Nối nhịp cầu yêu thương cho học trò nghèo

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình của Thủ tướng Chính phủ “Sóng và máy tính cho em” , Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại Miền Trung – Tây Nguyên đã phát động kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ.

Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại Miền Trung - Tây Nguyên trao thiết bị học trực tuyến cho HS tại Hà Tĩnh
Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại Miền Trung - Tây Nguyên trao thiết bị học trực tuyến cho HS tại Hà Tĩnh

Trao phương tiện - nhận niềm vui

Tại Hà Tĩnh, Trưởng Văn phòng đại diện đã trao 2 máy điện thoại mới cho 2 trường hợp ở huyện Lộc Hà.

Đó là hoàn cảnh gia đình 2 anh em sinh đôi Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Gia Nghĩa, học sinh lớp 6 trường THCS Thạch Bằng. Bố bị bệnh ung thư xương hơn 4 năm nay phải cắt bỏ một cánh tay do bị hoại tử. Bản thân Nhân và Nghĩa cũng bị bệnh ung thư xương. Mọi chi dùng của cả gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi của người vợ đi làm thuê bưng bê hàng ở cảng cá. Do không có thiết bị học tập online nên hằng ngày hai anh em phải đến nhà bạn học nhờ.

Em Phan Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục nghề Mai Thúc Loan, huyện Lộc Hà cũng không có điều kiện để học trực tuyến. Sức khỏe của bố mẹ Nhung đều yếu, ốm đau bệnh tật thường xuyên. Ngoài giờ học, Nhung còn phụ giúp bố mẹ lo việc đồng áng. Để không bị mất bài, Nhung thường xuyên phải đi học nhờ các bạn trong lớp.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Giáo dục & Thời đại, khu vực miền Trung - Tây Nguyên trao điện thoại thông minh cho HS có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Giáo dục & Thời đại, khu vực miền Trung - Tây Nguyên trao điện thoại thông minh cho HS có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh 

Thông qua Chương trình kêu gọi “Sóng và máy tính cho em”, Nhà báo Nguyễn Văn Dũng, Trưởng VP đại diện đã trực tiếp trao 2 máy điện thoại mới cho 2 trường hợp trên.

Thay mặt gia đình các em, ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà đã gửi lời cảm ơn đến Báo Giáo dục và Thời đại cũng như các nhà hảo tâm đã luôn sát cánh với các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trước đó, Văn phòng báo GD&TĐ khu vực Miền Trung- Tây Nguyên cũng đã kêu gọi mạnh thường quân trao máy tính hỗ trợ học trực tuyến cho 3 anh em Trần Mạnh Cường (học sinh lớp 10), Trần Thị Quyên (lớp 6), Trần Mạnh Quân (lớp 1) ở xã Sơn Long. Gia cảnh 3 anh em Cường rất khó khăn, ông nội bị mù lòa, bà và bố mẹ thường xuyên đau yếu, bệnh tật. Có thêm máy tính, việc học của 3 anh em Cường, Quyên, Quân đã thuận lợi hơn, không phải đi học ké ở nhà bạn của mình.

Thông qua Văn phòng báo GD&TĐ khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, một số bạn đọc đã ủng hộ để trao tặng 2 điện thoại thông minh cho HS khó khăn tại bản Rào Con (Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình).

Phóng viên Nguyễn Tiến Việt trao quà tặng của bạn đọc báo Giáo dục và Thời đại đến 2 HS thiếu thiết bị học trực tuyến
Phóng viên Nguyễn Tiến Việt trao quà tặng của bạn đọc báo Giáo dục và Thời đại đến 2 HS thiếu thiết bị học trực tuyến 

Em Hồ Thị Nguyệt, HS lớp 10A20, trường Ngô Thời Nhiệm (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh) theo diện học bổng Vừ A Dính và em Hồ Văn Thông, học sinh lớp 12D, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Quảng Bình rất vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa trên.

Hồ Văn Thông, cho biết: “Gần đây em không có điện thoại để học trực tuyến nên xin học ké cùng với các bạn. Hôm nay, nhận được chiếc điện thoại  này em rất vui, em sẽ cố gắng để học tập thật tốt.”

Hiện tại, tại bản Rào Con chưa có hệ thống lưới điện, sóng điện thoại nên việc học trực tuyến của các học sinh tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 2 buổi các em phải leo lên tận đỉnh đồi, cách nhà mấy cây số để bắt sóng học tập.

Làm thuyền vượt thác

Chỉ sau một ngày phát động, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã ủng hộ gần 16 triệu đồng để tặng điện thoại di động thông minh cho 5 HS lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ và một em HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Thiết bị đã kịp chuyển đến cho HS ngay khi các trường học ở Đà Nẵng bắt đầu triển khai dạy học chương trình mới sau 2 tuần ôn tập, củng cố kiến thức. 

Đại diện Trường ĐH Đông Á ùng với Ban giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ trao thiết bị học trực tuyến cho HS người dân tộc Cơ Tu của nhà trường
Đại diện Trường ĐH Đông Á ùng với Ban giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ trao thiết bị học trực tuyến cho HS người dân tộc Cơ Tu của nhà trường

Thầy Phạm Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) chia sẻ: Đây đều là HS người dân tộc Cơ tu, sinh sống ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Qua khảo sát trước ngày khai giảng năm học, các em đều phải mượn điện thoại của người thân để học trực tuyến.

Cũng có một vài em đã có điện thoại nhưng tốc độ truy cập rất chậm, thường xuyên bị rớt mạng nên rất khó để theo kịp giờ học cùng các bạn. Có gia đình 2 – 3 chị em sử dụng chung một thiết bị để học online. Nếu lịch học trùng nhau thì… chỉ có một em có thể vào lớp trực tuyến được mà thôi. 

TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng món quà nhỏ của tập thể CB-GV-NV nhà trường sẽ góp phần giúp cải thiện điều kiện học tập của HS vùng khó. Rất mong các em biết cách khắc phục những khó khăn khi môi trường học tập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để nỗ lực vươn lên trong học tập.

ĐH Đông Á luôn truyền tinh thần tới mỗi SV của nhà trường rằng, trước tiên học là để làm người trách nhiệm, phát triển bản thân, tạo dựng con đường thành công và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Chúng tôi rất muốn lan tỏa tinh thần này đến với các em HS có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc cùng đóng góp cho chương trình Sóng và máy tính cho em”.

"Trong tình hình dịch bệnh khó khăn, toàn thể học sinh của nhà trường phải tham gia học trực tuyến, việc tài trợ 5 chiếc điện thoại thông minh của Trường ĐH Đông Á thông qua sự kết nối của Bóa Giáo dục và Thời đại cho các em học sinh Cơ tu khối 12 của trường thật sự là nguồn động lực giúp các em vượt qua khó khăn để có thể tiếp tục việc học" - thầy Phạm Bá Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ