Trong một bài báo mới được đăng tải lên tạp chí Nature Physics, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện Paul Drude (Đại học Berlin - Đức), Phòng Thí nghiệm NTT (Nhật Bản) và Phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ cho biết họ đã tạo ra được transistor nhỏ nhất thế giới.
Điều đáng kinh ngạc là transistor này chỉ bao gồm một phân tử đồng phthalocyanine, 12 nguyên tử indium và một phân tử indium arsenide làm nền.
Transistor này thậm chí cũng không mang cơ chế bán dẫn thông thường (thay đổi hiệu điện thế của cửa bán dẫn để tạo ra hiệu ứng trường bán dẫn).
Thay vào đó, bằng cách thay đổi khoảng cách giữa các nguyên tử indi, các nhà khoa học có thể điều khiển được dòng chảy của từng electron riêng lẻ!
Để tạo ra bóng bán dẫn này, các nhà khoa học phải thực hiện thí nghiệm của mình trong môi trường chân không với nhiệt độ rất gần với mức 0 tuyệt đối (- 273 độ C hay 0 độ K).
Điều này có nghĩa rằng phát minh này có lẽ sẽ không có mặt trên các thiết bị điện tử dân dụng trong tương lai gần. Tuy vậy, phát minh này vẫn được coi là một thành tựu vô chùng đáng chú ý và cũng là minh chứng cho thấy con người vẫn còn rất lâu nữa mới đi đến mức giới hạn của điện tử.