý - Chủ nhiệm lớp 1A4 để cháu nhận lớp, làm quen với cô giáo và các bạn. Đúng như cảm nhận của tôi, Minh Anh được các bạn rất yêu quý, bầu làm lớp trưởng.

Và rồi, sau thời gian “gõ cửa” các cơ quan có thẩm quyền, khoảng cuối tháng 11/2018, bà nội cháu vui mừng báo tin cháu đã có giấy khai sinh. Minh Anh đã có đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ để về học tại ngôi trường đúng tuyến, gần nhà.

Thế là kết thúc một “hành trình nhân ái” để biến ước mơ được đến trường của một cô bé “vượt khó hiếu học” thành hiện thực. Trong niềm vui có cả nỗi bùi ngùi. Vui vì từ nay em chính thức có được bộ hồ sơ định danh, vui vì sau kỳ nghỉ Tết em được đi học ở trường gần nhà, không phải vất vả dậy sớm, về muộn, đi lại xa xôi, những ngày mưa rét nữa. Nhưng cũng không khỏi bùi ngùi vì phải xa một học trò, một người bạn chăm ngoan, học giỏi, đáng mến.

Tôi hy vọng rằng, những mùa tuyển sinh tiếp theo, các nhà trường và địa phương hãy linh hoạt, xem xét và tạo mọi điều kiện để tiếp nhận những học sinh vì hoàn cảnh và lý do đặc biệt mà chưa có giấy khai sinh. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ gia đình hoàn tất thủ tục cấp giấy khai sinh cho học sinh trong thời gian sớm nhất có thể. Xin đừng để trẻ em không được đi học vì “lỗi của người lớn”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.